Hơn 4 triệu người chết vì ô nhiễm không khí mỗi năm: Mối đe dọa không của riêng ai
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gọi ô nhiễm không khí là thứ "thuốc lá mới" đang reo rắc sự tàn phá khủng khiếp cho cả nhân loại và Việt Nam hoàn toàn không được "miễn dịch".
Những con số đáng báo động
Từ Bắc Kinh đến Berlin, New Delhi đến London hay New York, ô nhiễm mô trường đang ở mức báo động đỏ và cải thiện chất lượng không khí trở thành vấn đề sống còn. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có 4,2 triệu người chết vì ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Kéo theo đó là hàng tỷ USD chi phí dịch vụ và chăm sóc y tế, lãng phí nguồn nhân lực việc làm và khiến bệnh tật lan rộng, đặc biệt là ở trẻ em và người già.
Ô nhiễm không khí là vấn nạn toàn cầu chứ không còn là vấn đề của mỗi quốc gia dù nó có vẻ nghiêm trọng hơn ở thành phố của các nước đang phát triển. Các nhà khoa học ngày càng nhận thấy mối tương đồng của cuộc chiến chống ô nhiễm không khí với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Liên Hợp Quốc ví chúng như hai mặt của một đồng tiền, không thể tách rời. Còn WHO gọi ô nhiễm không khí là thứ "thuốc lá mới" đang đe dọa cả nhân loại.
Hơn 90% dân số toàn cầu đang sống ở những nơi mà chất lượng không khí tệ hơn khuyến cáo của WHO. Điều đó có nghĩa hầu hết nhân loại đang bị phơi nhiễm quá mức với các hạt cực nhỏ sinh ra từ khí thải các phương tiện giao thông, nhà máy hay các nhà máy điện. Chúng là nguyên nhân dẫn đến các bệnh về tim mạch, hô hấp và ung thư.
Ở các nước đang phát triển, công nghiệp hóa nhanh chóng đã thực hiện được mục tiêu giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi nghèo đói. Tuy nhiên, cái giá phải trả là chất lượng không khí và môi trường sống. Năm 2013, làn sóng phản đối công khai hiếm hoi trên mạng xã hội Trung Quốc đã thúc đẩy nhà chức trách thắt chặt các quy định về môi trường, thay thế xe chạy nhiên liệu hóa thạch bằng xe điện, đóng cửa một số nhà máy nhiệt điện chạy than và buộc hàng triệu gia đình thay thế bếp than bằng khí đốt tự nhiên.
Dẫu vậy, số liệu điều tra năm 2018 cho thấy, ô nhiễm môi trường vẫn giết chết khoảng 1,1 triệu người Trung Quốc mỗi năm và gây thiệt hại cho nền kinh tế này 37 tỷ USD. Trên quy mô toàn cầu, ô nhiễm không khí đã trở thành kẻ sát nhân tồi tệ nhất kể từ Cách mạng Công nghiệp.
Tại Việt Nam, việc chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM liên tục bị xếp trong nhóm cao nhất thế giới đã dấy nên mối e ngại lớn cho người dân. Dù cho mức độ tin cậy của AirVisual cũng như các ứng dụng quan trắc không khí khác còn phải được kiểm chứng nhưng tình trạng không khí mịt mù có thể quan sát bằng mắt thường không thể khiến người dân yên tâm. "Ô nhiễm không khí" đang trở thành từ khóa có lượng tìm kiếm trên Google tăng đột biến những ngày qua.
Trước tình trạng này, Chính quyền thành phố Hà Nội đã chỉ ra 12 nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm không khí, trong đó khí xả thải từ phương tiện giao thông là nguyên nhân được liệt kê hàng đầu.
Bà Holly Lindquist Thomas, Trưởng phòng Môi trường, Khoa học, Công nghệ và Y tế, Đại sứ quán Mỹ, cũng nhận định: "Dữ liệu thu được cho thấy nồng độ bụi PM2.5 cao nhất vào sau giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều ở Hà Nội, do đó tôi ước đoán nguyên nhân lớn nhất gây ô nhiễm chính là khí thải từ giao thông".
Giao thông "xanh" trở thành xu hướng toàn cầu
Theo nguồn tin từ Cảnh sát Giao thông Hà Nội, tính đến quý I/2019, Hà Nội đang quản lý 6.649.596 phương tiện, trong đó có 739.731 ôtô, 5.761.436 xe máy và 148.429 xe điện. Tốc độ gia tăng phương tiện liên tục duy trì ở mức cao trong 5 năm qua. Thống kê năm 2018 cho thấy mỗi tháng Hà Nội có 27.000 phương tiện mới, trong đó có 22.000 xe máy. Trung bình một năm, có 3 triệu xe máy mới được bán ra thị trường Việt Nam.
Khói thải từ các phương tiện giao thông không phải vấn đề mới mẻ với Hà Nội, TP.HCM, nhưng giải pháp để khắc phục triệt để tình trạng này vẫn còn bỏ ngỏ. Đề xuất cấm xe máy vấp phải nhiều ý kiến phản đối bởi đây là phương tiện đi lại chính của phần lớn người dân Việt Nam, gắn liền với cuộc sống mưu sinh của rất nhiều người. Do đó, theo các chuyên gia, phương án khả dĩ nhất trong thời điểm này là nâng cao nhận thức để người dân sử dụng các phương tiện không xả thải.
TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: "Hiện nay, số lượng xe máy tại Việt Nam nhiều thứ 4 thế giới. Giao thông công cộng chưa phát triển, việc sử dụng xăng sinh học còn gặp nhiều khó khăn nên xe điện sẽ là một giải pháp thay thế khả dĩ nhất".
Trung Quốc, đất nước từng là điển hình của ô nhiễm, đã gặt hái được thành công trong việc ngăn chặn tình trạng thảm họa ở giữa thủ đô Bắc Kinh. Bắc Kinh thắt chặt tiêu chuẩn xả thải, chất lượng nhiên liệu cũng như kiên quyết loại bỏ phương tiện đời cũ gây ô nhiễm. Chính quyền thành phố kêu gọi người dân chuyển từ sử dụng phương tiện chạy xăng dầu sang các nguồn năng lượng mới. Xe điện trở thành một ưu tiên trong trọng tâm phát triển của Trung Quốc với hàng loạt chính sách hỗ trợ từ chính phủ.
Tại Việt Nam, thị trường xe máy điện cũng đang phát triển với sự góp mặt của cả thương hiệu nội địa như Vinfast, Pega hay các tên tuổi toàn cầu như Honda, Piaggio và Yamaha. Tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện vẫn còn chậm, phần lớn diễn ra ở các thành phố lớn. Trước tình hình ô nhiễm không khí diễn ra thường xuyên như hiện nay, xe điện là giải pháp để bầu không khí dễ thở hơn ở các thành phố lớn dù có thể, chúng chưa phải là giải pháp hoàn hảo cho môi trường nói chung.
Khẩu trang, máy lọc không khí chỉ có thể xem là giải pháp tạm thời, không phải giải pháp triệt để của vấn đề ô nhiễm không khí và tác động đến sức khỏe của người dân.
Hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân để sử dụng phương tiện công cộng, thay thế phương tiện truyền thống bằng các phương tiện thân thiện với môi trường là cách mà mỗi người đều có thể làm ngay lúc này để bầu không khí dễ thở hơn. Hãy tự tìm cách bảo vệ mình và gia đình trước khi trông chờ một giải pháp hoàn hảo từ chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ khác.