Khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ ngày càng cao, tin buồn cho cả ông Trump và bà Clinton?

20/06/2016 15:43 PM | Kinh tế vĩ mô

Theo Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), chu kỳ bình quân cho mỗi đợt suy thoái kinh tế tại Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II là 5 năm và hiện nước này đã tăng trưởng liên tục trong 7 năm qua. Như vậy, nhiều khả năng vị tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế mới.

Những biến động trên thị trường tài chính đầu năm 2016 đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế mới trên toàn cầu và giờ đây, những dấu hiệu bất ổn trong nền kinh tế Mỹ ngày càng gia tăng những lo lắng này.

Số lượng việc làm đang tuyển dụng tại Mỹ đã tăng trưởng chậm lại, doanh số bán ô tô bị suy giảm còn đầu tư cho kinh doanh cũng đi xuống.

Ngành sản xuất của Mỹ hiện vẫn còn khá yếu sau cuộc khủng hoảng 2008 còn doanh thu của các tập đoàn lớn lại chịu nhiều áp lực từ tỷ giá cũng như các biến động trên thị trường toàn cầu.

Tất cả những dấu hiệu trên đều cho thấy một cuộc suy thoái kinh tế mới có thể xảy ra và nhiều chuyên gia đang khá lo lắng về điều này. Khảo sát của hãng tin Wall Street Journal cho thấy các chuyên gia kinh tế dự đoán có khoảng 21% khả năng một cuộc suy thoái sẽ diễn ra vào năm 2017, tăng 10% so với khảo sát năm trước. Thậm chí, một cố chuyên gia còn dự đoán tỷ lệ xảy ra suy thoái cao hơn nữa.

Cho dù dự đoán trên có chính xác hay không, những tuyên bố trên đang gây ra nhiều quan ngại cho nhà đầu tư. Việc kinh tế thế giới tăng trưởng không đồng đều sau cuộc khủng hoảng 2008 đang tạo ra những mối lo lắng trong giới chuyên gia và khá nhiều người nhận định rằng suy thoái sẽ bắt đầu trong 18 tháng tới.

Hồi đầu năm, những đợt điều chỉnh mạnh trên thị trường tài chính đã làm bùng lên những lo ngại về khả năng suy thoái, nhưng những tín hiệu tích cực trên thị trường lao động Mỹ đã làm an tâm các chuyên gia kinh tế cũng như nhà đầu tư.

Dẫu vậy, yếu tố khả quan kích thích thị trường này không hỗ trợ được lâu khi tăng trưởng việc làm tại Mỹ đã chậm lại. Trong tháng 5/2016, số việc làm mới tại Mỹ chỉ đạt 38.000 việc làm, mức tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2010.

Hãng Barclays cho biết kể từ năm 1960, hiện tượng thị trường việc làm tăng trưởng chậm hơn so với tốc dộ tăng trưởng kinh tế bình quân thường là dấu hiệu báo trước cho một đợt suy thoái kinh tế sau đó 9-18 tháng.

Trong khi đó, hãng J.P. Morgan Chase sử dụng một mô hình dự báo suy thoái kết hợp một loạt các chỉ số kinh tế. Tính đến cuối tuần trước, mô hình của JP Morgan dự báo khả năng suy thoái kinh tế trong 12 tháng tới là 34%, thấp hơn 2% so với tháng 4/2016 nhưng cao hơn mức 21% của tháng 1/2016. Tỷ lệ này cũng đã từng tăng như vậy trong 3 đợt suy thoái kinh tế trước đây.

Bộ Thương Mại Mỹ cũng cho biết lợi nhuận bình quân hàng quý của các công ty Mỹ so với cùng kỳ năm trước đã giảm liên tục kể từ cuối năm 2015.

Hãng tư vấn MFR Inc nhận định sự suy giảm trong lợi nhuận của các công ty sẽ dẫn đến việc giảm chi phí, qua đó ảnh hưởng đến thị trường lao động và tiêu dùng, vốn là yếu tố quan trọng thúc đẩy nền kinh tế. Do đó, MFR dự đoán có 50% khả năng suy thoái kinh tế sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2017 hoặc có thể là sớm hơn.

Đặc biệt, ngành công nghiệp sản xuất tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh kể từ sau khủng hoảng kinh tế. Số liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy sản lượng công nghiệp bình quân của nước này so với cùng kỳ năm trước đã giảm liên tục trong 9 tháng qua.

Nguyên nhân chính cho sự suy giảm này được nhận định là do giá dầu giảm khiến ngành khai thác dầu đá phiến chịu thiệt hại và đồng USD mạnh khiến lợi nhuận nước ngoài và doanh thu xuất khẩu bị ảnh hưởng. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn dự báo những biến động chính trị, kinh tế trên toàn cầu trong thời gian tới sẽ còn tác động tiêu cực hơn nữa đến Mỹ.

Hãng Prestige Economics LLC đã lưu ý rằng kể từ năm 1919, sản xuất công nghiệp Mỹ chưa bao giờ suy giảm quá lâu mà không đi kèm với một cuộc suy thoái.

Trong quý I/2016, số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy nước này chỉ tăng trưởng 0,8% với nhiều dấu hiệu đáng lo ngại.

Đồng thời, báo cáo trong tháng 5/2016 của Bộ Thương mại Mỹ cũng chỉ ra số đơn hàng cho các ngành phi quân sự và ngoại trừ ngành hàng không đã giảm gần 12% so với cùng kỳ năm trước sau khi đã đạt đỉnh vào tháng 9/2014.

Tỷ phú Trump và bà Clinton không thích điều này

Theo Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), chu kỳ bình quân cho mỗi đợt suy thoái kinh tế tại Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II là 5 năm và hiện nước này đã tăng trưởng liên tục trong 7 năm qua. Như vậy, nhiều khả năng vị tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế mới.

Hiện không có một chuyên gia nào có thể khẳng định chính xác lúc nào suy thoái sẽ diễn ra bởi việc dự đoán này cũng tương tự như dự đoán giá cổ phiếu, nói dễ hơn làm. Dẫu vậy, ngày càng có nhiều chuyên gia tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái vào năm 2017 hoặc 2018, đúng nhiệm kỳ tổng thống mà các ứng cử viên như Hillary Clinton, Donald Trump hay Gary Johnson đang tranh cử.

Hãng Business Roundtable nhận định nền kinh tế Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn trong tương lai và tổng thống mới sẽ phải đưa ra những kế hoạch cần thiết để đưa kinh tế đất nước thoát khỏi vũng bùn.

Dẫu vậy, các chuyên gia cho rằng kinh tế Mỹ sẽ không suy thoái quá nặng như khủng hoảng năm 2008 nếu Tổng thống và Nghị viện nước này có những hành động kịp thời, qua đó thậm chí có thể rút ngắn thời kỳ suy giảm kinh tế.

Hiện mảng thuế và chi tiêu công đang là lĩnh vực được các chuyên gia và chính gia quan tâm nhiều nhất trước những lo ngịa về một cuộc suy thoái mới.

Khi khủng hoảng kinh tế diễn ra trong lịch sử, Đảng Dân chủ thường có xu hướng ủng hộ chính phủ chi tiêu nhiều hơn với quan điểm rằng các cơ quan nhà nước cần tham gia hỗ trợ nền kinh tế khi các doanh nghiệp và người dân đã không còn đủ tài chính cũng như niềm tin vào thị trường.

Hiện ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton đã đề xuất một kế hoạch tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và được các chuyên gia kinh tế cũng như doanh nghiệp Mỹ ủng hộ rộng rãi.

Trong khi đó, Đảng Cộng hòa lại có xu hướng ủng hộ cắt giảm thuế nhằm tăng lượng tài chính nắm giữ của doanh nghiệp cũng như người dân, qua đó hy vọng mọi người sẽ chi tiêu nhiều hơn. Ứng cử viên Donald Trump đã đề xuất một kế hoạch cắt giảm thuế rộng rãi cho cá nhân lẫn doanh nghiệp nhưng những phản hồi về bản kế hoạch này là khá khác nhau. Một số cho rằng chúng có tác dụng trong khi những người phản đối cho rằng chúng chỉ phục vụ lợi ích cho giới nhà giàu.

Mặc dù vậy, các chủ doanh nghiệp và chính trị gia tin rằng họ vẫn có thể thương lượng với tỷ phú Trump nếu ông đắc cử.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, FED đã đứng ra giải cứu nền kinh tế với chương trình nới lỏng định lượng (QE) và hạ lãi suất xuống gần mức 0%. Tuy nhiên, nếu suy thoái quay lại một lần nữa thì FED không còn nhiều lựa chọn.

Lãi suất tại Mỹ hiện đã xuống mức thấp kỷ lục khoảng 0,25-0,5% và FED khó lòng giảm lãi suất thêm quá nhiều nữa để thúc đẩy tăng trưởng.

Vì vậy, Nhà Trắng và Nghị viện sẽ đóng vai trò lớn trong cuộc suy thoái kinh tế tiếp theo nếu xảy ra trước khi FED kịp tìm ra biện pháp đối phó thích hợp.

Hiện nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm. Bình thường quốc gia này có mức tăng trưởng bình quân 3%/năm nhưng kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008, Mỹ vẫn đang phải vật lộn để thúc đẩy tăng trưởng vượt mức 2%/năm.

Tất cả chỉ là dự đoán

Mặc dù vậy, chưa có một bằng chứng cụ thể nào hoàn toàn chứng minh rằng suy thoái sẽ xảy ra trong thời gian tới. Việc các số liệu có độ trễ và phải chỉnh sửa khiến công việc dự đoán trở nên thiếu chính xác và không phải lúc nào lo lắng của các chuyên gia cũng thành sự thực.

Vào tháng 9/2011, tỷ lệ dự đoán suy thoái kinh tế đã đạt đỉnh 33% theo khảo sát của Journal Wall Street, nhưng nền kinh tế khi đó chỉ chịu một chút ảnh hưởng tiêu cực do những bất ổn chính trị, tài chính và những số liệu không khả quan lắm trên thị trường việc làm chứ không hề có một cuộc suy thoái nào.

Như vậy, một trường hợp tương tự có thể xảy ra như năm 2011. Việc thị trường lao động Mỹ tăng trưởng chậm lại có thể do nhiều yếu tố và sự giảm tốc của tăng trưởng việc làm tháng 5 vừa qua có thể là một ngoại lệ.

Đặc biệt, những chỉ số khác trên thị trường lao động như tỷ lệ trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ vẫn cho thấy tình hình hoàn toàn khả quan.

Chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ đã tăng trưởng khá vững chắc sau đợt giảm tốc vào mùa đông do mức lương tại Mỹ đã được nâng. Trong tuần trước, Chủ tịch FED Janet Yellen thậm chí đã nhận định rằng sự phục hồi trong tăng trưởng chi tiêu hộ gia đình là một trong những nguyên nhân khiến cơ quan này kỳ vọng kinh tế Mỹ sẽ còn tăng trưởng bền vững.

Bất chấp những dự báo tiêu cực, nhiều khả năng kinh tế Mỹ sẽ tăng tốc mạnh trong quý này sau 6 tháng tăng trưởng chậm. Hãng dự báo Macroeconomics Advisers dự đoán GDP của Mỹ sẽ tăng 2,7% trong quý II/2016.

Khảo sát của Business Roundtable cho thấy các giám đốc điều hành của những tập đoàn lớn nhất Mỹ không hề bi quan về kinh tế đất nước. Khoảng 37% các CEO tham gia khảo sát cho biết sẽ tăng cường chi tiêu đầu tư trong 6 tháng tới, cao hơn nhiều so với mức 18% giảm đầu tư.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM