KĐT mới Nam TPHCM: 22 năm dân ôm đất "chết cứng" chờ đền bù
Người dân sống tại khu vực khu đô thị mới Nam TP.HCM hiện nay chịu rất nhiều thiệt thòi, cuộc sống hết sức khó khăn vì quyền lợi hợp pháp về nhà đất của họ bị hạn chế. Các dự án tại khu E triển khai càng chậm thì người dân càng khổ
Toàn bộ khu E thuộc khu đô thị mới Nam TP.HCM rộng 125ha, trong đó diện tích thuộc huyện Bình Chánh 81,5ha, còn lại thuộc quận 8. Theo UBND huyện Bình Chánh, trong 81,5ha đất tại khu E có 686 hộ dân đang sinh sống. Trong đó, 260 hộ dân có đất ở với khoảng 20ha. Ước tổng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 2.963 tỉ đồng.
Ban quản lý khu đô thị Nam TP.HCM, cho biết từ hơn 20 năm nay khu E được bố trí chức năng là trung tâm lưu thông hàng hóa 1 (giáp chợ đầu mối Bình Điền) trong khu Nam TP.HCM. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của khu này do Công ty TNHH MTV phát triển Tân Thuận (IPC) thực hiện và đã bồi thường được gần 46ha trong hơn 125ha.
Cuối năm 2015, UBND TP.HCM quyết định giao 20 ha cho Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (Samco) để xây dựng Bến xe Miền Tây mới. Ngoài ra, trong khu này còn có thêm các dự án xây dựng depot và ga đầu của tuyến xe buýt nhanh phía tây TPHCM.
Do không triển khai các dự án đầu tư, người dân có đất trong các khu B, C, D của khu Nam TP.HCM đang bị “treo” quyền lợi như người dân khu E. Trong 22 năm qua, người dân không được xây nhà, chuyển mục đích sử dụng đất hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Trong các dự án trên, hiện mới chỉ có dự án Bến xe Miền Tây là xác định được Công ty Samco sẽ bỏ vốn đầu tư và chi trả bồi thường. Hiện TP.HCM đang đàm phán tỉ lệ góp vốn giữa phía Việt Nam và một đối tác Đài Loan. Do đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phải tạm ngưng, chỉ thực hiện đối với các hộ dân đã có hiệp thương trên địa bàn quận 7.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP cho biết, dân kêu vì dự án chậm triển khai, những chuyện này là của chính quyền, nhưng người khổ là dân. Việc quy hoạch kéo dài, bây giờ cần xem xét có phù hợp không, nếu không làm sớm thì người dân rất khổ. 22 năm trời ở trên miếng đất của mình mà không được làm gì hết, dân bức xúc là đúng. HĐND sẽ báo cáo với Thường trực về vấn đề này và sẽ có kiến nghị UBND TP.HCM trong kỳ họp ngày 19/4 để kiến nghị trung ương có giải pháp phù hợp.
Một người dân đang sống tạm bợ trong khu E cho biết 50 năm bà sống trong khu vực này thì đã có gần phân nửa thời gian sống trong quy hoạch “treo”.
Quy hoạch treo nên mọi thứ cũng bị... treo!
Người dân trong khu E, khu đô thị mới Nam TP phải chịu sống trong cảnh đường sá xuống cấp, nhà cửa xập xệ 22 năm nay.
Nhà dân trong khu E thuộc khu đô thị Nam TP, dự án “treo” từ năm 1994.
Người dân bị hạn chế các quyền lợi về nhà đất và rất mong được chính quyền bồi thường để tái định cư, tạo lập cuộc sống mới.
Trong 22 năm qua, các hộ dân ở đây không được xây nhà, chuyển mục đích sử dụng đất hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Từ quốc lộ 1, rẽ trái theo con đường mòn vào xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, địa phận thuộc dự án khu E, khu đô thị Nam Sài Gòn, thật khó để có tìm thấy một mái nhà hay bức tường vôi mới.
“Cứ đến mùa mưa thì cực khổ trăm bề. Người dân phải nhờ xe cẩu múc đất đắp bờ chắn bớt nước ngập", một người dân trong khu quy hoạch treo nói.
Rẽ vào đường Ấp 2, xã An Phú Tây, căn nhà của ông Hai Lý vì cách đường lộ bê tông hơn trăm mét nên không được ưu tiên bồi thường một lần để di dời như các gia đình khác.
"Nhà chị gái tôi ở kế bên, kiên quyết lắm mới dựng tạm được cái chòi. Đã gần chục năm, nó sắp sập rồi mà vẫn chưa thấy động tĩnh của quy hoạch dự án”. ông Bảy Hưng, ngụ ấm 5, đường Bờ Ga, xã An Phú Tây cho biết.
Nhà cửa càng ngày càng xuống cấp trầm trọng.
Nhiều rãnh nước tù đọng bẩn thỉu như thế này chạy bao quanh nhiều hộ dân đang sinh sống trong khu E.
Một khu quy hoạch rộng hơn 100ha mà chỉ vỏn vẹn có đúng 1 xe xúc đất thi công dự án. Nhiều người lắc đầu nói họ thi công cho có lệ mỗi khi có cơ quan chính quyền đến kiểm tra.
Chỉ tay ra cánh đám rậm rịt phía sau nhà, một người dân cho biết, trước đây nó là đồng ruộng. “Giờ nước bị tù đọng, chỉ có mỗi cây bình bát là sống được. Mà thứ cây này lại chẳng mần ăn được gì. Đêm đến thì muỗi bay ngập nhà. Nói chuyện mà hớ hênh, muỗi bay luôn vô miệng”.
Cứ đến mùa mưa thì cực khổ trăm bề. Người dân phải nhờ xe cẩu múc đất đắp bờ chắn bớt nước ngập.
Những con đường và căn nhà xập xệ trong khu E, khu đô thị Nam TP.HCM.