DN khởi nghiệp phải tự đi bằng đôi chân của chính mình chứ đừng ỷ lại vào Chính phủ

03/06/2016 17:03 PM | Công nghệ

"Một trong những điểm quan trọng nhất đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đó là họ ý thức được công việc họ làm chứ đừng ỷ lại vào Chính phủ. Họ xác định phải đi bằng chính đôi chân của mình, để đạt được kết quả mình mong muốn” – ông Zafric Asaf, Đại sứ quán Israel nói.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế tư nhân chiều nay 3/6, ông Đinh Viết Hùng – Co-Founder, VIC Impact cho hay, các lợi thế truyền thống của Việt Nam chưa được khai thác hiệu quả nhờ hoạt động Sáng tạo để phát triển kinh tế quốc gia.

Để phát triển và đóng góp cho nền kinh tế đất nước, theo ông Hùng, hệ sinh thái Khởi nghiệp, Sáng tạo nhất thiết cần được Chính phủ hỗ trợ nhiều yếu tố.

Chẳng hạn như: Chính phủ xây dựng cơ chế pháp lý đặc biệt bằng việc ban hành các chỉ thị và văn bản dưới luật điều chỉnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, thừa nhận chính thức hoạt động Đầu tư thiên thần, huy động vốn Cộng đồng và Quỹ Đầu tư mạo hiểm; ưu đãi cụ thể về Thuế và Sở hữu trí tuệ cho Startup trong những (03) năm đầu hoạt động.

Các tổ chức quốc tế Phối hợp với các bên liên quan cùng bố trí các chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm hỗ trợ Startup cùng hỗ trợ xây dựng và phát triển Hệ sinh thái Khởi nghiệp, Sáng tạo Việt Nam.

Đoàn Thanh niên CSHCM cần giảm thiểu các hoạt động mang tính phong trào, thay thế bằng các hành động thiết thực Khơi dậy Đam mê kinh doanh của tuổi trẻ thay vì tìm kiếm việc làm ổn định; đẩy mạnh Truyền thông, Đào tạo về kinh doanh, khởi nghiệp cho sinh viên, thanh niên...

Phản hồi về đề xuất này, ông Trần Ngọc Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng Bộ Khoa học và Công nghệ bắt đầu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp từ năm 2012.

Năm 2013, Bộ quyết định xây dựng đề án phát triển theo mô hình thung lũng silicon. Đến thời điểm hiện tại, hoạt động của những đề án đó đã đem lại nhiều DN khởi khởi của VN được hình thành. Nhiều DN khởi nghiệp đã kêu gọi vốn được tới vài triệu đô la.

Tháng 5/2016 vừa qua, Thủ tướng đã duyệt đề án hệ sinh thái khởi nghiệp. Đây là một tin vui cho giới trẻ khởi nghiệp trong nước.

Theo ông Tùng, nếu chúng ta chỉ khởi nghiệp một cách bình thường thì đó chỉ là hoạt động đầu tư. Nhưng nếu khởi nghiệp sáng tạo, sản phẩm của chúng ta sẽ gắn liền với tri thức, nghiên cứu…, do vậy sản phẩm đưa ra sẽ có giá trị, năng suất cạnh tranh cao kể cả thị trường trong và ngoài nước.

Đại diện Bộ KHCN cho rằng, hiện có 3 nhóm vấn đề cần tập trung giải quyết.

Thứ nhất, cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thủ tục thành lập doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thứ hai, cần thay đổi mạnh mẽ các cơ chế chính sách về thuế, thuế tncn, đầu tư, chuyển tiền từ vn ra nước ngoài và ngược lại…

Thứ ba, cần tạo ra được hệ sinh thái, trong đó có vấn đề liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực khởi nghiệp, hỗ trợ nhà đầu tư trong và ngoài nước, các quỹ đầu tư mạo hiểm…

“Với những chính sách như vậy, hi vọng thời gian tới, chúng ta sẽ đẩy mạnh được khởi nghiệp sáng tạo và đạt được mục tiêu 1 triệu DN như Thủ tướng Chính phủ đã kỳ vọng”, – ông Tùng nói.

Từ câu chuyện những đứa trẻ tranh nhau một món đồ chơi, ông Zafric Asaf, Trưởng phái đoàn Kinh tế và Thương mại, Đại sứ quán Israel đưa ra lời khuyên, chúng ta cần phải nhìn nhận rằng chúng ta đều có lợi ích trong việc tranh nhau một thứ gì đó, vì vậy, cần phải hợp tác với nhau để cùng phát triển.

Ông Zafric Asaf cũng cho hay, tại đất nước ông, doanh nghiệp khởi nghiệp luôn phân tích các nguyên nhân thất bại, để từ đó có hướng đi mới cho doanh nghiệp mình. Ở Isarel, có một doanh nhân đã trải qua rất nhiều thất bại. Nhưng đến nay công ty của anh đã rất phát triển và sở hữu 15 công ty ở 15 quốc gia khác nhau.

“Một trong những điểm quan trọng nhât đối với DN khởi nghiệp đó là họ ý thức được công việc họ làm chứ đừng ỷ lại vào Chính phủ. Họ xác định phải đi bằng chính đôi chân của mình, để đạt được kết quả mình mong muốn”. – ông Zafric Asaf nói.

k.L

Cùng chuyên mục
XEM