Kẹo dứa hỗ trợ giảm béo được quảng cáo "mỗi ngày 1 viên, một tháng giảm 10 ký": Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm chỉ ra điểm bất thường

07/12/2021 14:37 PM | Sống

Liên quan đến vụ kẹo dứa hỗ trợ giảm béo đang gây sốt trên mạng xã hội, ông Nguyễn Thanh Phong (Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm) trả lời những vấn đề liên quan đến giấy phép hoạt động của sản phẩm này.

Theo như nội dung kỳ trước " Kẹo dứa giảm cân thần kỳ gây sốt MXH "mỗi ngày một viên, một tháng giảm 10 ký": Chất lượng sản phẩm có đúng như tung hô ?" phản ánh thực trạng kẹo dứa hỗ trợ giảm béo V.I.C được quảng cáo rầm rộ trên MXH và không rõ đã được cấp giấy phép hoạt động hay chưa. Để tiếp tục làm sáng rõ vấn đề về giấy phép hoạt động của sản phẩm, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với Cục An toàn Thực phẩm.

Trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Phong (Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm) khẳng định, mẫu giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoàn toàn hợp lệ. Điều đó có nghĩa là với bất kì sản phẩm nào được cấp giấy này là có thể được lưu hành ra ngoài thị trường.

Tuy nhiên trong trường hợp Giấy tiếp nhận đăng kí bản công bố sản phẩm "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe KẸO DỨA", Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong sau khi đối chiếu văn bản trên trang web của Cục An toàn Thực phẩm thì phát hiện ra một số điểm bất thường.

"Chúng tôi phát hiện ra mẫu giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm này đã được sửa đổi một số chỗ so với giấy được Cục An toàn Thực phẩm cấp, mặc dù địa chỉ, số giấy tiếp nhận hoàn toàn đúng", Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong khẳng định.

Tên sản phẩm không đúng: "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe FEO DỨA" được thay bằng "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe KẸO DỨA"

Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết, trên thực tế, theo số hồ sơ 4811/2021/ĐKSP, Cục cấp giấy cho sản phẩm mang tên FEO DỨA. Nhưng trong giấy tiếp nhận được người bán hàng chia sẻ lại là KẸO DỨA.

"Cục không có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động cho bất cứ sản phẩm nào thuộc chủ đề kẹo. Nếu công ty này đăng ký tên chính thức cho sản phẩm của mình là kẹo dứa thì chắc chắn Cục không có thẩm quyền cấp giấy phép", một cán bộ ở Cục An toàn Thực phẩm cho biết thêm.

Kẹo dứa hỗ trợ giảm béo được quảng cáo mỗi ngày 1 viên, một tháng giảm 10 ký: Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm chỉ ra điểm bất thường - Ảnh 1.
Kẹo dứa hỗ trợ giảm béo được quảng cáo mỗi ngày 1 viên, một tháng giảm 10 ký: Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm chỉ ra điểm bất thường - Ảnh 2.

Tên sản phẩm "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe FEO DỨA" được thay bằng "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe KẸO DỨA".

Tên công ty sản xuất không đúng: "Công ty TNHH sản xuất - y dược phẩm Vĩnh Điển" được thay bằng "Công ty TNHH sản xuất - y dược phẩm"

Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm chỉ rõ thêm chi tiết sai trong Giấy tiếp nhận đăng kí công bố sản phẩm của công ty này: Theo số hồ sơ 4811/2021/ĐKSP, trong giấy của Cục cấp cho công ty TNHH sản xuất - y dược phẩm Vĩnh Điển nhưng ở đây lại được sửa thành công ty TNHH sản xuất - y dược phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Phong khẳng định: "Về tính pháp lý, kể cả sai một chữ trên giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cũng không được chấp nhận".

Kẹo dứa hỗ trợ giảm béo được quảng cáo mỗi ngày 1 viên, một tháng giảm 10 ký: Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm chỉ ra điểm bất thường - Ảnh 3.
Kẹo dứa hỗ trợ giảm béo được quảng cáo mỗi ngày 1 viên, một tháng giảm 10 ký: Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm chỉ ra điểm bất thường - Ảnh 4.

Tên công ty "Công ty TNHH sản xuất - y dược phẩm Vĩnh Điển" được thay bằng "Công ty TNHH sản xuất - y dược phẩm".

Giải thích thêm lý do tại sao doanh nghiệp có thể tự ý sửa đổi như vậy, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết, mỗi công ty sẽ có mã số hồ sơ với đầy đủ thông tin được lưu lại. Khi có đủ hồ sơ, Cục có nghĩa vụ phải tiếp nhận hồ sơ. Trong khi đó, việc tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ hiện nay đều được làm qua mạng nên có thể dẫn đến tình trạng này.

Thông qua đối chiếu giấy tiếp nhận tại Cục An toàn Thực phẩm, có thể thấy, kẹo dứa hỗ trợ giảm béo V.I.C đã làm giả giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm để công khai lưu hành sản phẩm ngoài thị trường. Việc giả mạo giấy tờ là hành vi lừa dối người tiêu dùng. Người tiêu dùng tin sản phẩm được chứng nhận an toàn bởi cơ quan chức năng nhưng thực tế sản phẩm này chưa hề được cấp phép lưu thông.

Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm, hiện nay có nhiều công ty làm ăn chộp giật như công bố một đằng nhưng sản xuất lại một nẻo... Nếu bị phát hiện, những doanh nghiệp này đều sẽ bị xử phạt thích đáng. "So với bản danh mục chất cấm hiện hành, nếu phát hiện doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong quá trình hậu kiểm thì doanh nghiệp bị xử lý hình sự, căn cứ theo Đ317 của Bộ luật hình sự, chứ không phải chỉ là xử lý hành chính như trước", ông Phong nói.

Đón đọc kỳ 3: Kẹo dứa hỗ trợ giảm béo "Mỗi ngày 1 viên, 1 tháng giảm 10kg": Bảng thành phần nguyên liệu trên bao bì có thể giúp giảm cân thần tốc như quảng cáo?

Theo TH - TL

Cùng chuyên mục
XEM