Hồi chuông báo động trong ngành tài chính Trung Quốc: Các nền tảng cho vay P2P liên tiếp sụp đổ, huỷ hoại cuộc sống của hàng nghìn người
Hình thức cho vay ngang hàng trở nên phổ biến tại Trung Quốc, thu hút hàng nghìn người kéo đến gửi tiền với hy vọng sẽ đổi đời. Nhưng đến cuối cùng, mọi việc lại không như họ mong đợi, thậm chí còn tệ hơn.
"Con quá nhỏ bé để có thể chống lại họ," một người phụ nữ 31 tuổi sống tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc viết trong một lời nhắn gửi đến cha mẹ cô vào hồi đầu tháng 9, sau khi cô mất đến gần 40.000 USD sau khi một công ty cho vay ngang hàng (P2P) phá sản. "Công ty P2P được nhà nước hỗ trợ giờ đã bỏ trốn, các cổ đông không chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra, các nhà đầu tư cũng đều gục ngã. Con quá mệt mỏi và không còn một chút hy vọng." Người phụ nữ đã treo cổ tự tử. Cái chết cùng bức thư tuyệt mệnh của cô trở thành chủ đề được nhiều người bàn tán trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
Hàng trăm người khác tự nhận mình là nạn nhân của công ty này, PPMiao, đã đến Thượng Hải để phản đối, sau đó đã bị cảnh sát và các nhân viên bảo vệ ngăn chặn bên ngoài Trung tâm Tài chính Quốc tế, là nơi có liên hệ với công ty cho vay trên. "Chúng tôi đã mất mọi thứ, và tôi phải đóng tiền học cho con trai tôi vào tháng tới", một người đàn ông bị thiệt hại 23.000 USD nói trước khi bị áp giải lên xe cảnh sát và đưa về nhà. Trước đó họ đến Hàng Châu nhưng bị cảnh sát ngăn chặn và cho biết vụ việc đang trong quá trình điều tra và yêu cầu họ phải chờ. Sau đó, họ đến Thượng Hải, tại văn phòng của HuaAn Future Asset, công ty được cho là "chống lưng" của PPMiao.
Khoảng 4000 người đã mất khoảng 117 triệu USD sau sự sụp đổ của PPMiao, và rất nhiều người trong số họ đã kéo đến những thành phố lớn của Trung Quốc để tìm kiếm khoản tiền bị mất. Hơn 400 nền tảng cho vay P2P đã sụp đổ trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8, theo Yingcan Group - một công ty nghiên cứu tại Thượng Hải.
Vẫn còn khoảng 1800 nền tảng như vậy nhưng ngân hàng đầu tư China International Capital Corp. dự đoán con số sẽ giảm xuống chỉ còn 200 sau đợt sụp đổ liên tiếp của những công ty cho vay P2P. Zennon Kapron, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Kapronasia, cho hay: "Chúng ta chỉ mới ở những bước đầu của quá trình giải quyết sự lộn xộn trong ngành công nghiệp P2P."
Các hoạt động cho vay ngang hàng ở Mỹ, được thực hiện bởi các công ty Prosper Marketplace và LendingClub, chỉ đơn thuần là một giọt nước trong cả "đại dương" đầu tư của Mỹ. Còn ở Trung Quốc, hoạt động này đã thu hút 50 triệu người gửi - cao hơn số dân cư của New York và Texas cộng lại - những người tìm kiếm các mức lợi suất từ 10% trở lên, để có thể nhận lại gấp đôi số tiền đã gửi vào ngân hàng. Tổng số tiền đầu tư đã tăng kỷ lục lên mức 200 tỷ USD vào tháng 6.
Chính phủ nước này đang tìm cách tăng cường kiểm soát ngành công nghiệp này, là một phần của một tập hợp gồm rất nhiều các công ty tài chính không thuộc các ngân hàng truyền thống, được gọi là ngân hàng "ngầm" (shadow bank). Đầu tháng 6 vừa rồi, cơ quan điều tiết các hoạt động ngân hàng đã cảnh báo những người gửi sử dụng các trang web P2P nên chuẩn bị tinh thần bởi họ sẽ mất toàn bộ số tiền đã đầu tư.
Hình thức cho vay trực tuyến trở nên phổ biến ở Trung Quốc sau đợt thắt chặt tín dụng ngân hàng vào năm 2010. Năm 2012, tổng số tiền cho vay là khoảng dưới 1 tỷ USD. Sau đó, không hề khó để thấy một cặp đôi trẻ đang tìm kiếm các cách thức để đầu tư cho đám cưới của họ: đi vay tiền qua nền tảng P2P để sắm sửa những đồ cần thiết cho đám cưới, hưởng tuần trăng mật, sau đó sẽ trả lại số tiền bằng tiền mừng cưới. Còn các doanh nghiệp nhỏ tìm đến các khoản vay để trang bị máy móc mới, họ cam kết sẽ trả lại khi năng suất tăng.
Hiện tại, các trang web P2P cung cấp cho các nhà đầu tư hoá đơn thương mại, hoặc "chấp thuận của ngân hàng", giống như những trái phiếu ngắn hạn do các ngân hàng nhỏ phát hành. Hoá đơn này, được các công ty phát hành và được đảm bảo bởi các ngân hàng thương mại, thường là một phần của các giao dịch kinh doanh.
Hóa đơn có thể được bán lại cho tổ chức tài chính hoặc NHTW trước khi đáo hạn. Ở một vài trường hợp liên quan đến các nền tảng P2P bị cáo buộc gian lận, các nhà đầu tư đã tuyên bố rằng các hoá đơn cơ bản không hề tồn tại và tiền không hề đi đến nơi đã dự định. Kapron cho biết: "Những rủi ro trên các nền tảng này không được truyền đạt đầy đủ tới các nhà đầu tư."
Đây là trường hợp của Quark Finance, đã phá sản vào ngày 25/8. Cảnh sát Thượng Hải cho biết người sáng lập nền tảng này đã tự thú và thừa nhận rằng ông đã sử dụng hết số tiền gửi bất hợp pháp. Công ty có khoản nợ 556 triệu USD chưa được thanh toán tính đến tháng 7, trong khi các giao dịch tích luỹ trên nền tảng này là 2,3 tỷ USD. Theo một thông báo trên trang web, công ty này cho biết họ đã hợp tác điều tra với cảnh sát. Cảnh sát cũng đã kêu gọi các nạn nhân của công ty này hợp tác để tránh việc biểu tình phản đối.
Cũng như PPMiao, họ đã thay đổi địa chỉ pháp lý từ Hàng Châu sang Nam Ninh. Vào ngày 6 tháng 8, họ đã dừng việc trả tiền cho các nhà đầu tư và thông báo rằng cũng dừng việc vận hành trang web. Họ cho biết đang có kế hoạch trả nợ cho các nhà đầu tư trong năm tới.
PPMiao cho hay: "Chúng tôi đã cố gắng hết sức để đạt được kết quả tốt nhất. Chúng tôi hứa sẽ không chạy trốn, chúng tôi sẽ không biến mất, chúng tôi sẽ lấy lại số tiền của mình để trả lại tất cả các nhà đầu tư." Một số nhà đầu tư nắm giữ khoản nợ 1500 USD hiện vẫn chưa được hoàn trả. Tuy nhiên, Bloomberg đã thực hiện các cuộc gọi đến những số điện thoại được đưa trên trang web lại không nhận được hồi âm.
Trở lại câu chuyện của người phụ nữ sống tại Thường Châu, những lời hứa hẹn của PPMiao là đã quá muộn. Cô viết trong bức thư gửi tới bố mẹ: "Bố mẹ đừng buồn. Con đi rồi nhưng cuộc sống vấn tiếp tục diễn ra. Con chỉ mất đi lòng tin vào cuộc sống ở xã hội này. Con không sợ chết nhưng con sợ việc phải sống."