Iran: Bất ổn xã hội, tiền mất giá, cử nhân kinh tế làm "cò đổi tiền" vì miếng cơm manh áo

18/08/2018 08:37 AM | Xã hội

Giao dịch chợ đen được coi là một hình thức buôn lậu phi pháp tại Iran. Vì vậy, Reza và những người đổi tiền khác thường xuyên bị cảnh sát nhắm tới.

Đồng tiền mất giá

Trước đây, Reza, 27 tuổi, từng ước mơ được làm việc trong một công ty chứng khoán hoặc một công ty bảo hiểm danh tiếng tại thủ đô Tehran. Anh đã vượt qua kì thi đầu vào đại học cực kì gắt gao và hiện đang theo học thạc sĩ về kinh tế tại một trong những trường đại học uy tín nhất cả nước.

Nhưng trong nhiều năm trở lại, Reza không tìm được việc làm trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp lên tới gần 12%. Cuối cùng, anh phải làm tài xế taxi để có tiền chi tiêu.

Trong năm 2017, Reza nhận thấy cơ hội kiếm tiền tới rất gần khi đồng Rial bắt đầu mất giá. Từ đó, Reza trở thành "cò đổi tiền" tại thị trường chợ đen ở Tehran.

Anh nhanh chóng rút hết mọi khoản tiết kiệm bằng đồng rial - ước tính trị giá 26.000 USD vào thời điểm đó. Dựa trên tỉ giá vào tháng 8/2017, 1 USD có giá trị tương đương 38.400 rial trên thị trường.

Trả lời Al Jazeera, mặc cho các rủi ro, Reza tin rằng mình đã quyết định đúng. Dựa trên tỉ giá ngân hàng và biến động giá trị tiền tệ, Reza có thể đã mất hơn 16.400$ nếu tính trên tỉ giá ngày 13/8/2018, 1 USD có thể đổi được 104.000 rial, gấp gần 3 lần một năm trước.

Từ năm ngoái, áp lực kinh tế nội địa và sự bất ổn sau lời đe dọa của tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi năm 2015 đã khiến đồng rial mất hơn nửa giá trị.

 Iran: Bất ổn xã hội, tiền mất giá, cử nhân kinh tế làm cò đổi tiền vì miếng cơm manh áo  - Ảnh 1.

Tỉ giá đồng rial so với đồng USD trong 1 năm qua. Nguồn: Al Jazeera

Sự mất giá thể hiện rõ rệt nhất vào những ngày trước khi Mỹ tái áp cấm vận vào ngày 7/8. Những dòng người biểu tình liên tục trên khắp cả nước cũng khiến tình hình trở nên ảm đạm hơn.

Khi đồng rial mất giả, nhiều người Iran bắt đầu đổ xô đi chuyển các khoản tiền tiết kiệm của họ sang USD thông qua những "cò" như Reza và đồng nghiệp. Đội ngũ những cò đổi tiền này hoạt động theo một nguyên tắc phổ thông: "mua rẻ bán đắt" các đồng tiền USD và EUR

"Sự biến động trên thị trường chính là mối hời với người trung gian," Reza nói.

Bởi nhu cầu đồng USD đặc biệt cao, những người trung gian có quyền ra giá, và gián tiếp khiến đồng rial mất giá trị nhiều hơn.

Giao dịch tại Ferdowsi

Tại quảng trường Ferdowsi ở Tehran, hai thứ đáng lưu ý nhất là những túi vải da và các "cò đổi tiền". Reza và nhóm của mình hoạt động tại đây, dưới bức tượng của Ferdowsi - nhà thơ Ba Tư và là tác giả của thiên sử thi Shahnameh của Iran.

Khi không phải đi học thạc sĩ, Reza dậy vào lúc 8 giờ sáng và có mặt tại quảng trường từ 10 giờ sáng, "săn" khách hàng tới 8 giờ tối.

Bằng kinh nghiệm, Reza có thể phát hiện những gương mặt lạ lẫm muốn đổi tiền. Sau cuộc trao đổi ngắn, giao dịch có thể được hoàn thành chỉ sau vài phút.

"Làm người trung gian rất áp lực, nhưng khi kiếm được nhiều tiền, tôi rất vui."

Reza nói anh không chỉ kiếm tiền cho bản thân, mà còn cho gia đình. Vì vẫn độc thân, anh gửi tiền để hỗ trợ cha mẹ nuôi 4 anh chị em khác.

Mặc dù tình hình hiện tại giúp Reza sống tốt, nhưng anh khẳng định những động thái của ông Trump là "rất tồi tệ với nền kinh tế của Iran".

Can thiệp của cảnh sát

 Iran: Bất ổn xã hội, tiền mất giá, cử nhân kinh tế làm cò đổi tiền vì miếng cơm manh áo  - Ảnh 2.

Nhiều người Iran đổ lỗi cho các cấm vận của ông Trump. Ảnh: Ted Regencia/Al Jazeera

Giao dịch chợ đen được coi là một hình thức buôn lậu tại Iran. Vì vậy, Reza và những người đổi tiền khác thường xuyên bị cảnh sát nhắm tới.

Hồi tháng 2, khi đồng rial bắt đầu biến động, cảnh sát Iran đã tổ chức nhiều cuộc triệt phá quy mô lớn nhằm vào quảng trường Ferdowsi và những đường lân cận. Theo báo cáo, chính phủ đã vô hiệu hóa các cơ sở đổi tiền với tổng trị giá tới hàng tỉ USD trong nỗ lực kìm hãm sự tụt giá của đồng rial.

Vào tháng 7, tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cách chức thống đốc ngân hàng trung ương Valiolah Seif. Cấp dưới của ông Seif, Ahmad Araghchi - người quản lí trao đổi tiền tệ nước ngoài - cũng bị thay thế và sau này đã bị bắt.

Các chuyên gia ước tính rằng đồng rial còn gặp nhiều áp lực hơn khi vòng cấm vận đợt hai của Mỹ được áp dụng vào tháng 11 nhằm vào nguồn xuất khẩu năng lượng của Iran - một nguồn thu nhập then chốt của Tehran.

Nhưng theo phóng viên kinh tế Maziar Motamedi, ông không cho rằng đồng rial sẽ mất giá quá mạnh như chính quyền Mỹ đe dọa, bởi nhiều chính sách mới đã bắt đầu được Tehran áp dụng.

"Nếu chính phủ Iran triển khai toàn diện những chính sách như đã thông báo và hỗ trợ thị trường tự do thì đồng rial sẽ tăng giá trở lại."

Trong buổi sáng phỏng vấn với Al Jazeera, cảnh sát tới quảng trường Ferdowsi và bắt giữ nhiều người.

"Nếu bị bắt, tôi sẽ bị phạt gấp 3 lần số tiền tôi có," Reza nói.

Theo Tất Đạt

Cùng chuyên mục
XEM