K-Group hợp tác với ông lớn Ấn Độ NIIT, đào tạo các khóa học về AI, big data, blockchain…
Cùng với sự định hướng của Chính phủ, chuyển đổi số đang là một thị trường béo bở. Với tư duy ‘cái gì giúp kiếm được nhiều tiền thì làm’, K-Group đã không ngừng ngại nhảy vào mảng miếng mới bằng việc nhận quyền đào tạo các khóa học về các ngành công nghệ hiện đại nhất thế giới từ ông lớn Ấn Độ - NIIT.
Tại dự thảo - đề án "Chuyển đổi số Quốc gia" đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến, đã đưa ra mục tiêu chung đến năm 2025: Việt Nam sẽ nằm trong top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia. Theo dự thảo, đề án này được chia làm ba giai đoạn: từ 2019 đến 2020 sẽ bắt đầu số hóa các lĩnh vực kinh tế - xã hội; từ 2021 đến 2025 sẽ biến số hóa thành lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu; từ 2026 đến 2030 số hóa toàn bộ nền kinh tế - xã hội.
Mục tiêu cụ thể của đề án là đến năm 2025, chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam sẽ nằm trong top 40, 50% doanh nghiệp SME chuyển dịch lên nền tảng số, công nghiệp số đạt ít nhất 25% GDP, phát triển ít nhất 80 nghìn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo IDC (IDC Spending Guide), chi phí chuyển đổi số trên toàn cầu sẽ xấp xỉ 2.000 tỷ USD vào năm 2022.
Và Covid-19 đang đẩy nhanh quá trình số hóa hay chuyển đổi số tại Việt Nam nhanh hơn bao giờ hết. Theo ông Vũ Anh Tuấn – Tổng Thư ký Hội Tin học TP. HCM kiêm Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Phần mềm Quang Trung, thì trước đại dịch, các doanh nghiệp SMEs có thể không quan tâm hoặc trì hoãn chuyển đổi số; nhưng trong đại dịch họ buộc phải tham gia bằng mọi giá.
"Trước đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đúng mực đến chuyển đổi số, hoặc nếu họ quan tâm nhưng vẫn muốn ưu tiên các mục tiêu về kinh doanh, mở rộng thị trường hơn. Nhưng, khi Covid-19 ập đến, mệnh lệnh thị trường đặt ra cho các SMEs là phải chuyển đổi số ngay lập tức; bởi nếu vẫn tiếp tục trì hoãn, họ sẽ chết. Trong Covid-19, nếu các hoạt động kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp không go-online, thì không thể hoạt động trơn tru được!", ông Vũ Anh Tuấn chia sẻ trong sự kiện.
Là người tham gia sân chơi chuyển đổi số sau, K-Group không chọn bán các thiết bị ICT hay mở trường đại học về CNTT, mà họ đi thị trường ngách: cung cấp các khóa đào tạo ngắn về các ngành công nghệ cao mà Việt Nam đang khát nhưng nguồn cung khá hiếm.
Xuất phát điểm của K-Group là làm nhà cung cấp thiết kế nội thất – hàng quán cho các ông lớn như VinGroup, Thế Giới Di Động...; nhưng hiện tại họ ngày càng dấn sâu vào mảng công nghệ, với hơn 10 startup công nghệ đã, đang và sắp hoạt động trên thị trường. Trong đó, có những cái tên nổi bật như Thế Giới Thợ, Thế Giới Gia Sư, Thế Giới Bác Sỹ, Bách Hóa Việt…
Các chuyên gia trao đổi trong sự kiện.
Trong quá trình phát triển các dự án khởi nghiệp công nghệ, K-Group chính là người hiểu rõ nhất những điểm mạnh – yếu của thị trường nhân lực công nghệ Việt, cũng như biết được đâu là điểm mà mình có thể đột phá nếu tham gia vào thị trường nhân lực công nghệ hoặc nói rộng ra là thị trường chuyển đổi số. Điểm yếu của thị trường nhân lực công nghệ Việt là thừa thợ thiếu thầy, thừa nhân công ở các công nghệ nền tảng và thiếu trầm trọng nhân công công nghệ cao.
"Công nghệ thông tin và ngoại ngữ là hai nhóm ngành chủ lực xuất hiện khá dày đặc trong các trường đại học, cao đẳng và trung cấp tại TP. HCM. Hiện tại, mỗi năm, các trường đào tạo cho thị trường khoảng 350.000 nhân sự công nghệ thông tin, song chỉ có 40% trong đó có việc làm: 20% có thể làm việc ngay và 20% còn lại sẽ phải đào tạo thêm lần nữa.
Các trường luôn tự nhận mình đào tạo giỏi, nên tôi cũng không dám phê phán ai. Nhưng sở dĩ, chúng ta thừa mà thiếu là bởi chúng ta chủ yếu tập trung đào tạo rộng mà không sâu, không quan tâm nhiều đến nhu cầu thực tế của thị trường, không bám sát nhu cầu doanh nghiệp và quá trình chuyển đổi số", ông Trần Anh Tuấn diễn giải tiếp.
Đồng quan điểm, ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp cũng cho rằng: mặc dù nhân lực ngành CNTT Việt Nam không thiếu, song chúng ta chủ yếu tập trung đào tạo chiều dọc mà không phải chiều sâu.
Hiện tại, nhu cầu về nhân sự công nghệ cao như khoa học máy tính, dữ liệu lớn, điện toán đám mây… của các doanh nghiệp rất lớn, song nguồn cung tại Việt Nam khá hạn chế, chỉ có một ít được đào tạo từ nước ngoài. Hiện tại, một vài trường đại học tại Việt Nam đã mở những khoa về big data hay AI, song phải sau vài năm thì lứa sinh viên mới đó mới có thể ra làm việc. Việc K-Group hợp tác với NIIT, nhận quyền các khóa đào tạo về công nghệ cao, chính để làm đầy gap này.
Ông Nguyễn Duy Khanh – Tổng Giám Đốc K-Group cho biết: "Tôi nhận thấy việc hợp tác giữa K-Group với NIIT là mối quan hệ hợp tác chiến lược có giá trị lâu dài nhằm tạo ra một thị trường lao động chất lượng cao trong mảng CNTT. Đặc biệt trong thời kỳ chuyển đổi số và công nghiệp 4.0.
Trong khả năng của mình, tôi mong muốn tạo ra những giá trị tốt nhất nhằm phục vụ cho sự phát triển của ngành công nghệ nước nhà. Đồng thời tiếp tục phát huy và đưa ngành CNTT nâng lên một tầm cao mới xứng tầm khu vực và thế giới".
Các khóa học đầu tiên của dự án này sẽ khai mạc trong tháng 5/2021, cụ thể có: Chuyên viên phân tích dữ liệu, Chuyên viên marketing trực tuyến, Chuyên viên phân tích dữ liệu lớn, Iot, AI, PBI, Ngôn ngữ lập trình Python, blockchain. K-Group hy vọng, những khóa học và chứng chỉ trên sẽ giúp sinh viên, người đi làm và nhiều nhà khởi nghiệp tiếp cận gần hơn với các công nghệ tiên tiến và mới nhất hiện nay. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Trọng Duy - Giám đốc dự án NIIT & K-Group, họ còn có ý định đưa các khóa này vào các trường học chính quy.
Vậy tại sao K-Group nhận quyền của NIIT chứ không phải một đối tác danh giá khác?
"Học viện đào tạo CNTT NIIT là nơi chất đầy những cảm xúc và kỉ niệm đối với tôi mỗi khi nhắc đến. Kể về những ngày đầu tiên gia nhập NIIT, tôi vẫn còn nhớ như in có người đã hỏi tôi rằng: công ty tôi sản xuất cái gì.
Lúc đó, tôi đã có câu trả lời mà đến bây giờ tôi vẫn thấy điều đó đúng đắn - đó chính là CON NGƯỜI. Quả thật, NIIT hướng đến chính là con người. Tất cả chúng ta ở đây, bạn và tôi, đều đang cùng nhau hướng đến một mục tiêu chung là ‘đem máy tính và con người đến cùng nhau để tạo nên sự thành công’.
Chúng tôi cùng nhau theo đuổi sứ mệnh này hơn 40 năm từ Ấn Độ và ngày nay chúng tôi là một trong những Doanh nghiệp đi đầu về về đào tạo CNTT trên thế giới. Trong thời gian 40 năm đã qua, chúng tôi đã đồng hành cùng hơn 5 triệu Học viên và hơn 200 trường Đại học trên 40 quốc gia khác nhau trên thế giới. Đối với chúng tôi, NIIT là một gia đình với 4800 thành viên đang mỗi ngày mỗi học hỏi và phát triển.
Nhằm đa dạng hóa các chương trình đào tạo để đáp ứng mọi nhu cầu học tập phát triển của sinh viên, NIIT đã xây dựng một trường Đại học cũng như Quỹ NIIT luôn sẵn sàng hoạt động hỗ trợ cho các mục tiêu xã hội. Chúng tôi mang đến chương trình đào tạo cho các trường học, công ty và các khóa học kỹ năng và nghề nghiệp.
NIIT bắt đầu mọi hoạt động của mình tại Việt Nam cách đây 20 năm và cho đến nay có khoảng 100.000 cựu sinh viên từ 20 tỉnh thành khác nhau đang đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp của họ. Hơn thế nữa, chúng tôi đã hợp tác và liên kết với hơn 6 trường Đại học và Cao đẳng ở Việt Nam.
Trong 5 năm liên tiếp, chúng tôi đã được Hội tin học TPHCM (HCA) trao huân chương Vàng cho danh hiệu nhà cung cấp dịch vụ đào tạo CNTT hàng đầu. Trên thế giới, chúng tôi có mặt tại khắp các quốc gia có thị trường công nghệ thông tin lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar và Indonesia.
Đối với lần hợp tác trở lại này, NIIT mong muốn mang lại cho sinh viên Việt Nam cơ hội học tập và tiếp cận các công nghệ mới nhất trong kỷ nguyên Covid. Như quý vị đã biết, Covid đã thay đổi bối cảnh kỹ thuật số và đòi hỏi chúng ta cần đưa các công nghệ như Khoa học dữ liệu máy học, trí tuệ nhân tạo, blockchain vào một vài lĩnh vực để đơn giản hóa các hoạt động kinh doanh cũng như bảo đảm an toàn sức khỏe cho mỗi cá nhân.
Để thể thành ý của NIIT trong lần hợp tác này, tôi trân trọng thông báo rằng sẽ tài trợ các gói học bổng trị giá 25% cho 200 sinh viên đầu tiên", ông Pavitra Mukherjee – đại diện NIIT Ấn Độ nhận định.