CEO K-Group lần đầu lộ diện: Đầu tư dàn trải 10 startup công nghệ, tham vọng trở thành siêu app như Grab trong tương lai
Hiện tại K-Group có tổng cộng 30 công ty trong đó có 10 dự án khởi nghiệp công nghệ. Theo giải thích của CEO Nguyễn Duy Khanh, sở dĩ họ đầu tư dàn trải như thế bởi thị trường đang trong thời điểm vàng, phải tận dụng triệt để cơ hội. Dù hiện tại, K-Group vẫn đang bù lỗ cho mảng khởi nghiệp, nhưng anh tin vào tương lai tươi sáng.
Trong khoảng vài tháng trở lại đây, những ai đi ngang cầu Thị Nghè ở đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ cảm thấy hơi ngạc nhiên khi nhìn thấy tòa nhà to có vị trí đắc địa ngay mặt tiền, trước đây là nhà hàng vi cá hải sản giờ đã đổi tên thành K-Group. Rõ ràng K-Group không phải là cái tên quá nổi bật trên thị trường, làm sao có thể thuê được mặt bằng đắt tiền như thế?
Mang thắc mắc này đi tìm hiểu, chúng tôi đã nhận được câu trả lời khá bất ngờ: K-Group có thể xa lạ với người thường, nhưng là một doanh nghiệp nổi bật trong giới khởi nghiệp ở TP. HCM, khi họ đang điều hành 30 doanh nghiệp – trong đó có 10 doanh nghiệp startup về công nghệ, nổi bật nhất với 2 cái tên Thế Giới Thợ và Bách Hóa Việt. Hơn nữa, K-Group thuê tòa nhà này, ngoài để làm văn phòng công ty, họ còn cải tạo và cho bên ngoài thuê 2 không gian để làm hội thảo, hội nghị, cũng như co-working.
Cơ ngơi mới khang trang của K-Group.
Và nếu tính ra, K-Group không phải là một doanh nghiệp non trẻ, họ đã chuẩn bị gần 10 năm và chính thức xuất hiện được 3 năm, theo tiết lộ của anh CEO Nguyễn Duy Khanh với chúng tôi, xuất phát điểm của họ là ở mảng xây dựng và nội thất, chứ không phải công nghệ. Trong mảng xây dựng – nội thất, K-Decor đang là một cái tên uy tín trên thị trường, khi được các đối tác hàng đầu như Vingroup, FPT hay Thế Giới Di Động lựa chọn.
Hiện tại, mảng kinh doanh cốt lõi này vẫn đang nuôi ‘em út’ khởi nghiệp công nghệ, vì 10 startup của họ vẫn trong giai đoạn đầu tư. Tức trong khoảng 5 năm tới, doanh nghiệp sẽ liên tục ra mắt các sản phẩm của mình ở thị trường công nghệ. Khi được hỏi, anh nghĩ dự án nào trong 10 dự án hiện tại có thể đi nhanh và xa, bởi khởi nghiệp là một cuộc chơi rất khốc liệt, CEO này cho rằng, bản thân không thể có trả lời. Với tư cách là ‘người cha đỡ đầu’ của tất cả dự án, anh luôn mong muốn ‘con cái’ của mình đều trưởng thành và phát triển tốt.
10 năm đau đáu với khởi nghiệp công nghệ
Ngay từ khi ngồi ở ghế nhà trường Đại học Kinh tế những năm 2004, khi nhìn quanh thế giới, anh Nguyễn Duy Khanh đã nghĩ khởi nghiệp công nghệ sẽ là một mảng hết sức tiềm năng trong tương lai. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, phong trào khởi nghiệp không hừng hực như bây giờ, nên sau khi tốt nghiệp, anh vẫn chọn con đường làm công ăn lương như mọi người. Vì cơ duyên, anh đã lập nghiệp bằng mảng xây dựng – nội thất, chuyên thi công những cửa hàng bán lẻ cho các thương hiệu lớn và gầy dựng được tiếng tăm tương đối cho K-Group trong mảng này như bây giờ.
Trong những ngày tháng quay cuồng gầy dựng K-Decor, anh Nguyễn Duy Khanh chưa bao giờ quên giấc mơ khám phá thị trường khởi nghiệp. Cách đây vài năm, khi cảm thấy thị trường khởi nghiệp đã bắt đầu bước vào giai đoạn ‘5 năm vàng’ và bản thân mình cũng đã đủ nguồn lực để tham gia cuộc chơi; anh Nguyễn Duy Khanh đã chính thức dấn thân vào khởi nghiệp.
Năm 2018, K-Group chính thức bắt tay triển khai và lần đầu giới thiệu sản phẩm của mình với thị trường khởi nghiệp với dự án Thế Giới Thợ năm 2019, đến tháng 3/2020, sau 1 năm triển khai họ ra mắt thêm dự án Bách Hóa Việt – mô hình tương tự VinShop vừa ra mắt, sau đó là Thế Giới Bác Sĩ, Thế Giới Gia Sư, K-Will, K-Wiki, Catback…Trong tất cả, Thế Giới Thợ là dự án nổi bật nhất của K-Group, khi đã giành ngôi vị Á quân của cuộc thi Khởi nghiệp Công nghệ do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức vào năm 2019.
Thế Giới Thợ đang là startup nổi bật nhất của K-Group.
"Đầu tư dàn trải hay tập trung cũng có cái hay cái dở, nhưng bởi tôi thấy thị trường khởi nghiệp đang ở trong thời điểm ‘5 năm vàng’, ngành nào cũng nhiều cơ hội phát triển, nên tôi đã quyết định rải đều nguồn lực của mình. Ngoài ra, 1 dự án phải mất 1 đến 2 năm chuẩn bị, nên chúng tôi sẽ không ào ạt ra thị trường một lần mà theo hình thức gối đầu. Dự án trước có chỗ đứng nhất định trên thị trường, dự án sau mới bắt đầu ra mắt.
Hơn nữa, việc phát triển cùng lúc nhiều dự án, sẽ giúp chúng tôi tận dụng được nguồn lực của công ty một cách tốt nhất. Hiện tại, mỗi dự án sẽ có một đội công nghệ và chuyên môn riêng, nhưng sẽ xài chung team kế toán – hành chính – marketing – PR của công ty", anh Nguyễn Duy Khanh miêu tả.
Anh Nguyễn Duy Khanh cũng kể thêm, như đã nói ở trên, do rất yêu thích lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ, nên anh luôn cố gắng tích lũy được nhiều kiến thức, nguồn lực lẫn các mối quan hệ trong nhiều năm, thành ra anh không gặp nhiều khó khăn khi chính thức tham gia cuộc chơi.
Về công nghệ: thật ra anh là một người rất yêu công nghệ và từng học chương trình Kỹ Sư CNTT Aptech của Ấn Độ nên không hoàn toàn xa lạ với lĩnh vực này. Cách xây dựng và phát triển bộ phận công nghệ của anh Nguyễn Duy Khanh cũng như mọi người: anh sẽ ‘săn’ những tài năng công nghệ và những người đó sẽ chịu trách nhiệm xây dựng đội nhóm phát triển riêng của bản thân. Tất nhiên, trong thời gian đầu, anh cũng chưa thể làm tốt mà thường phải sửa sai liên tục. Hiện tại, team công nghệ của K-Group có khoảng 80 kỹ sư.
Về chuyên môn: trừ Thế Giới Thợ, với những dự án còn lại, anh đều phải thuê những người có chuyên môn từ bên ngoài vào. Sở dĩ, K-Group chào sân với dự án Thế Giới Thợ, vì đây là lĩnh vực mà K-Group tự tin nhất, do đã có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này với K-Decor.
Với Bách Hóa Việt, mặc dù họ đã có kha khá kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ, khi thường xuyên set-up cửa hàng cho các chuỗi bán lẻ hàng đầu Việt Nam, song K-Group vẫn mời ông Lữ Thế Hùng – chuyên gia có vài chục năm kinh nghiệm trong ngành bán lẻ về xây dựng nền tảng trong những ngày đầu tiên. Với trường hợp Thế Giới Gia Sư hay Thế Giới Bác Sĩ, K-Group tất nhiên phải mời chào thêm những chuyên gia hàng đầu trong ngành giáo dục – y tế về hợp tác cùng.
Nguyễn Duy Khanh - CEO K-Group.
Mục tiêu trong tương lai của K-Group là có thể phục vụ mọi mặt đời sống của người dân Việt Nam, tức người Việt Nam muốn làm gì đều có thể tìm tới với K-Group, từ sửa chữa nhà cửa – học hành – khám bệnh – mua sắm …. Tới một lúc nào đó, họ sẽ tích hợp các dịch vụ của mình lại thành một siêu app, như Grab đang làm. Hay nôm na, vì không có đủ nguồn lực để phát triển một siêu app ngay từ đầu như Grab, K-Group chọn giải pháp tách ra phát triển từng phần nhằm đầu tư gọn nhẹ hơn.
Chúng tôi sẵn sàng để các bạn trẻ toàn quyền phát triển dự án nếu họ có đủ khả năng
Bên cạnh đó, với việc đang đầu tư và phát triển tới 10 dự án khởi nghiệp, nên K-Group khi nào cũng thiếu và khát nhân tài.
"Nhiều người cho rằng, nếu có khả năng thì nên tự khởi nghiệp đừng đầu quân cho K-Group hoặc các công ty tương tự, bởi khi tự khởi nghiệp các founder ghi dấu ấn cá nhân của mình lên dự án, nhưng nếu đầu quân cho K-Group, bạn chỉ ‘làm công ăn lương’.
Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn ngược lại. Tôi không phải là kiểu lãnh đạo thích chi phối tất cả mọi việc và ở K-Group cũng không có văn hóa một người kiểm soát tất cả. Chúng tôi thích phân quyền hơn là tập quyền. Mỗi dự án là một đội nhóm phát triển độc lập, K-Group chịu trách nhiệm rót vốn và hỗ trợ khi cần. Tôi đóng vai trò điều phối hơn là quản lý, tức chỉ lúc nào các leader của các dự án có vấn đề gì đó hoặc mâu thuẫn không tự giải quyết được, tôi mới xuất hiện.
Thế nên, nếu bạn có đủ tài năng hoặc bản lĩnh, K-Group sẵn sàng trao cho bạn toàn quyền phát triển dự án và đại diện dự án xuất hiện trước truyền thông như khi bạn tự khởi nghiệp ở bên ngoài. Một trong những slogan trước đây của K-Group là hãy ‘thực hiện giấc mơ Mỹ tại Việt Nam’, tức chúng tôi muốn hỗ trợ các bạn trẻ chạm đến thành công ngay tại trên quê hương Việt Nam chứ không cần qua Mỹ", anh Nguyễn Duy Khanh khẳng định.
Khi đầu quân cho K-Group, bạn chỉ cần chuyên tâm phát triển sản phẩm, K-Group sẽ là người đứng sau hỗ trợ bạn những mảng miếng còn lại: từ PR - marketing, tài chính, nghiên cứu thị trường, vận hành sản phẩm… Hiện tại, trên thị trường khởi nghiệp công nghệ, nhân tài trong mảng vận hành khá hiếm và thường phải thuê từ nước ngoài; nên kể cả khi bạn có tiền, vẫn chưa chắc thuê được người tốt và phù hợp.
Anh Nguyễn Duy Khanh rất yêu khởi nghiệp công nghệ.
Hoặc nói cách khác, K-Group là một môi trường lý tưởng để các bạn trẻ muốn khởi nghiệp mà chưa có đủ nguồn lực hoặc can đảm, rèn giũa bản thân.
Một doanh nghiệp muốn sống sót và trưởng thành, quan trọng nhất là quản lý và vận hành chứ không phải ý tưởng
Ngoài ra, khi được hỏi: Seedcom có phải là hình mẫu lý tưởng của K-Group hay không, anh Nguyễn Duy Khanh trả lời là có. Mặc dù Seedcom chuyên về bán lẻ công nghệ, còn K-Group chuyên về dịch vụ đời sống và Seedcom không tự phát triển mà tìm những startup tiềm năng trên thị trường để đầu tư vào và sau đó dành quyền chi phối còn hầu hết dự án bên K-Group là tự phát triển; song cách thức can thiệp khá giống nhau, ngoài đầu tư vốn, cả hai còn tham dự vào phần quản lý – điều hành.
"Với tôi, ý tưởng không phải là tất cả. K-Group có vài trăm ý tưởng, nhưng chúng tôi chỉ triển khai 10 trong số đó. Để một dự án kinh doanh phát triển và trưởng thành, cần phải có sự quản lý và điều hành đúng. Mô hình kinh doanh quán cà phê kiểu như The Coffee House chẳng có gì mới, chúng ta có thể thấy nhan nhãn trên phố. Nhưng sở dĩ, thương hiệu chuỗi cà phê này có thể thành công mở rộng khắp Việt Nam là nhờ biết xây dựng câu chuyện thương hiệu, trải nghiệm khách hàng tốt, vận hành mượt mà…
Kinh nghiệm quản lý – vận hành dày dạng của K-Group chính là một trong những lợi thế cạnh tranh của các startup của chúng tôi so với các đối thủ khác trên thị trường. Thế nên, ngay cả khi những startup của chúng tôi không phải tiên phong trên thị trường như Thế Giới Bác Sĩ hay Thế Giới Gia Sư, chúng tôi cũng không cảm thấy quá lo lắng. Khởi nghiệp là một con đường dài và ‘đường xa mới biết ngựa hay’, tương lai chẳng ai nói trước được.
Hơn nữa, ở mỗi lĩnh vực, thường sẽ có 3 đến 4 kẻ thắng cuộc cuối cùng và thuộc về những kẻ kiên nhẫn nhất", anh Nguyễn Duy Khanh nhận định.
Ngoài là trụ sở của K-Group, tòa nhà K-Group còn là co-working và cho thuê phòng làm hội thảo.
Cũng như thế, dù có 30 công ty, song không phải K-Group đầu tư nguồn lực cho tất cả, mà một vài trong số đó đang phát triển cầm chừng chờ thời cơ. Có lẽ, do cảm thấy thị trường khởi nghiệp hay nền kinh tế Việt Nam nói riêng đang quá màu mỡ, nên CEO này muốn tham gia vào tất cả lĩnh vực và ở mỗi lĩnh vực đều thành lập một công ty, như kiểu giữ một chỗ để sẵn sàng chớp cơ hội khi nó xuất hiện.
Chúng tôi luôn hoan nghênh những đối thủ mới gia nhập thị trường
Hiện tại, trừ dự án Thế Giới Thợ ra, những dự án khởi nghiệp công nghệ còn lại của K-Group có khá nhiều đối thủ cứng cựa; ví dụ như Bách Hóa Việt với đối thủ ‘siêu to khổng lồ’ vừa xuất hiện gần đây – VinShop.
Thoạt trông, mô hình kinh doanh của VinShop và Bách Hóa Việt tương đối giống nhau và những gì VinShop đang triển khai cấp tập trong năm 2020 sẽ là những gì Bách Hóa Việt triển khai… vài năm tới. Qua sự phát triển của Bách Hóa Việt và VinShop, chúng ta có thể thấy rõ sự khác biệt giữa ‘con nhà nghèo’ và ‘con nhà giàu’ khởi nghiệp.
"Nhiều người hỏi tôi: anh có hoảng sợ không khi thấy VinShop xuất hiện rầm rộ như thế? Thú thật, là tôi không thấy sợ mà xét khía cạnh nào đó, còn thấy mừng. Chắc chắn, sự gia nhập của VinShop sẽ khiến mảng này phát triển nhanh hơn và thời gian để thuyết phục người tiêu dùng cùng chủ cửa hàng bách hóa chấp nhận tham gia mạng lưới này sẽ ngắn lại. Như thế, Bách Hóa Việt cũng sẽ hưởng lợi không ít.
Hơn nữa, mô hình kinh doanh của chúng tôi, nếu xét kỹ cũng không giống VinShop, chúng tôi chỉ đơn thuần chỉ là nền tảng kết nối trực tiếp giữa 3 bên là nhà sản xuất – phân phối – chủ cửa hàng, cũng như đánh mạnh vào các doanh nghiệp SMEs và startup hơn là doanh nghiệp lớn. Thế nên, chúng tôi sẽ luôn hoan nghênh những tay chơi mới nhập thị trường", anh Nguyễn Duy Khanh chia sẻ.
Hiện tại, nhân sự toàn công ty khoảng 300 người, trong đó có nhiều nhân sự chất lượng cao nhất là ở mảng vận hành và công nghệ, nên quỹ lương của K-Group khá lớn. Tuy nhiên, hiện tại anh Nguyễn Duy Khanh vẫn chưa có kế hoạch kêu gọi vốn đầu tư trong tương lai gần. Nguyên do, ngoài việc nguồn lực của K-Group vẫn còn tự xoay xở được, anh cũng e ngại việc có thêm nhà đầu tư có thể khiến định hướng ban đầu của doanh nghiệp này lệch hướng.