Kẻ khóc người cười: Loạt startup đóng cửa khiến nghề 'đồng nát' lên ngôi ở thung lũng Silicon, người buôn đồ cũ 'trúng quả'

10/04/2023 15:26 PM | Kinh doanh

Cơ hội kinh doanh luôn luôn có, bất kể là khi thị trường tăng trưởng hay khó khăn. Vấn đề là có ai nhìn ra được không mà thôi.

Kẻ khóc người cười: Loạt startup đóng cửa khiến nghề 'đồng nát' lên ngôi ở thung lũng Silicon, người buôn đồ cũ 'trúng quả' - Ảnh 1.

Cô Brandi Susewitz chạm vào đường may của một bộ ghế Arne Jacobsen Egg Chairs màu đỏ và tuyên bố trả giá 5.000 USD/chiếc. Bộ ghế này trong tình trạng còn mới toanh, nằm ngay ở khu vực tiếp tân của công ty phần mềm Sitecore, trung tâm thành phố San Francisco.

Quản lý văn phòng Trisha Murcia của Sitecore cho biết có lẽ cô Susewitz là người duy nhất từng ngồi lên bộ ghế này.

“Thật đáng buồn là họ mở văn phòng vào năm 2018 nhưng đại dịch Covid-19 diễn ra sau đó. Thế là chẳng có ai đến làm việc, rồi công ty buộc phải cắt giảm quy mô”, cô Murcia ngậm ngùi.

Bất chấp sự tiếc nuối, cô Murcia vẫn dẫn Susewitz đi thăm quan văn phòng của Sitecore, giới thiệu quầy bar chưa từng được sử dụng, màn hình tivi 90 inch hay bàn hội nghị sáng bóng cùng bộ ghế từ nhà bán lẻ Blu Dot. Thế rồi cả dãy bảng trắng được trang bị sẵn bút dạ, các dãy bàn làm việc phủ bụi cùng vô số những đồ văn phòng khác cần phải thanh lý.

Đã quá quen với công việc này, cô Susewitz bắt đầu đo đạc, chụp ảnh, phân loại, xác minh mẫu thiết kế, loại sản phẩm và ra giá cho từng mặt hàng. Bản thân cô Susewitz là một nhà buôn đồ nội thất cũ của hãng Reseat và xu thế đóng cửa hàng loạt của các startup hậu đại dịch là thời cơ vàng cho nghề của vị môi giới này.

“Chúng tôi có thể tìm chủ mới cho đống đồ này, chúng tôi có thời gian mà”, cô Susewitz cười nói.

Cô Brandi Susewitz đi xem "hàng" tại Sitecore

Kẻ khóc, người cười

Trong khi vô số nhà khởi nghiệp, lao động công nghệ hay nhà đầu tư khóc ròng vì bong bóng công nghệ xì hơi thì những người buôn đồ cũ như Susewitz lại đang hưng phấn. Cô Susewitz thành lập Reseat vào năm 2020 và là một trong vô vàn những hãng chuyên kinh doanh đồ nội thất cũ hiện nay đang cố nắm bắt cơ hội khi nhiều công ty phải đóng cửa đồng thời bán tháo mọi thứ.

Tờ New York Times (NYT) cho biết tại những thành phố như San Francisco, lao động ngành công nghệ đang rất chậm trong việc quay lại văn phòng trong khi vô số startup quyết định cắt giảm không gian làm việc để tiết kiệm chi phí.

Số liệu của CBRE cho thấy trong năm 2022, tỷ lệ văn phòng cho thuê tại thành phố này đã tăng 28% so với năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng chỉ 4% của năm 2019.

Báo cáo của hãng Kastle thì cho thấy lượng văn phòng được thuê tại San Francisco vào tháng 1/2023 thấp hơn 4% so với mức bình quân của 10 thành phố lớn nhất Mỹ.

Nguyên nhân thì cũng dễ hiểu, hàng loạt công ty công nghệ từ PayPal cho đến Yelp cắt giảm chi phí thuê văn phòng ở những khu trung tâm đắt đỏ. Trong khi đó, các tập đoàn như Google, Salesforce cùng vô số những hãng công nghệ nhỏ hơn đã đuổi việc tới hơn 88.000 nhân sự tại Bay Area trong năm vừa qua.

Các startup nếu không bên bờ phá sản thì cũng cắt giảm mạnh chi phí, dẫn đến vô số đồ dùng văn phòng, thiết bị mới mua hoặc còn tốt cần được thanh lý.

Thậm chí đến Twitter vào tháng 1/2023 còn đấu giá công khai bàn làm việc của nhân viên, dụng cụ phòng họp hay biển hiệu chim xanh của hãng. Tình hình căng thẳng đến mức Elon Musk tại một số thời điểm còn không đủ tiền trả phí thuê trụ sở của hãng.

Vậy nhưng nỗi buồn của kẻ này lại là cơ hội kinh doanh cho người khác. Tờ NYT nhận định thung lũng Silicon là nơi bong bóng phình to và xì hơi, qua đó tạo nên cả rủi ro lẫn những cơ hội. Khu vực này tràn đầy những nhà khởi nghiệp hay người môi giới có đầu óc kinh doanh, luôn nhìn thấy cơ hội làm giàu kể cả trong khủng hoảng.

Nghề buôn đồ nội thất cũ lên ngôi tại Thung lũng Silicon

Bán liền tay

Cô Susewitz làm việc trong ngành nội thất văn phòng kể từ năm 1997 khi là đại diện cho hãng Lindsay Ferrari. Nhà môi giới này cho biết các công ty thường chọn những đồ nội thất chất lượng tốt để rồi vứt đi sau đó một cách quá lãng phí. Thậm chí họ thường đợi đến phút cuối mới nhớ đến phải thanh lý đống đồ nội thất văn phòng của mình. Hậu quả là những đồ này thường bị vứt vào trong kho, đem bán đồng nát hoặc kết thúc ở các bãi phế liệu.

Sau khi đại dịch Covid-19 diễn ra khiến vô số công ty và văn phòng rơi vào thế khó, cô Susewitz ngay lập tức nhận ra cơ hội kinh doanh của mình đã đến với việc thành lập Reseat. Hãng khởi nghiệp này không chỉ buôn đồ nội thất cũ mà còn theo dõi vòng đời từng sản phẩm, qua đó dự đoán được chính xác thông tin, nhu cầu, chất lượng của khách hàng cũng như những mặt hàng được bán lại cho dù có qua tay nhiều chủ đi chăng nữa.

Với chiến lược này, Reseat có khả năng chào bán nhanh hơn so với thông thường trong thời buổi các công ty cũng cần tiết kiệm ngân sách khi sắm sửa đồ nội thất. Mỗi thương vụ thành công sẽ đem về cho nhà môi giới 20% hoa hồng trên giá bán.

Kể từ khi thành lập đến nay trong vòng 2 năm, Reseat đã làm việc với hơn 100 công ty, buôn bán đến hơn 3.600 tấn đồ nội thất.

“Mục tiêu của chúng tôi là luôn bán liền tay bởi một khi chúng bị đưa vào nhà kho, sản phẩm sẽ mất giá trị dần và cuối cùng phủ bụi hoặc ra bãi rác”, cô Susewitz nhấn mạnh.

Quay trở lại thương vụ của Sitecore, công ty này mở rộng quá nhanh vì nghĩ rằng mọi thứ sẽ tiếp tục tăng trưởng. Đã có thời điểm hãng phải thuê thêm nửa tầng tòa nhà văn phòng đang thuê để đáp ứng đủ chỗ cho nhân viên. Thế rồi đại dịch ập đến và cả văn phòng trông chẳng khác gì một tòa nhà bỏ hoang.

Hiện Sitecore đang phải giảm từ 170 bàn làm việc xuống còn 30 bởi hãng đang lãng phí khoản tiền thuê mặt bằng đắt đỏ mà chẳng có đủ nhân viên đến sử dụng.

Cuối buổi tham quan, Susewitz đã khảo sát khu ăn uống của Sitecore và bất ngờ với một bàn chơi bóng bàn cùng một máy chơi game Pacman. Nhà môi giới này cho biết mình sẽ lấy tất cả trừ đĩa và đồ dùng bằng bạc.

*Nguồn: NYT

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM