Đưa gia vị Việt Nam ra thị trường thế giới

08/02/2024 21:19 PM | Kinh doanh

Hơn 10 năm trước không ai nghĩ rằng Cao Bằng có thể trở thành một vùng trồng nguyên liệu an toàn cho các sản phẩm gia vị. Với những trăn trở của mình, vị Giám đốc trẻ tuổi Trần Văn Hiếu, Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp và Tư vấn Môi trường (DACE), ông đã đưa các sản phẩm gia vị của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đưa gia vị Việt Nam ra thị trường thế giới - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Hiếu trăn trở để đưa sản phẩm gia vị ra thị trường thế giới. (Ảnh: MarketTimes).

Cơ duyên với các cây gia vị

Trong bữa tiệc “10 năm hoa gừng nở” tại vùng đất Hà Quảng (Cao Bằng) xa xôi, các vị thực khách được thưởng thức đồ ăn, thức uống có gia vị của DACE, đó là bát tương ớt thơm lừng, sánh đỏ; là hương thơm của bột tỏi, quế, hồi; là nước uống được pha từ siro gừng… tất cả tạo nên một bữa tiệc hấp dẫn cho các vị khách.

Bữa tiệc “10 năm hoa gừng nở” được vị CEO trẻ tuổi lấy chủ đề cho kỷ niệm 10 năm thành lập Công ty DACE, một doanh nghiệp thu mua, sản xuất các sản phẩm cây gia vị được trồng trên vùng đất Cao Bằng. Đó là 10 năm, doanh nghiệp “nằm gai, nếm mật” không chỉ ở Cao Bằng mà còn ở nhiều địa phương khác trong cả nước, để có được nguồn nguyên liệu sạch sản xuất các sản phẩm gia vị xuất khẩu ra thế giới.

Đưa gia vị Việt Nam ra thị trường thế giới - Ảnh 2.

Cán bộ DACE cùng các đối tác nước ngoài thăm nương gừng tại Hà Quảng.

Tái hiện lại những ngày đầu gian khó, ông Trần Văn Hiếu, vị CEO trẻ tuổi chia sẻ, ông tốt nghiệp Đạihọc Nông nghiệp Hà Nội, đầu quân cho một tổ chức quốc tế ở Việt Nam với vai trò quản lý dự án vùng trồng và phát tiển sinh kế cho bà con nông dân. Trong quá trình thực hiện dự án có phát triển cây gia vị, sản phẩm đặc trưng của bà con ở miền núi phía bắc, đặc biệt là tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên các sản phẩm này chỉ được tiêu thụ dạng tươi trong nội địa và các thương lái Trung Quốc thu gom.

Trong khi đó, tìm hiểu, nhu cầu ở các nước xứ lạnh châu Âu, châu Mỹ và khu vực châu Á rất cần các sản phẩm gia vị thô cũng như tinh chế. Từ đó, ông Hiếu bắt đầu rời công việc quản lý dự án và tìm kiếm đối tác xuất khẩu.

Đưa gia vị Việt Nam ra thị trường thế giới - Ảnh 3.

Ông Trần Văn Hiếu cùng đối tác và cán bộ kỹ thuật kiểm tra chất lượng quả ớt.

Vừa làm, vừa nghiên cứu, vừa thay đổi cho hợp với xu thế, gia vị gừng, nghệ là các sản phẩm đầu tiên ông tìm kiếm đối tác châu Á để xuất khẩu. Thành công ban đầu là bàn đạp để tiến xa. Trong 2 năm 2013 – 2015, ông “chập chững” vừa thành lập công ty, tìm thị trường xuất khẩu và vừa xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của các đối tác.

Từ thị trường các nước trong khu vực, ông đã mở rộng được sang thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp, Mỹ… Sản phẩm ngày một đa dạng hơn, từ gừng, nghệ, đến tỏi, ớt. Điều đáng mừng là các đối tác đã phân tích sản phẩm gia vị của Việt Nam và đánh giá cao các hoạt chất cao hơn gia vị của các nước khác.

Khi đã mở rộng xuất khẩu, những nước có tiêu chuẩn khắt khe như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… họ đòi hỏi thêm các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm được công nhận bởi các tổ chức quốc tế. Do vậy, từ năm 2015-2018, ông nhận thấy, muốn sản phẩm được vươn xa và phát triển lâu dài thì phải kết hợp với bà con xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo hướng hữu cơ và gửi đơn đề nghị các tổ chức quốc tế cấp chứng nhận hữu cơ.

Đất trời không phụ lòng người, DACE đã được cấp chứng nhận hữu cơ NOP-USDA (Mỹ), organic EU (Nhật), JAS (Nhật), chứng nhận Naturland (Đức)... Đây là cơ hội để DACE tiến xa, vươn xa, mang những sản phẩm gia vị chất lượng ra thị trường thế giới.

Tạo ra giá trị thật

Năm 2023 đánh dấu cột mốc DACE 10 tuổi, 10 năm vừa xây dựng thương hiệu, vừa mở rộng thị trường. Theo dòng thời gian, DACE đã phát triển thành một doanh nghiệp với 46 nhân sự nhưng với khối lượng công việc đồ sộ: kết hợp với bà con nông dân xây dựng vùng trồng nguyên liệu hữu cơ, liên kết với nhiều doanh nghiệp khác tại các tỉnh thành thu mua nguyên liệu hữu cơ; sản xuất 7 sản phẩm tinh chế và nguyên liệu thô như gừng, ớt, tỏi, quế, hồi, sả, nghệ. Đồng thời, xuất khẩu hàng nghìn tấn sản phẩm vào các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu…

Triết lý của CEO Trần Văn Hiếu là tạo ra giá trị thật, đóng góp thiết thực cho sinh kế của bà con nông dân, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn địa phương và đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu của đất nước. Chẳng thế mà, DACE hiện đang có 2.300 ha vùng trồng các loại gia vị ớt, tỏi, sả, gừng, nghệ, quế, hồi; liên kết với 3.114 hộ dân tại Cao Bằng.

Đưa gia vị Việt Nam ra thị trường thế giới - Ảnh 4.

Cán bộ kỹ thuật cùng ông Đinh Văn Hoan thu hoạch quế.

Không những vậy, để đồng hành với bà con nông dân, DACE đã hỗ trợ vật tư đầu vào, hỗ trợ chế phẩm phân vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ cho nông dân. DACE còn kết hợp với địa phương và các nhà khoa học, tập huấn cho bà con kỹ thuật làm phân vi sinh từ lá cây rừng, thu hái và bảo quản sau thu hoạch cho người dân. Xây dựng vườn ươm tại Cao Bằng, bảo vệ cây giống bản địa, bảo vệ sinh thái vùng rừng trồng cây…

Ông Đinh Văn Hoan, bản Viện, xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng cho hay, từ khi DACE liên kết với bà con nông dân, tình trạng được mùa mất giá đã không còn xảy ra. Như gia đình ông có 500/6.000 cây quế đang cho thu hoạch. Giá quế tươi tại thị trường thu mua 20.000 đồng/kg, giá DACE thu mua từ 22-25.000 đồng/kg.

“Không chỉ mua giá cao hơn mà công ty vào tận rừng để vận chuyển nên người nông dân không còn lo mất giá và không phải mang đi bán”, ông Hoan chia sẻ.

Đưa gia vị Việt Nam ra thị trường thế giới - Ảnh 5.

Ông Đinh Văn Hoan chia sẻ, gia đình ông có 500/6.000 cây quế đang cho thu hoạch. Giá quế tươi tại thị trường thu mua 20.000 đồng/kg, giá DACE thu mua từ 22-25.000 đồng/kg.

Còn đối với gừng tươi, giá thị trường 13.000 đồng/kg, công ty thu mua 16-17.000 đồng/kg, mang lại thu nhập tốt cho bà con nông dân. Với chính sách mua hàng và hỗ trợ công nghệ trồng trọt, người dân cam kết chỉ bán cho doanh nghiệp, ổn định đầu ra để đi đường dài với DACE.

DACE 10 năm thành lập, nhưng mất 3 năm đối diện với khó khăn dịch bệnh, kinh tế thế giới giảm sút, tuy nhiên DACE vẫn đứng vững vì nhu cầu cho các sản phẩm gia vị có tính thảo dược rất cao ở các nước phát triển. Hiện DACE có 33% sản lượng 7 loại gia vị xuất khẩu đi châu Âu, Nhật Bản 13%, Mỹ đạt 18%; Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu gia vị ớt là chính đạt 25%. Doanh thu hàng năm ớt chiếm 30%, gừng đạt 23%, một số sản phẩm như quế và hồi đạt tốc độ tăng trưởng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn gắt gao của thị trường khó tính.

Nói về những dự định thời gian tới, vị CEO Trần Văn Hiếu cho biết, Công ty đang mở rộng diện tích liên kết với bà con Cao Bằng, mục tiêu đến năm 2026 phát triển từ 2.300 ha lên 3.000 ha. Ngoài ra, doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp tại các địa phương thu mua sản phẩm tại Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Trị…

Để mang gia vị Việt Nam ra thế giới, khó khăn thách thức chặng đường 10 năm qua DACE đã phấn đấu, thấu hiểu áp lực của thị trường thế giới. DACE phấn đấu không chỉ bằng sự nỗ lực mà cả sự tâm huyết, vì cộng đồng. Chắc chắn thời gian tới, những ấp ủ của DACE sẽ tìm ra nhiều cơ hội mới để tiếp tục bừng sức sống, để gừng tiếp tục nở hoa ở nhiều địa phương khác.

Theo Minh Trang

Cùng chuyên mục
XEM