Hơn 66.000 tỷ đồng khép kín 3 tuyến vành đai Hà Nội

15/08/2017 15:51 PM | Xã hội

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép được áp dụng cơ chế đặc thù để lựa chọn nhà đầu tư khép kín các tuyến đường vành đai 2,5; 3,5 và 4 với tổng mức đầu tư hơn 66.000 tỷ đồng.

Một số dự án giao thông cấp thiết được UBND TP Hà Nội xin cơ chế đặc thù như đầu tư cầu, đường trên tuyến vành đai 4 (Cầu Mễ Sở, cầu Hồng Hà); cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh; cầu Giang Biên và đường nối 2 đầu cầu (nối cầu Vĩnh Tuy, vành đai 2 đến tiếp giáp Ninh Hiệp)...

Cần cơ chế đặc thù

Dự án vành đai 2,5 gồm các đoạn từ cuối phố Trung Kính - đường Trần Duy Hưng với chiều dài 0,57km, tổng vốn đầu tư khoảng 1.152 tỷ đồng. Đoạn Ngụy Như Kom Tum - Nguyễn Trãi - Đầm Hồng có chiều dài 2,53km, tổng vốn đầu tư khoảng 2.601 tỷ đồng. Đoạn từ khu đô thị mới Dịch Vọng - Dương Đình Nghệ dài 0,72km có tổng vốn đầu tư lên tới 928 tỷ đồng. Các dự án giao thông đường vành đai 2,5 được thực hiện theo hình thức PPP (hợp tác công - tư), hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) và dự kiến thời gian hoàn thành vào năm 2019.

Theo UBND TP Hà Nội, các dự án trên nếu được đầu tư sẽ hoàn thiện, khép kín đường vành đai 2,5, đảm bảo kết nối đồng bộ các tuyến đường giữa các khu đô thị lớn đã và đang xây dựng hai bên đường, góp phần giảm ùn tắc cục bộ và phát triển kinh tế xã hội khu vực, kết nối các tuyến đường hướng tâm, phân bổ lưu lượng và giảm tải áp lực giao thông cho vành đai 2 và vành đai 3.

Với dự án đường vành đai 3,5, Hà Nội đề xuất xây dựng cầu Thượng Cát (bao gồm đường hai đầu cầu) với chiều dài 4,5km, tổng vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT/BOT, hoàn thành vào năm 2021; Dự án xây dựng đoạn từ cầu Thượng Cát - QL5 kéo dài với quy mô đầu tư 4km cần số tiền khoảng 1.600 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2020; Dự án xây dựng đoạn từ cầu Thượng Cát - Quốc lộ 32 dài 3km, tổng vốn đầu tư khoảng 1.594 tỷ đồng, đưa vào khai thác năm 2020; Dự án xây dựng nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long bao gồm cầu vượt và đảo xoay (3 tầng) cần tới 2.555 tỷ đồng đầu tư và hoàn thành năm 2020; Dự án xây dựng đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 10,8km có tổng vốn đầu tư khoảng 4.200 tỷ đồng.

UBND TP Hà Nội đề xuất cơ chế đặc thù nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch, kết nối với các tuyến đã và đang được đầu tư xây dựng, hỗ trợ và phát huy hiệu quả đầu tư như đường 5 kéo dài, tuyến Nhật Tân - Nội Bài, vành đai 3 Mai Dịch - Nội Bài - cầu Thượng Cát... Hệ thống giao thông mới sẽ hỗ trợ và giảm tải cho cầu Thăng Long; tạo hạ tầng cần thiết để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Bắc Thăng Long - Đông Anh và quận Bắc Từ Liêm.

Nhiều nhà đầu tư quan tâm

Đối với đường vành đai 4, Hà Nội tính toán đầu tư xây dựng dự án cầu Mễ Sở và đường dẫn 2 đầu cầu dài 4km, tổng vốn đầu tư khoảng 6.500 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành năm 2020; Dự án xây dựng cầu Hồng Hà và đường dẫn 2 đầu cầu dài 6km, vốn đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng; Dự án giao thông từ cao tốc Hà Nội - Lào Cai (km3+650) đến QL32 (km9+500), từ QL 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có quy mô đầu tư 34km, 4 nút giao khác mức liên thông cần khoảng 19.690 tỷ đồng.

Theo UBND TP Hà Nội, dự án nếu được đầu tư sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa áp lực cho đường vành đai 3 và kết nối tới QL 32, cùng với các đoạn thuộc đường vành đai 4 phía Tây Nam đang xúc tiến đầu tư để kết nối tới QL 6, đường Pháp Vân-Cầu Giẽ (QL 1A), kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, QL 5... tạo động lực để từng bước hình thành đường vành đai 4 theo quy hoạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Tây Nam Hà Nội và vùng phụ cận. Được biết, với các dự án thuộc đường vành đai 4, Hà Nội cũng đưa ra lộ trình thực hiện, đưa vào khai thác năm 2020.

Đề cập đến khả năng hút vốn vào các dự án giao thông trên, TP Hà Nội dự kiến thu xếp nguồn vốn bằng cách khai thác quỹ đất tại một số khu vực đã có chủ trương thực hiện đấu giá trên địa bàn các quận Cầu Giấy; Tây Hồ, huyện Đông Anh, Gia Lâm… hay các địa bàn lân cận nơi có dự án đi qua. Ngoài ra, đã có nhiều nhà đầu tư trong nước đủ năng lực quan tâm và đề xuất cho phép triển khai thực hiện các dự án nêu trên theo hình thức PPP, BT hoặc BOT. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo đủ quỹ đất thanh toán cho các dự án đầu tư theo hình thức BT.

Theo Ngân Tuyền

Cùng chuyên mục
XEM