Iran từ chối đàm phán dù bị Mỹ tái áp trừng phạt

08/08/2018 14:11 PM | Xã hội

Chỉ vài giờ trước khi Mỹ tái áp trừng phạt Iran, Tehran vẫn từ chối đề nghị đàm phán từ phía Washington...

Mỹ ngày 6/8 kêu gọi Iran lựa chọn giữa một bên là ngồi vào bàn đàm phán, một bên là bị siết trừng phạt kinh tế, nhưng Iran nói rằng Mỹ trước tiên cần phải chứng minh là mình đáng tin cậy.

Theo tin từ Reuters, chỉ vài giờ trước khi lệnh trừng phạt của Mỹ chính thức được tái áp lên Iran, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton nói rằng Iran nên hưởng ứng thiện chí đàm phán của Tổng thống Donald Trump.

"Họ có thể chấp nhận đề xuất đàm phán mà Tổng thống đưa ra, để từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của họ một cách hoàn toàn và có thể kiểm chứng", ông Bolton - một trong những nhân vật "diều hâu" trong chính quyền Mỹ về vấn đề Iran - nói với kênh Fox News.

"Nếu Iran muốn thoát khỏi lệnh trừng phạt, họ nên ngồi vào bàn đàm phán. Sức ép đối với họ sẽ không lớn trong lúc họ đàm phán".

Lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ chính thức tái áp trở lại đối với Iran từ ngày 7/8 theo giờ Washington, nhằm không cho Iran được mua USD, đồng thời chặn các hoạt động giao thương về kim loại, than, phần mềm công nghiệp và ôtô của nước này với các quốc gia khác.

Là đối thủ của nhau trong suốt nhiều thập kỷ qua, Mỹ và Iran đối đầu ngày càng mạnh kể từ khi ông Trump lên cầm quyền vào tháng 1/2017, trong bối cảnh Tehran gia tăng ảnh hưởng chính trị và quân sự ở Trung Đông.

Vào năm 2015, các cường quốc đã dỡ trừng phạt Iran sau khi nước này ký thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân. Tháng 5/2018, ông Trump rút khỏi thỏa thuận này và tuyên bố sẽ tái áp trừng phạt Iran.

Lệnh trừng phạt ngặt nghèo hơn, nhằm vào ngành dầu lửa Iran, sẽ được Mỹ triển khai vào tháng 11 năm nay. Gần đây, Washington đã đề nghị các quốc gia cắt giảm nhập khẩu dầu lửa của Iran về mức 0 trước ngày 4/11, nếu không sẽ chịu sự trừng phạt của Mỹ.

Đồng Rial của Iran đã giảm giá một nửa kể từ tháng 4, khi Mỹ đe dọa tái áp trừng phạt. Đồng nội tệ mất giá nghiêm trọng và lạm phát tăng vọt đã dẫn tới những cuộc biểu tình ở Iran phản đối tình trạng đầu cơ trục lợi và tham nhũng. Nhiều người biểu tình giơ khẩu hiệu phản đối Chính phủ do lo ngại thách thức kinh tế khi bị Mỹ trừng phạt.

Ngày thứ Hai, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói Iran chỉ có thể đàm phán với Mỹ nếu Washington chứng minh được độ tin cậy. Ông Rouhani tỏ ý rằng nếu Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân và dỡ trừng phạt Iran, thì Iran mới có thể đàm phán với Mỹ.

"Chúng tôi luôn ủng hộ ngoại giao và đàm phán… Nhưng đàm phán cần sự thành thực", ông Rouhani phát biểu trên truyền hình Iran, kêu gọi người dân Iran đoàn kết để vượt qua khó khăn.

Theo giới phân tích, chiến lược trừng phạt của Mỹ đối với Iran có nhiều điểm yếu, nhất là châu Âu, Trung Quốc và Nga không muốn cắt quan hệ kinh doanh và giao thương với Iran.

Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Kinh tế Iran không cho rằng lệnh trừng phạt mà Mỹ tái áp lên Iran sẽ có ảnh hưởng lớn. "Nhiều quốc gia, bao gồm các nước châu Âu, không đồng tình với lệnh trừng phạt của Mỹ và sẵn sàng hợp tác với Iran", vị quan chức này nói.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 6/8 lên tiếng phản đối việc Mỹ tái áp trừng phạt lên Iran. "Chúng tôi rất lấy làm tiếc về việc Mỹ tái áp trừng phạt Iran", một tuyên bố chung của các ngoại trưởng trong EU viết, đồng thời cam kết sẽ bảo toàn hoạt động xuất khẩu dầu khí của Iran - xương sống của nền kinh tế nước này.

Hôm Chủ nhật, Iran tuyên bố sẽ nới lỏng các quy định về trao đổi ngoại tệ nhằm ngăn đà lao dốc của đồng Rial. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 3, dự trữ ngoại hối của Iran sẽ giảm còn 97,8 tỷ USD trong năm nay, đủ cho 13 tháng nhập khẩu.

Theo Diệp Vũ

Cùng chuyên mục
XEM