Indonesia muốn tạo 1.000 công ty khởi nghiệp trị giá 10 tỷ USD
“Phong trào 1.000 start-up” vừa được chính phủ Indonesia khởi động tuần trước, với tham vọng tạo một hệ sinh thái trị giá 10 tỷ USD.
Indonesia vừa tung ra chương trình “Phong trào 1.000 start-up” (1.000 start-ups movement). Mục đích của chương trình này nhằm xây dựng 1.000 công ty khởi nghiệp từ nay đến hết năm 2020. Tổng giá trị các công ty được ước đạt 10 tỷ USD.
Chương trình sẽ bao gồm một chuỗi các sự kiện được tổ chức trên 10 thành phố lớn ở Indonesia trong những tháng tới. Các hoạt động sẽ bao gồm workshop, hackathon, bootcamp, ươm mầm.
Ảnh: Twitter/TechinAsia
Từ tháng 6 đến tháng 9, sự kiện sẽ diễn ra ở Jakarta, Yogyakarta, và Surabaya. Từ tháng 9 đến tháng 12 tập trung vào Bandung, Semarang, và Malang. Đầu năm 2017, các thành phố Medan, Pontianak, Denpasar, và Makassar sẽ tham gia chương trình.
Bộ Thông tin - Truyền thông - Công nghệ Indonesia và Kibar – một công ty xây dựng hệ sinh thái start-up – khởi xướng chương trình này.
Kiba là công ty gắn với nhiều hoạt động khởi nghiệp ở quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á. Chẳng hạn công ty đã phối hợp với Seedstars World Indonesia để lên chương trình Startup Weekend Jakarta, và tổ chức các sự kiện cho Google thông qua một công ty do Google chỉ định.
Phải có công ty “kỳ lân”
Kibar và Bộ Thông tin - Truyền thông - Công nghệ ví chương trình này như một lò đào tạo. Chương trình sẽ phát hiện những gương mặt sáng giá qua các khóa học kinh doanh căn bản, từ đó xây dựng các mô hình kinh doanh, cuối cùng sẽ đưa những người này vào chương trình ươm mầm.
Những người tổ chức đặt mục tiêu tạo ra được 200 công ty khởi nghiệp mới trên toàn đất nước trong mỗi năm, bắt đầu từ bây giờ, để đạt được 1.000 start-up đến năm 2020.
Kế hoạch này có vẻ hơi tham vọng, đặc biệt khi đặt mục tiêu giá trị toàn bộ các công ty start-up cộng lại đạt khoảng 10 tỷ USD.
Với tỷ lệ 10% công ty start-up “sống sót”, đến năm 2020 có thể còn lại 100 công ty. Như vậy, mỗi công ty này phải đạt giá trị trung bình là 100 triệu USD – tương đương một công ty “nhân mã” (centaur), tiếng lóng ám chỉ công ty đạt giá trị 100 triệu USD.
Đây là một mục tiêu không dễ thực hiện, vì một công ty chuyên ươm mầm có kinh nghiệm như 500 Startups – trụ sở Mỹ, có hoạt động ở nhiều nơi bao gồm Việt Nam – cũng chỉ mới “sản xuất” được khoảng 25 công ty “nhân mã”.
Tất nhiên, vẫn có trường hợp khác là một trong các công ty “sống sót” sau chương trình này có thể đạt giá trị cao, hơn 1 tỷ USD chẳng hạn – tương đương mức “kỳ lân” (unicorn) - để bù lại cho các công ty giá trị thấp hơn nhằm đạt mục tiêu đề ra.
Nhưng cho đến nay, trong toàn bộ lịch sử khởi nghiệp của Indonesia, các công ty “kỳ lân” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Traveloka - công ty du lịch - hay Tokopedia – sàn thương mại C2C – là hai ví dụ điển hình của công ty “kỳ lân” ở Indonesia.
Tuy nhiên, những công ty như vậy cũng tốn hơn 5 năm mới đạt được giá trị 1 tỷ USD.
Dữ liệu của Tech in Asia cho thấy có 2.262 công ty khởi nghiệp ở Indonesia.
Không có tiền
Chương trình này còn đối mặt với một thách thức khác: nó không nhận được bất kỳ hỗ trợ tài chính nào từ chính phủ.
Phát ngôn của chương trình nói với trang Tech in Asia rằng, không có bất kỳ hỗ trợ nào của chính phủ ngoài sự bảo chứng.
Kibar sẽ giữ vai trò tìm kiếm nhà tài trợ và tập hợp hỗ trợ từ cộng đồng ở những nơi chương trình tổ chức, cùng với hỗ trợ của các start-up đã thành danh trong suốt chặng thời gian 5 năm.