JustGrab biến mất khỏi danh mục lựa chọn tại Sài Gòn và câu chuyện về những dịch vụ "bom xịt" của Grab

08/10/2018 09:11 AM | Kinh doanh

Dịch vụ JustGrab - pha trộn giữa GrabCar và GrabTaxi đã biến mất khỏi danh mục lựa chọn di chuyển của nhiều tài khoản ở TPHCM. Một dịch vụ nữa từng ra mắt rầm rộ nhưng đang dần "xịt" là GrabBike Premium.

Gần đây Grab liên tục tung ra những dịch vụ mới và thậm chí có những dịch vụ đã hoạt động tại nước ngoài nhưng chưa xuất hiện tại Việt Nam cho thấy còn rất nhiều thứ đang chờ đón. Thực tế, một số dịch vụ Grab từng đưa ra đã trôi vào dĩ vãng.

GrabShuttle

JustGrab biến mất khỏi danh mục lựa chọn tại Sài Gòn và câu chuyện về những dịch vụ bom xịt của Grab - Ảnh 1.

GrabShuttle là dịch vụ hoạt động tương tự như xe bus. Cách đây tầm 2 năm, Grab thử nghiệm dịch vụ này tại TPHCM với quy mô rất nhỏ, mỗi ngày chỉ có 3 chuyến di chuyển từ Q2 vào trung tâm Q1, và ngược lại, bằng xe bus 16 chỗ. Giá cước mỗi chuyến là 12.000đ, đây là mức đã có trợ giá.

Dự kiến sau khi cân bằng giữa cung và cầu thì sẽ điều chỉnh giá tuy nhiên dịch vụ này đã sớm "về hưu non".

Thật đáng tiếc vì nếu dịch vụ này được duy trì sẽ đem lại sự tiện lợi thiết thực cho người dùng vì với nhiều người vẫn rất ác cảm với xe bus như bỏ khách không đón, coi thường người đi vé tập, nhồi nhét khách hay tài xế không trung thực.

JustGrab

JustGrab biến mất khỏi danh mục lựa chọn tại Sài Gòn và câu chuyện về những dịch vụ bom xịt của Grab - Ảnh 2.

JustGrab đã biến mất khỏi danh mục lựa chọn phương tiện di chuyển của Grab.

Là dịch vụ pha trộn giữa GrabCar và GrabTaxi. Khi cần di chuyển từ A đến B mà đang cần xe gấp, bạn chọn JustGrab và thế là hệ thống sẽ tự tìm từ tài xế GrabCar 4 chỗ, 7 chỗ cho đến GrabTaxi 4 hay 7 chỗ, miễn là có xe để bạn di chuyển.

Thời gian gần đây thì không còn thấy loại hình này trên danh mục dịch vụ của Grab nữa.

GrabExpress

Sau khi GrabBike ra đời được vài tháng thì tầm đầu năm 2015, Grab tận dụng lực lượng tài xế sẵn có để lấn sân sang mảng giao hàng nhưng đã không ít lần tách rồi nhập (giữa GrabBike và GrabExpress), nhập rồi tách.

GrabExpress hướng đến việc giao những thứ đơn giản như giấy tờ hồ sơ hay quên chìa khoá, quên cục sạc laptop mà lười về lấy nhưng nhu cầu này chỉ mang tính bộc phát, không đủ lớn.

Chưa kể ban đầu GrabExpress còn không có dịch vụ ứng tiền thu hộ trong khi nhu cầu chuyển hàng theo yêu cầu (on-demand delivery) cao nhất nằm ở nhóm thương mại điện tử.

Gần đây, Grab mới quyết định "hồi sinh" GrabExpress bằng việc chấp nhận giao hàng COD nhưng chỉ ứng trước tối đa 500.000 đồng, đồng thời bắt tay với sàn thương mại điện tử Sendo.

GrabBike Premium

JustGrab biến mất khỏi danh mục lựa chọn tại Sài Gòn và câu chuyện về những dịch vụ bom xịt của Grab - Ảnh 3.

Dịch vụ xe ôm hạng sang với tài xế trẻ tuổi, phải đi các dòng xe xịn như Honda SH, Piaggio Vespa, Honda Air Blade… và không bị yêu cầu mặc đồng phục.

Tuy nhiên tỷ trọng người sử dụng dịch vụ này là khá ít nên nhìn trên ứng dụng sẽ rất khó tìm ra cách đặt được dòng xe này.

Về mặt kỹ thuật, Grab cho phép một tài khoản tài xế được chạy nhiều dịch vụ tương đồng. Vì vậy các tài xế Premium phải chạy thêm GrabBike thông thường mới mong "đủ sở hụi". Mà chạy dịch vụ thông thường thì phải có đồng phục theo quy định.

Vũ Hoàng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM