Hơn 20.000 iPhone bị đánh cắp trong vụ bạo loạn tại Ấn Độ

15/12/2020 17:00 PM | Xã hội

Giới chức Ấn Độ vẫn đang tiếp tục điều tra nguyên nhân dẫn đến vụ bạo loạn tại nhà máy sản xuất iPhone của Wistron.

Vào tối ngày 11/12 theo giờ địa phương, nhà máy sản xuất iPhone của Wistron ở Karnataka, Ấn Độ, một công ty công nghệ Đài Loan và là một trong những xưởng sản xuất iPhone chính của Apple, đã nổ ra một cuộc bạo loạn mà nguyên nhân được cho là liên quan đến vấn đề lương thưởng của công nhân.

Sau khi vụ việc xảy ra, cảnh sát đã khẩn trương tới hiện trường để duy trì trật tự, tổng cộng 132 người đã bị bắt, theo thống kê, Wistron bị mất 4,37 tỷ rupee (khoảng 1,4 ngàn tỷ đồng) và hơn 20.000 sản phẩm iPhone bị đánh cắp. Hiện chưa có báo cáo về thương vong.

Wistron: Dây chuyền sản xuất không bị hư hỏng, hạn chế ảnh hưởng đến năng lực sản xuất

Điều này được hiểu rằng nhà máy Wistron chịu trách nhiệm chính trong việc sản xuất điện thoại di động iPhone SE series, các sản phẩm IoT và một số thiết bị y tế. Theo báo cáo, dây chuyền sản xuất iPhone của Wistron ở Ấn Độ cũng đã nhận một phần đơn đặt hàng sản xuất iPhone 12 mini trong nửa cuối năm nay.

Thông tin từ Wistron Đài Loan cho biết, chỉ một số văn phòng bị đập phá, còn dây chuyền sản xuất chính và nhà kho không bị hư hại. Ngoài ra, các nhà máy khác ở Ấn Độ và Côn Sơn, Trung Quốc có thể đáp ứng được năng lực sản xuất iPhone. Do đó, cuộc bạo động đã ảnh hưởng hạn chế đến hoạt động kinh doanh xưởng sản xuất điện thoại di động của Wistron.

Tuy nhiên, theo một số nguồn tin khác, nhà máy Wistron đã bị ảnh hưởng bởi bạo loạn và dây chuyền sản xuất vẫn chưa thể hoạt động trở lại. Ngoài nhà máy Nalsapur, Wistron còn có hai nhà máy khác ở Ấn Độ sản xuất điện thoại di động.

Wistron không nợ lương và không chịu trách nhiệm cho vụ việc?

Về vấn đề tiền lương của nhân viên, đã có một số khác biệt giữa báo cáo của truyền thông Ấn Độ và phát ngôn từ Wistron. Báo chí Ấn Độ dẫn các nguồn tin khẳng định, nguyên nhân bạo loạn là do công nhân bị trừ lương và chậm trả lương. Tuy nhiên, Wistron nhấn mạnh rằng, công ty cam kết tuân thủ và thực hiện tất cả các luật và quy định lao động địa phương, đồng thời sẽ hỗ trợ và hợp tác đầy đủ với các cơ quan chức năng trong các cuộc điều tra.

Giám đốc Sở Công nghiệp Karnataka, Shetar cho biết, thông tin chính thức mà họ có được là Wistron đã thanh toán tiền lương cho công ty dịch vụ lao động, và công ty dịch vụ lao động chậm trả lương cho công nhân. Có điều, ngay cả khi công ty dịch vụ lao động có chậm trả lương, nhưng tiền lương thực tế không khớp với mức lương đã thỏa thuận. Căn cứ vào thông tin hiện có thì trách nhiệm vẫn là của Wistron, và Wistron chưa đưa ra thông báo cụ thể về vấn đề cắt giảm lương của công nhân.

Wistron hiện có 1.200 nhân viên chính thức trong nhà máy, ngoài ra Wistron đã ký hợp đồng với 6 công ty dịch vụ lao động và thuê khoảng 8.900 người cho việc sản xuất iPhone, cuộc tranh chấp lao động đã kéo dài khoảng 3 tháng.

Tất nhiên, cũng có một số nhận định cho rằng, bạo loạn ở Wistron không loại trừ “sự cấu kết bên trong và bên ngoài” từ các công ty dịch vụ lao động, hoặc các giám đốc điều hành người Ấn Độ của Wistron, những người cố gắng thu lợi bất hợp pháp và cố tình kích động nhân viên cơ sở làm bạo loạn. Vì vậy, chân tướng sự việc có lẽ vẫn cần được điều tra thêm.

Sau vụ việc, để đối phó với bạo loạn ở nhà máy Wistron của Ấn Độ, Bộ Công nghiệp Karnataka của Ấn Độ hứa sẽ cung cấp các biện pháp bảo vệ cần thiết cho các công ty nước ngoài để ngăn chặn bạo lực tái diễn.

Hệ lụy của cuộc bạo loạn, các nhà đầu tư sẽ dè chừng

Cách đây không lâu, các quan chức Ấn Độ từng cao giọng nói rằng, Apple đã thâm nhập vào Ấn Độ với quy mô lớn và “9 nhà cung cấp đã chuyển từ Trung Quốc sang Ấn Độ”. "9 nhà cung cấp" này thực sự ám chỉ 8 xưởng sản xuất iPhone và một nhà máy sản xuất linh kiện, bao gồm Foxconn, Pegatron và Wistron.

Wistron bắt đầu xây dựng nhà máy tại Ấn Độ vào năm 2015. Có thể coi là đã hoạt động thường xuyên tại thị trường Ấn Độ trong nhiều năm, nhưng ngày nay hãng vẫn phải đối mặt với vấn đề bị đám đông “đập phá, cướp bóc”.

Đánh giá từ mức lương của công nhân bị phơi bày trong vụ việc, lương của công nhân Ấn Độ có lợi thế nhất định về chi phí so với công nhân Trung Quốc, hay thậm chí là cả ở Việt Nam. Nhưng điều đáng suy nghĩ là liệu những lợi thế đó có bị biến mất bởi những sự kiện không chắc chắn như bạo loạn, hay thậm chí mang lại nhiều tổn thất hơn hay không. Đồng thời, hệ thống chuỗi cung ứng không hoàn hảo ở Ấn Độ và sự thiếu hiểu biết về các quy định của các công ty lao động, là những căn bệnh khó chữa ở đáy của ngành sản xuất.

Cũng cần lưu ý rằng, nếu cuộc bạo động không phải do nhân viên tự phát mà là tội phạm có tổ chức và được dàn xếp từ bên ngoài, thì đây sẽ là đòn giáng nặng nề không chỉ đối với Wistron mà còn đối với tất cả các công ty sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài ở Ấn Độ.

Điệp Lưu

Cùng chuyên mục
XEM