Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao tự thành lập sàn thương mại điện tử riêng, là nơi các DN thành viên bán online, tuyên bố tuyệt đối không bán hàng giả

21/01/2021 20:00 PM | Kinh doanh

Ngoài việc giúp các thành viên của Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao có thêm sân chơi để thi thố ‘tài năng’, trang thương mại điện tử này còn là nơi để các thành viên trong Hội luyện tập khả năng bán hàng online cũng như giúp Hội phát hiện những hội viên chưa làm tốt, nhằm có phương án đào tạo kịp thời.

Sàn TMĐT của Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao
Sàn TMĐT của Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao

Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội Hàng VNCLC) vừa phối hợp cùng Liên minh chuyển đổi số DTS chính thức ra mắt sàn thương mại điện tử dành riêng cho các thành viên trong Hội. Theo Hội, đây là hành động nhằm thực hiện giai đoạn 2 của dự án Go Online với một sàn thương mại điện tử dành cho cộng đồng doanh nghiệp HVNCLC. Sàn thương mại điện tử HVNCLC sẽ là nền tảng dành cho tất cả các doanh nghiệp của Hội đạt chứng nhận HVNCLC và là nơi giúp doanh nghiệp xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu.

Sàn sẽ hoạt động thường xuyên trong năm, cùng với các phiên theo chủ đề hàng tháng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp quảng bá và bán hàng. Do ra mắt gần dịp Tết Nguyên Đán, nên phiên chợ đầu tiên của sàn sẽ có tên là "Chợ Tết hàng Việt Nam chất lượng cao", diễn ra từ ngày 23/1 – 05/2/2021. Năm 2021, sàn sẽ có khoảng 12 chương trình và nhiều hot deal trong tuần.

Hiện Hội Hàng VNCLC có khoảng hơn 600 doanh nghiệp, dự đoán ban đầu sẽ có khoảng 40% đến 60% số doanh nghiệp trong đó tham gia sân chơi này, với traffic ban đầu kỳ vọng khoảng 500.000 lượt. Các doanh nghiệp trong Hội có thể tham gia sàn TMĐT dành riêng cho mình theo 3 cách: bán hàng, quảng bá thương hiệu và hỗ trợ truyền thông.

Sàn sẽ đi theo thị trường ngách và bán những mặt hàng mà nhiều sàn lớn khác như Tiki, Shopee hay Lazada chưa làm được hoặc chưa quan tâm

Nếu phải so sánh, sàn của Hội Hàng VNCLC có hai thứ khác biệt rõ ràng so với các sàn TMĐT phổ biến khác: chất lượng được đảm bảo và đi vào thị trường ngách – bán những sản phẩm mà các sàn khác không có.

Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao tự thành lập sàn thương mại điện tử riêng, là nơi các DN thành viên bán online, tuyên bố tuyệt đối không bán hàng giả - Ảnh 1.
Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao tự thành lập sàn thương mại điện tử riêng, là nơi các DN thành viên bán online, tuyên bố tuyệt đối không bán hàng giả - Ảnh 2.

Các sàn phẩm đặc sản như thế này sẽ là thế mạnh cạnh tranh của sàn TMĐT Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao.

"Do sàn này chỉ phục vụ thành viên của Hội Hàng VNCLC nên chắc chắn không có hàng giả - hàng nhái. Hơn nữa, Ban quản lý sàn và chủ các gian hàng trên sàn biết nhau quá rõ, nên chuyện kiểm soát chất lượng của chúng tôi sẽ không quá phức tạp như các ‘đàn anh’ đi trước.

Ngoài những hàng tiêu dùng thông thường, trên sàn này còn bán nhiều loại sản phẩm độc đáo – đặc biệt là ở mảng thực phẩm (nông sản - đặc sản) và thủ công mỹ nghệ, mà ngoài thị trường không có do các đầu nậu cảm thấy buôn bán ít lời và các sàn TMĐT lớn chưa có cơ chế ưu tiên cho chúng.

Hiện thị trường ngách trong ngành TMĐT rất được quan tâm, khi nói đến đồ điện tử người ta sẽ nghĩ ngay đến sàn của Thế Giới Di Động hoặc đồ điện máy sẽ là Bách Hóa Xanh… chứ sẽ không ai nhớ đến Shopee hay Lazada đầu tiên. Nếu chúng ta có những chương trình đặc sắc sẽ định hướng hành vi và đến một ngày nào đó, khi nghĩ đến mua hàng Việt Nam chất lượng cao người tiêu dùng sẽ nghĩ ngay đến sàn của Hội.

Tất nhiên, khi tổ chức các chủ đề bán hàng trên sàn, chúng ta nên né những ngày ‘siêu sale’ hoặc còn gọi là Double Day như 7/7, 8/8, 111/11…", ông Trương Gia Bảo - Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số DTS, phân tích.

Cũng giống như nhiều sàn TMĐT khác, sàn của Hội sẽ không có kho tập trung mà sẽ chuyển từ kho của các doanh nghiệp đến tay người dùng, thông qua các hãng vận tải phổ biến trên thị trường như Giao Hàng Nhanh, Viettel Post, Giao Hàng Tiết Kiệm…

"Về phần thanh toán, bản thân chúng tôi muốn sàn chỉ nhận thanh toán không tiền mặt như ở các sàn khác tại những thị trường TMĐT ở các nước phát triển, nhưng thực tế thị trường Việt Nam không cho phép làm điều đó. Hiện tại, sau 10 năm Chính phủ liên tục khuyến khích không xài tiền mặt khi mua hàng online, hiện có 93% người Việt vẫn muốn 1 tay nhận hàng – 1 tay trao tiền.

Vậy nên, ở trên sàn của Hội, chúng tôi tích hợp cả hai dịch vụ là thu tiền trực tiếp và thu tiền online, cộng với hợp đồng để đối tác lựa chọn có dùng hay không", ông Huỳnh Quang Hiền - Giám đốc Vận hành Trung tâm BSA, cho biết thêm.

Trong tương lai, sàn sẽ linh hoạt việc thu tiền mặt hay không tiền mặt, rồi kho phân tán hay tập trung tùy theo chương trình và ngành hàng đang chạy nổi bật trên sàn. Nếu có các đợt tập trung bán đặc sản hoặc nông sản với sự tham gia của các doanh nghiệp nông nghiệp, sàn có thể dùng 1 kho tập trung để tập kết hàng đồng thời thu tiền trước.

Sàn TMĐT sẽ là nơi để các doanh nghiệp trong Hội tập luyện việc bán hàng online

"Trong quá trình phối hợp cùng Hội đào tạo các lớp học online lẫn online về bán hàng qua mạng, chúng tôi nhận thấy rằng, các thành viên gặp rất nhiều khó khăn vì phải ‘bơi’ trong các quy chế phức tạp mà những Tiki hay Shopee đề ra.

Sự ra đời của sàn này như là một môi trường tốt để các doanh nghiệp trải nghiệm việc bán hàng online, bởi nó đã được trung hòa các quy chế cũng như hoạt động theo cách đơn giản hơn. Chúng tôi có thể đào tạo trực tiếp việc bán hàng qua mạng cho các doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn thông qua việc thực hành trên sàn.

Với sàn TMĐT của Hội, chúng tôi đã có thêm một khái niệm mới: thiết kế trang TMĐT theo yêu cầu, với những sản phẩm và dịch vụ riêng biệt phù hợp với lượng doanh nghiệp trải dài khắp cả nước, hoạt động trong rất nhiều ngành nghề cùng quy mô công ty có to – vừa – nhỏ; là dự án dài hơi giúp các thành viên chuyển đổi số", ông Trương Gia Bảo, chia sẻ cụ thể.

Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao tự thành lập sàn thương mại điện tử riêng, là nơi các DN thành viên bán online, tuyên bố tuyệt đối không bán hàng giả - Ảnh 3.

Ông Trương Gia Bảo - Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số DTS

Kinh doanh số hay chuyển đổi số việc bán hàng không phải là điều dễ dàng, ví dụ việc hình ảnh hóa các sản phẩm trên cửa hàng online làm sao cho đúng quy các không đơn giản. Đây là một quá trình học tập liên tục chứ không phải một sớm một chiều có thể giỏi. Với sự xuất hiện của sàn TMĐT này cùng DTS, các thành viên trong Hội vừa được hỗ trợ ngay lập tức – liên tục về lý thuyết trong việc xây dựng một gian hàng online hay làm digital marketing như thế nào mới hiệu quả, vừa có nơi thực hành tất cả những gì được dạy.

Ngoài ra, nếu các sàn khác có phần chấm điểm nhằm có các chế tài thích đáng với các đối tác bán hàng - như phạt những chủ cửa hàng online có điểm thấp; thì phần chấm điểm của người mua bên sàn của Hội để phục vụ mục tiêu phát hiện ra những doanh nghiệp chưa làm tốt, nhằm có phương án hỗ trợ đào tạo kịp thời.

Sau khi đóng phí 3 triệu/tháng, ngoài được mở gian hàng và bán hàng trên sàn, các doanh nghiệp còn được tham gia tất cả các chương trình đào tạo cũng như quảng bá sản phẩm – khuyến mại trên sàn.

"Hiện tại, mỗi sàn TMĐT lớn đang hoạt động tại Việt Nam có khoảng 200.000 đơn hàng mỗi ngày, nhưng khi hoạt động trên đó, doanh nghiệp phải trả nhiều loại phí khác nhau để được tham gia các chương trình kích cầu hoặc marketing, đồng thời phải đấu với hàng chục ngàn đối thủ khác bán sản phẩm giống mình. Thời gian sắp tới, VECOM sẽ hỗ trợ sàn của Hội bằng cách quảng bá ở các sự kiện có mặt VECOM, nhằm kéo traffic về cho sàn.

Còn về vấn đề ‘bom hàng’, các doanh nghiệp trong Hội đừng lo quá, đó chỉ là những trường hợp đặc biệt thỉnh thoảng xảy ra, khi gặp khách hàng thiếu ý thức thích làm những chuyện ‘khùng điên’ muốn nổi tiếng hoặc những món hàng có tính chất đu trend của vài bạn tuổi teen, các đối thủ trên mạng xã hội.

Muốn hạn chế việc bị ‘bom hàng’, doanh nghiệp hãy chịu khó xác thực nhiều lớp hay khuyến khích khách hàng thanh toán online – bởi qua ví điện tử hoặc tài khoản ngân hàng, chúng ta có thể lọc ra những data tốt. Hơn nữa, rủi ro ‘bom hàng’ mới chỉ chiếm tỷ lệ 2% giao dịch trên các sàn TMĐT đi trước, nên chúng ta không cần phải sợ.

Trước đây, nhiều doanh nghiệp truyền thống thường ngại ngùng khi go online, vì nghĩ ‘ai sẽ mua hàng của mình’, nhưng nay qua 1 năm Covid-19, thị trường đã được đào tạo tốt, mua hàng online đã trở thành 1 phần tất yếu trong cuộc sống của nhiều người. Nếu chúng ta không lên online sẽ rất thiệt thòi!", ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch VECOM cổ vũ.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM