Hội chứng mệt mỏi, không muốn đi làm dịp cận Tết

01/02/2024 09:00 AM | Sống

Hơn 1 tuần nữa là Tết, bạn có đang cảm thấy mệt mỏi, thậm chí nhiều lúc không muốn đi làm nhưng lại xen lẫn với cảm giác phấn khích vì bận nghĩ đến vô số thứ cần chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết sắp đến?

Thực ra đây là một trạng thái tâm lý rất bình thường mà chúng ta gặp phải khi sắp đến 1 kỳ nghỉ dài. Và, trạng thái này sẽ trở thành vấn đề nếu chúng ta để nó ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và học tập mà không kiểm soát nó. Ví dụ như đang lái xe ngoài đường nhưng không tập trung, do sắp Tết muốn mua đồ đẹp nên hay nhìn vào shop quần áo bên đường và "rầm….", hoặc đang chuẩn bị kết sổ, làm báo cáo cuối năm nhưng thiếu tập trung ảnh hưởng đến deadline và dễ sai sót. Tình trạng này là gì và làm sao để biến nó thành cảm xúc tích cực, không ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn?

Trạng thái này đã được khoa học đặt tên là hội chứng "Holiday click-off". Đây là hiện tượng tâm lý bồn chồn, háo hức trước kỳ nghỉ lễ Tết, khiến chúng ta bị ảnh hưởng nên không thể tập trung vào công việc hay học tập. Nếu đang gặp phải tình trạng này, bạn thật sự không đơn độc. Vì theo 1 cuộc khảo sát lớn thì có trên 50% người tham gia mắc hội chứng này.

Tại sao chúng ta lại có Hội chứng holiday click-off?

Hội chứng này xảy ra do chúng ta bị phân tán tư tưởng cho những nhu cầu của bản thân khi Tết đến gần, như mua sắm, biếu quà, lương thưởng, gặp gỡ bạn bè... Một số người lại gặp áp lực công việc cuối năm, thu nhập, kinh tế khó khăn. Tất cả những điều này khiến chúng ta có xu hướng né tránh hoặc đương đầu, như cách mà cơ thể phản ứng với căng thẳng. Nhưng dù chọn phản ứng theo cách nào thì chúng ta đều rất dễ mệt mỏi và chán nản khi phải đương đầu với quá nhiều áp lực cùng một lúc.

Làm sao để biết bạn đang bị "Holiday click-off" thật sự?

Chúng ta cần phân định rõ cảm xúc háo hức, phấn khích, vui vẻ khi xuân về gặp người thân bạn bè, họp lớp,...l à cảm xúc tích cực không có gì sai cả. Còn holiday click-off dùng để chỉ trạng thái tâm lý bị ảnh hưởng bởi stress dồn dập, do chúng ta biến mọi thứ trở nên quá mức cần thiết và không đúng thời điểm. Biểu hiện của holiday click-off là sự uể oải, mất tập trung, không có động lực hoàn thành công việc, học tập hay mục tiêu bạn đặt ra, mà bình thường bạn vẫn làm được. Nghĩa là phải có sự thay đổi hiệu quả và hiệu suất 1 cách rõ rệt. Người bị hội chứng này thường có suy nghĩ "sau Tết rồi làm", "sau kỳ nghỉ rồi bắt đầu lại" hoặc "thêm 1-2 tuần nữa", "lu bu quá tính sau",... Điều đáng nói là khi chúng ta dừng lại, thế giới vẫn đang tiếp tục vận hành.

Hội chứng mệt mỏi, không muốn đi làm dịp cận Tết- Ảnh 1.

Người bị hội chứng này thường có suy nghĩ "sau Tết rồi làm"

Tác hại của holiday click-off là gì?

Tác hại của holiday click-off là giảm hiệu quả công việc hay học tập, ảnh hưởng đến kết quả và tiến độ của mục tiêu cá nhân. Ngoài ra, hội chứng này cũng có thể gây ra căng thẳng, lo âu, trầm cảm hoặc mất niềm tin vào bản thân khi không thể hoàn thành những việc mà lẽ ra, chúng trong khả năng của bạn.

Làm thế nào để vượt qua Holiday click-off?

Chúng ta cần phải xác định được nguyên nhân và mức độ của hiện tượng này. Bạn có thể áp dụng những cách cụ thể sau:

- Lập kế hoạch chi tiết và rõ ràng cho từng ngày trước kỳ nghỉ lễ Tết, càng cụ thể càng tốt để tránh phát sinh khó kiểm soát. Ví dụ bạn đã định sẽ mua sắm tết vào thứ 7 tuần sau, thì ngay bây giờ hãy tập trung vào công việc và chỉ nghĩ đến việc mua sắm khi đến thứ 7 tuần sau. Thậm chí bạn có thể liệt kê ra những thứ bạn sẽ mua, để tránh phát sinh trong lúc chọn đồ, vì "đau ví" cũng là 1 loại stress phải không nào?

- Đặt ra mục tiêu tối thiểu bạn cần làm được trong 1 ngày. Ví dụ: ngày hôm nay tôi cần hoàn thành 2 công việc, thì hãy tập trung đạt được 2 công việc đó. Nếu làm được 2 rồi, bạn làm thêm được công việc thứ 3, quá tốt. Nếu không, mục tiêu ban đầu là 2 thì bạn đã làm được rồi mà, bản thân cũng cần nghỉ ngơi chứ.

- Phân bổ thời gian hợp lý cho công việc và nghỉ ngơi, tránh làm việc quá sức hoặc quá ít. Nếu bạn nghĩ rằng thức xuyên trưa, xuyên đêm, ăn vội cho qua để làm nhiều nhất có thể thì bạn nên cân nhắc lại. Kỷ luật vẫn là chìa khóa để bạn đi xa đi bền hơn. Sức khỏe giúp bạn minh mẫn và giảm sai sót. Nếu không chú trọng đến sức khỏe, có phải bạn đang lấy thứ vô giá của mình để đổi lấy 1 thứ được định giá sẵn. Và nên nhớ rằng, giường bệnh là chiếc giường mắc nhất trên thế giới. Hãy cân bằng giữa công việc và sức khỏe của bạn.

- Tạo ra những động lực tích cực cho bản thân, như thưởng cho mình khi hoàn thành một công việc hay học tập nào đó.

- Giữ gìn sức khỏe thể chất và tinh thần, bằng cách ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, tập thể dục, thiền.

Theo BS Nguyễn Thị Hải Đan

Cùng chuyên mục
XEM