Kết quả điều tra từ PAPI 2018: Người Việt Nam sẵn sàng trả tiền điện cao hơn nếu sản xuất thân thiện với môi trường

02/04/2019 16:52 PM | Xã hội

Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) ở Việt Nam 2018 đã cho thấy góc nhìn của người dân về lĩnh vực hành chính công trung ương và địa phương.

Trình bày về các phát hiện chính của báo cáo, đại diện nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Paul Schuler cho biết: Nhìn chung người dân Việt Nam có cảm nhận lạc quan với điều kiện kinh tế hộ gia đình. Cảm nhận lạc quan đó có mối tương quan với đánh giá tích cực hơn của người dân về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong quản trị và hành chính công. Phân tích sâu cũng cho thấy sự hài lòng của người dân với tình hình kinh tế quốc gia nói chung có mối tương quan thuận chiều với mức độ hài lòng cao hơn về hiệu quả quản trị và cung ứng dịch vụ công.

Nội dung "Đóng góp tự nguyện" cho biết: tỷ lệ người dân nhận được yêu cầu của chính quyền địa phương về việc đóng góp cho dự án xây mới hoặc tu sửa các công trình đang có xu hướng giảm. Khoảng 50% người dân tự nguyện đóng góp chứ không bị tạo áp lực từ bất cứ bên nào.

Về vấn đề "công khai minh bạch trong việc ra quyết định", người dân cho biết họ nhận được nhiều thông tin hơn khi chính quyền địa phương lên danh sách hộ nghèo và ít thấy những sai sót trong quá trình lập danh sách hộ nghèo. Người dân cũng ghi nhận những cải thiện về minh bạch thu, chi ngân sách cấp xã phường, họ nhận được nhiều thông tin về chi tiêu ngân sách hơn trước, thông tin cũng dễ đọc và đáng tin cậy hơn. Số lượng người dân được tiếp xúc với cán bộ cấp địa phương tăng, nhưng tiếp xúc với cán bộ cấp huyện trở lên giảm.

Người dân đang có cảm nhận tích cực về việc kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Tầm quan trọng của xu hướng "vị thân" (cần phải có người quen để vào làm trong khu vực công) đang có xu hướng giảm. Người dân cảm nhận được sự cải thiện trong việc chống tham nhũng vặt (những hành vi nhũng nhiễu mà họ trải nghiệm hoặc chứng kiến trực tiếp).

Nội dung thành phần "cung ứng dịch vụ công" bao gồm các chỉ tiêu y tế công lập, cơ sở hạ tầng căn bản và an ninh trật tự dân cư cũng có chuyển biến tốt, chỉ có giáo dục tiểu học công lập là giảm sút do cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân về việc học của con em mình.

Về vấn đề môi trường, trong ba năm qua, nhiều người dân quan ngại về chất lượng nguồn nước và chất lượng không khí. Hơn một nửa số người được hỏi cho biết chất lượng nước đang xấu dần đi, 15% cho rằng chất lượng không khí là kém hoặc rất kém.

Người dân có sẵn sàng trả tiền điện cao hơn nếu điện được sản xuất từ nhà máy điện vì môi trường. Và khi được hỏi là chọn dự án hỗ trợ mạnh về kinh tế, mang về nguồn thu thuế của địa phương hay dự án có tác động tích cực đến môi trường, người dân đã chọn môi trường.

Về quản trị điện tử, 38% số người được hỏi cho biết kênh thời sự chính của họ là qua Internet, 53% có Internet tại nhà, tuy nhiên các cổng thông tin điện tử vẫn chưa được tận dụng hiệu quả ở mức tương xứng với tốc độ gia tăng người dùng Internet.

Xếp hạng các vấn đề quan ngại năm 2018, đói nghèo là vấn đề mà người dân lo nhất. Tỷ lệ lo ngại về nghèo và tái nghèo chiếm gần 25% số người được khảo sát. Tăng trưởng kinh tế đứng thứ hai với 9,07% và tham nhũng đứng thứ 3 với 7,39%. Người dân cảm thấy yên tâm nhất về vấn đề an ninh quốc phòng, số người lo ngại chỉ chiếm 1,96%.

Theo Thái Trang

Cùng chuyên mục
XEM