"Kền kền" Paul Singer kết hợp với "gã điên" Masayoshi Son: Liệu SoftBank có thể lột xác?

20/02/2020 15:25 PM | Kinh doanh

Sau khi tin tức lan truyền hôm 6/2 rằng Elliott đã mua 3% cổ phần trị giá hơn 2,5 tỷ USD của SoftBank, cổ phiếu của tập đoàn Nhật Bản đã tăng vọt.

Hầu hết các ông chủ doanh nghiệp đều có tâm lý e sợ trước Elliott Management – quỹ đầu cơ chủ động đến từ Mỹ nổi tiếng với những chiến thuật mà chủ tịch của 1 công ty Đức từng miêu tả là "khủng bố tâm lý". Ông chủ của quỹ, Paul Singer, được tạp chí Fortune miêu tả là một trong những “nhà quản lý quỹ thông minh nhất và cũng ngoan cố nhất” trong giới đầu cơ. Vì những thương vụ có vẻ “tàn ác” với hậu quả thảm khốc dành cho không ít cá nhân và doanh nghiệp đối đầu với ông, thậm chí Paul Singer được không ít người gọi là “một nhà tư bản trục lợi", một “con kền kền” trực chờ cơ hội để xâu xé những doanh nghiệp hoặc quốc gia bên bờ phá sản.

Nhưng sau khi tin tức lan truyền hôm 6/2 rằng Elliott đã mua 3% cổ phần trị giá hơn 2,5 tỷ USD của tập đoàn Nhật Bản SoftBank , nhà sáng lập Masayoshi Son dường như tỏ ra không hề lo lắng. Tại buổi công bố kết quả kinh doanh hôm 12/2, Son bày tỏ lòng "cảm ơn khi 1 nhà đầu tư lỗi lạc vừa gia nhập Softbank với tư cách giống như một người bạn".

Son có lý do để vui mừng. Cổ phiếu Softbank – vốn đã lao dốc không phanh sau những vụ lùm xùm gần đây – tăng vọt 7% sau khi tin tức xuất hiện.

Điểm tập trung chính của Elliott ở SoftBank sẽ là Vision Fund – quỹ đầu tư trị giá 99 tỷ USD chuyên tập trung vào công nghệ mà Son đã đổ vào đó rất nhiều tâm huyết. Mặc dù số cổ phần của SoftBank tại quỹ này chỉ tương đương 13% tổng tài sản của tập đoàn, Vision Fund thực sự đã gây nên một cuộc khủng hoảng niềm tin. Năm ngoái, khoản đầu tư vào WeWork thua lỗ nghiêm trọng, và đó cũng chính là thời điểm mà Elliot bắt đầu nghiêm túc đầu tư vào SoftBank.

Lợi nhuận của SoftBank cũng gây ra nỗi thất vọng lớn với chỉ số lợi nhuận hoạt động chỉ ở mức khiêm tốn 24 triệu USD. Quý trước Vision Fund lỗ 2 tỷ USD, dù đã thu hẹp so với mức 8,9 tỷ USD của 3 tháng trước đó nhưng thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng của thị trường.

Đầu tháng 2, một trong những khoản đầu tư của Vision Fund, 1 startup thương mại điện tử ở San Francisco có tên Brandless đã được Son rót 100 triệu USD cách đây 2 năm, trở thành công ty đầu tiên trong danh mục đột ngột đóng cửa, sa thải 90% nhân viên. Ngày 11/2, tòa án Mỹ đã thông qua thương vụ T-Mobile (đối thủ của SoftBank) chi 26 tỷ USD thâu tóm Sprint – nhà mạng mà SoftBank nắm đa số cổ phần.

Thương vụ này sẽ cho phép SoftBank thoát khỏi khoản nợ khoảng 40 tỷ USD – điều giúp cổ phiếu của hãng tăng 12% ngay ngày hôm sau. Tuy nhiên, kể cả với điều đó thì giá trị vốn hóa của SoftBank vẫn là 11 nghìn tỷ yên (tương đương 104 tỷ USD), thấp hơn đáng kể so với giá trị 270 tỷ USD của số cổ phần tại các công ty niêm yết (như Alibaba) và chưa niêm yết (như nhà sản xuất chip của Anh Arm).

Hiện cổ phiếu SoftBank đang được giao dịch ở mức chỉ bằng khoảng 60% tổng tài sản sau khi đã tính đến nợ. Để thu hẹp khoảng cách này, ông chủ Paul Singer của Elliott đang hối thúc SoftBank mua lại khoảng 20 tỷ USD cổ phiếu quỹ, đồng thời cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp.

Theo Chris Lane của công ty môi giới Bernstein, hoạt động mua lại lượng lớn cổ phiếu quỹ có thể được thực hiện sau khi đã hoàn thành thương vụ Sprint. Cũng có thể SoftBank sẽ bổ sung thêm các giám đốc độc lập (hiện chỉ có 2). Nhiều khả năng việc triển khai quỹ Vision Fund thứ hai (dự tính có quy mô 108 tỷ USD) sẽ bị hoãn lại sau khi những rắc rối trong thời gian vừa qua khiến các nhà đầu tư định chế lớn nản lòng. Thay vào đó SoftBank sẽ sử dụng 1 quỹ bắc cầu nhỏ hơn để tiếp tục đầu tư, theo Son chia sẻ hôm 12/2.

Elliott mong muốn SoftBank sẽ thành lập 1 ban quản trị mới để dẫn lối các khoản đầu tư của Vision Fund. Trong quá khứ đôi lúc Son đã đưa ra những quyết định quan trọng mà không chú ý nhiều đến những lời phản đối từ các đồng nghiệp. Ngoài ra ông trùm Singer có thể yêu cầu giảm quy mô của quỹ.

Nếu như số cổ phần của Elliott tại SoftBank tiếp tục tăng giá trị, Elliott hoàn toàn có thể chốt lời và thoái vốn. Đó cũng là lựa chọn dễ dàng hơn so với việc buộc tỷ phú có cá tính mạnh như Masayoshi Son – người đang sở hữu khoảng 1/4 SoftBank – phải cải cách toàn bộ. Nhưng rõ ràng Paul Singer cũng không phải là người sẽ dễ dàng lùi bước.

Tham khảo The Economist

Theo Thu Hương

Từ khóa:  Softbank
Cùng chuyên mục
XEM