Khai mở thị trường 2.000 tỷ USD
Trong một năm đầy ắp các sự kiện ngoại giao sôi động, việc Việt Nam tăng cường hợp tác, đưa quan hệ với các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) có ý nghĩa thiết thực trong việc khai mở thị trường mới, cũng như thu hút nguồn lực đầu tư từ các tập đoàn, các quỹ đầu tư khổng lồ của Qatar, UAE, Ả-rập Xê-út…
Không có giới hạn nào trong hợp tác
Mặc dù dân số chỉ khoảng 60 triệu người, nhưng GCC, gồm 6 nước: Ả-rập Xê-út, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait, Bahrain và Oman lại là khu vực có nền kinh tế rất phát triển, GDP năm 2022 đạt khoảng 2.000 tỷ USD.
Ngoài thế mạnh về dầu mỏ, những năm gần đây, hoạt động kinh tế , thương mại, đầu tư ở khu vực này diễn ra hết sức sôi động. Các thành phố như Dubai (UAE), Doha (Quata) giờ đây đã trở thành trung tâm tài chính, công nghệ thông tin, du lịch, cảng biển, bất động sản lớn hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, Ả-rập Xê-út với Chiến lược Tầm nhìn 2030 đầy tham vọng, cũng đang có những thay đổi “chóng mặt” để bước vào thời kỳ “cai” dần dầu mỏ. Hiện quốc gia này đang đồng loạt triển khai các siêu dự án, các thành phố tương lai, với mức đầu tư lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ USD. Đáng chú ý, cả Qatar, UAE và Ả-rập Xê-út đều sở hữu những quỹ đầu tư khổng lồ, với nguồn vốn lên đến hàng trăm tỷ USD.
Trước một khu vực đầy tiềm năng trên, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính có 2 chuyến thăm, tới Ả-rập Xê-út (tháng 10/2023) và UAE (tháng 12/2023) đã gửi đi thông điệp về sự quan tâm và ưu tiên của Việt Nam trong phát triển quan hệ với các đối tác thuộc Hội đồng GCC nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, việc chủ động tăng cường quan hệ với các quốc gia ở khu vực trên có ý nghĩa thiết thực trong khai mở thị trường, tăng cường xuất khẩu hàng hóa, cũng như thu hút đầu tư và các nguồn lực mới phục vụ phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Với vị thế ngày càng cao, Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nước. Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Riyadh khẳng định “không có giới hạn nào cho hợp tác giữa hai nước, sẵn sàng phối hợp xử lý mọi vướng mắc, gỡ bỏ mọi rào cản để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam”.
Còn Hoàng Thái tử, Thủ tướng Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Ông cũng bày tỏ luôn mong muốn thăm Việt Nam vào năm 2024, năm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1999-2024).
Hoàng Thái tử đồng thời khẳng định sẽ chỉ đạo Quỹ đầu tư công Ả-rập Xê-út sớm trao đổi, triển khai mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, cả năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo.
Việt Nam và UAE đã nhất trí một số biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa hai nước như đẩy nhanh đàm phán và sớm ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện, sớm nâng kim ngạch thương mại lên 10 tỷ USD trong những năm tới.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo UAE bày tỏ không hạn chế hàng hóa Việt Nam vào UAE và khuyến khích tối đa đầu tư của UAE vào Việt Nam. UAE mong muốn hợp tác với phía Việt Nam để triển khai thành lập Trung tâm nghiên cứu của Microsoft tại Việt Nam.
Việt Nam và UAE đã nhất trí một số biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa hai nước như đẩy nhanh đàm phán và sớm ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện, sớm nâng kim ngạch thương mại lên 10 tỷ USD trong những năm tới. UAE tăng cường hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành Halal, thúc đẩy hợp tác về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, xây dựng trung tâm tài chính, logistics, thể thao…
Cơ hội thu hút đầu tư từ các quỹ trăm tỷ USD
Với môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, thông thoáng, thời gian qua, Việt Nam ngày càng trở thành “mảnh đất” đầy tiềm năng, thu hút sự quan tâm đặc biệt đối với các tập đoàn, các quỹ đầu tư khổng lồ của các nước trong Hội đồng GCC, nhất là các quỹ đầu tư từ Ả-rập Xê- út, Quata, UAE.
Có số vốn ước tính lên tới 620 tỷ USD, quỹ đầu tư công Ả-rập Xê- út (PIF) đã đầu tư 160 triệu USD vào Việt Nam thông qua hình thức đầu tư gián tiếp. Hiện PIF cũng đang tìm kiếm cơ hội hợp tác nhiều hơn nữa với các đối tác Việt Nam để đầu tư vào các dự án lớn về phát triển hạ tầng.
Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Aramco - doanh nghiệp hàng đầu của Ả-rập Xê-út hiện cũng đang mong muốn đầu tư, làm nhà máy lọc dầu tại Việt Nam. Aramco là một trong những tập đoàn dầu khí lớn nhất Ả-rập Xê-út. Năm 2022, tập đoàn này ghi nhận lợi nhuận kỷ lục hơn 161 tỷ USD, tăng 46% so với năm 2021 nhờ giá năng lượng tăng.
Tập đoàn đang triển khai kế hoạch tăng sản lượng sản xuất lên 13 triệu thùng dầu một ngày đến 2027, và phát triển các lĩnh vực công nghệ mới ít phát thải carbon.
“Trung Đông vừa là thị trường có thể mở rộng hợp tác kinh tế, xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam, vừa là nguồn thu hút vốn đầu tư rất lớn từ các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn. Chủ động tăng cường quan hệ với các quốc gia ở Trung Đông có ý nghĩa thiết thực trong khai mở thị trường mới, thu hút đầu tư và các nguồn lực mới phục vụ phát triển của Việt Nam trong thời gian tới”.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt
Ngoài ra, các doanh nghiệp từ UAE như tập đoàn Mubadala, tập đoàn Masdar Energy, Quỹ phát triển Abu Dhabi, Quỹ chủ quyền ADQ, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi… khẳng định rất trông đợi Hiệp định CEPA giữa Việt Nam và UAE để thúc đẩy, hợp tác, đầu tư với Việt Nam trong các lĩnh vực hạ tầng, cảng biển, chuyển đổi số, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, xây dựng trung tâm tài chính tại TPHCM, y tế, nông nghiệp…
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân: CEPA là hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên Việt Nam đàm phán với một nước ở khu vực Trung Đông và châu Phi. Đây là bước khởi đầu cho việc thúc đẩy quan hệ không những với UAE mà còn cả khu vực. Việc ký kết FTA với một đối tác phát triển mạnh về công nghệ, dịch vụ, tài chính như UAE cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp cận nguồn công nghệ hiện đại, nguồn vốn dồi dào, cơ hội học hỏi kỹ năng quản lý, kinh doanh dịch vụ, tạo thêm việc làm cho người lao động, giúp ổn định an sinh - xã hội cho nước ta.
Tuy nhiên, việc ký kết CEPA với UAE sẽ chỉ là bước đầu trong việc thúc đẩy quan hệ sâu sắc hơn nữa giữa Việt Nam với các nước vùng Vịnh. Đây là khu vực có quy mô kinh tế hơn 2.000 tỷ USD và có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, nắm nguồn tài nguyên dầu hỏa cũng như nguồn vốn đầu tư khổng lồ. Đây là những quốc gia quan trọng ở khu vực, là tiền đề để Việt Nam có thể thúc đẩy quan hệ vì hòa bình, hợp tác và phát triển, khai mở các cơ hội vào khu vực Trung Đông.