Huawei và chính sách "3 hổ trong một rừng"

17/06/2016 16:09 PM | Kinh doanh

Làm cách nào để 3 con hổ cùng tồn tại trong một khu rừng? Có lẽ Huawei đã đưa ra lời giải độc nhất vô nhị.

Kể từ năm 2011, Huawei thực hiện chính sách CEO luân phiên (Rotating CEO). Theo đó, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc này sẽ luân phiên bổ nhiệm 3 vị Phó chủ tịch vào vị trí Tổng giám đốc của tập đoàn, mỗi người giữ vị trí này 6 tháng lại nhường cho vị kia, rồi lặp lại như vậy giữa 3 người. Khi 1 trong 3 vị nắm giữ chức Rotating CEO thì hai người còn lại vẫn là Phó chủ tịch, theo dõi và chịu trách nhiệm về lĩnh vực mình phụ trách.

Cả ba người này đều nắm giữ các vị trí quan trọng của công ty. Ông Guo Ping phụ trách tài chính, ông Ken Hu nắm nhân sự, và ông Eric Xu lãnh đạo chiến lược kinh doanh.

Người nắm giữ vị trí CEO sẽ chịu trách nhiệm điều hành và quản lý rủi ro của tập đoàn trong nhiệm kỳ, đồng thời chủ trì cuộc họp Ban giám đốc khoảng 17 người. Trong thời gian là CEO, người này vẫn phụ trách mảng mà mình chịu trách nhiệm ở tập đoàn.

Nhiều chuyên gia nhận định, đây là cách để Huawei giữ ba “con hổ” trong cùng một khu rừng - bằng cách cho 3 người giỏi nhất của công ty được luân phiên nắm giữ vị trí điều hành công ty có quy mô 170.000 người. Với cách đó, 3 người sẽ đều được thể hiện mình và có thể được chọn là CEO kế cận của tập đoàn khi người sáng lập Huawei - ông Ren Zhengfei - đã qua tuổi 70.

Trả lời một thắc mắc của đoàn nhà báo Việt Nam hôm 13/6, ông Joe Kelly – Phó chủ tịch phụ trách truyền thông quốc tế của Huawei – cho biết mặc dù vị trí CEO được thay đổi trong thời gian mỗi 6 tháng nhưng định hướng chiến lược của tập đoàn không hề thay đổi mỗi khi có CEO mới. 3 vị CEO này có thể được coi là một Ban CEO, cùng nhau đưa ra các quyết sách quan trọng. Thêm vào đó, còn có một Ban giám đốc 17 người - trong đó có 3 vị CEO và người sáng lập Huawei Ren Zhengfei - để cùng chèo lái Huawei.

Ông Joe Kelly – Phó chủ tịch phụ trách truyền thông quốc tế của Huawei - Ảnh: H.Đ

Ngoài 3 người được gọi là Rotating CEO như trên, còn có một vị nắm giữ vị trí CEO nữa là ông Ren Zhengfei, sinh năm 1944, là người đã sáng lập Huawei kể từ năm 1987. Cả ba người kia đều được gọi là Rotating CEO (CEO luân phiên), nhưng ông Ren Zhengfei được gọi là CEO. Tuy vậy, ông Ren Zhengfei từ lâu đã không tham gia hoạt động điều hành tập đoàn, mà chỉ cố vấn và tham gia các cuộc họp quan trọng.

Về triết lý luân phiên giám đốc điều hành, ông Ren Zhengfei cho hay, theo truyền thống, mỗi công ty đều chỉ có một CEO và số phận công ty đó phụ thuộc vào người CEO. “Lịch sử nhiều lần chứng minh mô hình này tồn tại nhiều rủi ro”, người sáng lập Huawei nói.

Trong một bài phân tích gần đây, trang Managementtoday cho rằng 3 vị CEO luân phiên có thể là các ứng cử viên cho chức CEO của tập đoàn, do đó được cho ngồi thử ghế nóng để từ đó ban lãnh đạo sẽ chọn ra người phù hợp nhất. Tuy được gọi là CEO, nhưng những người này không có quyền bỏ phiếu cao hơn bất kỳ người nào trong Ban giám đốc, nhưng chắn chắn ở vị trí của mình họ sẽ có ảnh hưởng lớn hơn trong các quyết định. Trong khi đó, trang này cho biết, người sáng lập Ren Zhengfei giữ quyền phủ quyết cao hơn người nắm chức CEO luân phiên.

Trong bài phỏng vấn với trang Wall Street Journal năm 2013, một người trong Ban giám đốc Huawei cho biết mặc dù có quyền phủ quyết quyết định của Ban giám đốc, nhưng ông Ren Zhengfei chưa bao giờ dùng quyền này. Ngoài ra, ông không có quyền đề xuất các chính sách cụ thể nào mà chỉ có thể chia sẻ ý kiến đó với những thành viên Ban giám đốc. Kể từ năm 2011, ông Ren Zhengfei đã dành nhiều thời gian của mình để huấn luyện và cố vấn cho những vị CEO luân phiên.

Huawei hiện là tập đoàn sản xuất smartphone đứng thứ 3 trên thế giới. Trong số liệu công ty chia sẻ cho báo chí Việt Nam hồi đầu tuần này tại đại bản doanh của hãng tại Thâm Quyến, đại diện công ty cho biết doanh thu tập đoàn năm 2015 đạt 60,8 tỷ USD (38% doanh thu từ Trung Quốc), tăng 30% so với năm ngoái; đà tăng trưởng 2 con số luôn duy trì trong 10 năm qua.

Huawei hiện tập trung kinh doanh ba mảng chính, gồm hạ tầng mạng viễn thông, các thiết bị và giải pháp công nghệ thông tin cho doanh nghiệp và sản phẩm tiêu dùng (smartphone, tablet, thiết bị đeo…). Mảng kinh doanh hạ tầng mạng vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn của Huawei, tuy nhiên trong năm 2015, mảng tiêu dùng đã đạt doanh thu 20 tỷ USD, chiếm khoảng 1/3 doanh thu tập đoàn.

Mảng kinh doanh tiêu dùng chiếm khoảng 1/3 doanh thu Huawei năm 2015 - Ảnh: H.Đ

Huawei hiện là công ty sở hữu tư nhân, với gần 99% cổ phần thuộc về nhân viên tập đoàn và hơn 1% thuộc về người sáng lập Ren Zhengfei. Tập đoàn thành lập năm 1987 này hiện có 16 trung tâm R&D trên toàn cầu, sử dụng khoảng 37 tỷ USD trong vòng 10 năm qua cho công tác nghiên cứu và phát triển. Hiện có khoảng 45% trong tổng số 170.000 nhân viên của Huawei làm ở mảng R&D, khá ít trong số còn lại tham gia sản xuất.

Cùng chuyên mục
XEM