Khả năng sinh lời của nhiều ngân hàng đang ở mức rất cao
Không phải tính lãi hàng quý theo con số trăm tỷ mà nhiều ngân hàng đã báo lợi nhuận nghìn tỷ, thậm chí nhiều nghìn tỷ chỉ qua 3 tháng đầu năm 2018.
Nhiều ngân hàng đã có báo cáo kết quả hoạt động quý đầu năm 2018 với lợi nhuận ở mức gấp đôi, gấp ba lần cùng kỳ năm trước và ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay.
Lợi nhuận nghìn tỷ chỉ sau 3 tháng
Ngân hàng Vietcombank cho biết sau khi lãi kỷ lục hơn 11.000 tỷ đồng trong năm 2017, tiếp tục ghi nhận 4.359 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế nữa trong quý 1/2018, cao hơn gấp rưỡi cùng kỳ và hoàn thành 31% kế hoạch cả năm.
Ngân hàng BIDV cũng có thông tin về kết quả hoạt động với lợi nhuận hơn 2.700 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, tăng 29% so với cùng kỳ. Trong khi đó lợi nhuận của VietinBank quý 1 báo cáo là hơn 3.000 tỷ đồng, cao hơn 20% so với cùng kỳ.
Ở nhóm cổ phần tư nhân, VPBank báo đạt lợi nhuận trước thuế gần 2.620 tỷ đồng trong 3 tháng qua, tăng 36% so với cùng kỳ. Ngân hàng Quân đội MB trong khi đó đạt lợi nhuận trước thuế 1.746 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.
HDBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.045 tỷ đồng trong qý 1 năm nay, tăng gấp 3 lần cùng kỳ 2017, trong đó HDBank riêng lẻ đạt 851 tỷ đồng, tăng 201,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 27,5% kế hoạch 2018. Đây cũng là ngân hàng duy nhất ở nhóm lãi dưới nghìn tỷ trong các quý của những năm trước vươn lên cùng top các ngân hàng lãi nghìn tỷ được ghi nhận đến thời điểm này.
Ngoài ra, các ngân hàng như Sacombank, TPBank, VIB, LienVietPostBank cũng đã có thông tin kết quả hoạt động quý 1 với lợi nhuận hơn 500 tỷ đồng – mức rất cao so với các quý trước của những nhà băng này, chẳng hạn với VIB đó là mức tăng gấp 3 hay TPBank cũng gấp 2,4 lần.
Khả năng sinh lời tăng mạnh
Khả năng sinh lời của các ngân hàng đã cải thiện rất mạnh kể từ năm 2016 tới nay, và ghi nhận rõ nét nhất ở năm 2017.
Theo báo cáo của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) bình quân của 14 ngân hàng Việt đã tăng từ 0,7% năm 2016 lên 0,9% trong năm 2017. Tổ chức này dự báo khả năng sinh lời sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2018, nhờ vào những yếu tố đã thúc đẩy khả năng sinh lời trong năm 2017, cụ thể là điều kiện kinh tế vĩ mô lạc quan và tăng trưởng về thu nhập cốt lõi.
ROA và ROE của các ngân hàng năm 2017 (số liệu tổng hợp từ báo cáo của SSI)
Và thực tiễn, trong quý đầu năm 2018, nhiều ngân hàng đã công bố các chỉ số ROA và ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn) ở mức rất cao, chẳng hạn HDBank cho biết ROA đạt 1,5% còn ROE đạt 19,2%; Các chỉ số ROA và ROE của VPBank lần lượt là 3,3% và 34,2% trong khi chỉ số ROA của VietinBank quý 1 là 1,12% và ROE đạt 15,33%.
Cả năm 2018, một số ngân hàng cũng có kế hoạch ROA, ROE rõ ràng như TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trên 2.000 tỷ đồng cùng ROE đạt 23% hay HDBank đặt mục tiêu ROE ở mức 20,4% và lợi nhuận trước thuế trên 3.900 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng dù không có kế hoạch ROA, ROE chi tiết song cũng đều hướng tới khả năng sinh lời coa hơn và lợi nhuận đột biến. Chẳng hạn Vietcombank muốn đạt trên 13.000 tỷ lãi trước thuế, VietinBank là 10.800 tỷ, của BIDV là 9.300 tỷ đồng…
Ở nhóm cổ phần tư nhân, VPBank đặt mục tiêu lãi tương đương VietinBank là 10.800 tỷ đồng trong khi Techcombank muốn đạt 10.000 tỷ. Ngân hàng Quân đội trong khi đó muốn lợi nhuận 6.800 tỷ đồng còn Ngân hàng ACB thì tham vọng lãi trước thuế 5.700 tỷ đồng - cao nhất từ trước tới nay.
Tại HDBank, đại hội cổ đông vừa qua, ngân hàng đã thông qua kế hoạch nhận sáp nhập PGBank, và theo đề án sáp nhập thì nếu được cơ quan quản lý chấp thuận và mọi việc tiến hành theo đúng tiến độ thì lợi nhuận năm nay sẽ khoảng 4.700 tỷ - cao hơn nhiều so với mức 3.900 tỷ trong kế hoạch trước sáp nhập.
Sacombank – ngân hàng đang cơ cấu lại – thì mục tiêu lãi 1.838 tỷ đồng và tiếp tục cải thiện khả năng sinh lời cũng như tái cơ cấu toàn diện để thực hiện dứt điểm đề án trong 3 – 5 năm. Trước đó khả năng sinh lời của ngân hàng ghi nhận tăng đáng kể khi ROE tăng từ 0,4% năm 2016 lên 5,2% năm 2017 còn ROA tăng từ 0,03% lên 0,34%.
Tại mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng năm nay, mặc dù đặt kế hoạch kinh doanh cho cả năm ở mức rất cao tuy nhiên lãnh đạo các nhà băng đều cho biết đó là các kế hoạch đã khá thận trọng và nằm trong khả năng. Môi trường kinh tế thuận lợi, niềm tin của nhà đầu tư gia tăng, thị trường chứng khoán thăng hoa giúp việc gọi vốn dễ dàng hơn, nhu cầu tín dụng cao, khách hàng sử dụng dịch vụ ngày càng nhiều, hoạt động xử lý nợ xấu tích cực và kiểm soát tốt chất lượng tín dụng sẽ đưa mang về nguồn hoàn nhập dự phòng lớn…là tổng hợp những yếu tố kỳ vọng mang lại lợi nhuận cao cho các ngân hàng trong thời gian tới.