Dường như, trong lòng phố cổ, mùa xuân đến sớm hơn với nhịp sống khẩn trương, rộn ràng mua sắm những ngày giáp Tết. Nằm trên một con phố cổ Hà Nội, trong ngôi nhà mang tên Tân Mỹ House của gia đình Tân Mỹ nổi tiếng với bốn thế hệ nghề thêu và lụa phố cổ Hà Nội, chị Nguyễn Thùy Linh - thế hệ thứ ba của Tân Mỹ đang cùng mẹ tất bật chuẩn bị đón Tết.
“Gia đình tôi chuẩn bị rất kỹ càng, chỉn chu cho ngày Tết truyền thống. Chúng tôi ăn Tết theo cách của người phố cổ, người Hà Nội”, chị Nguyễn Thùy Linh nói. Và cứ thế, chị chia sẻ một cách từ tốn, nhẹ nhàng, đúng phong cách của người con gái Tràng An về phong vị, lễ nghi đặc biệt của ngày Tết cổ truyền, Tết Hà Nội và nếp nhà xưa cũ có lẽ chẳng bao giờ đổi thay.
Bên ngoài cánh cửa là con phố nườm nượp người xe, là Hà Nội mỗi ngày một đổi thay. Nhưng phía sau cánh cửa trong căn nhà nhỏ, trải qua bao nhiêu năm gắn bó với Hà Nội thâm trầm, sâu sắc, mọi rung cảm của đất trời, nếp nhà xưa cũ vẫn vẹn nguyên như Hà thành của ngày xưa cũ, in đậm trong ký ức tôi.
Tôi nhớ Tết Hà Nội. Nhớ nhất là khoảnh khắc chuyển giao của năm mới, khi tiếng pháo bắt đầu nổ râm ran, cả thành phố như rung lên, reo vang những âm thanh giòn giã, lũ trẻ ùa ra đường hít hà mùi pháo thơm. Trời sáng, khẽ khàng mở cánh cửa nhà, nhìn ngoài đường là xác pháo đỏ ngập tràn xác pháo cùng cái mùi mát trong của Hà Nội ngày yên bình, nhẹ nhàng, mùi của Tết khiến tôi rộn ràng và náo nức hơn bao giờ hết. Hà Nội ngày Tết là Hà Nội nhất!
Nhớ ngày xưa. Cả đại gia đình vẫn còn sống ở cửa hàng chỉ vỏn vẹn 20m2, nằm ở một góc phố cổ. Những con người cũ nơi phố cố, sống với nhau gắn kết đậm sâu, “tình làng nghĩa xóm” rất đỗi thân thuộc. Mấy ngày Tết, chỉ cần dạo vòng quanh, là có một cái bụng no, là có một túi đầy ắp phong bao lì xì mừng tuổi, là có khởi đầu một năm tràn đầy hy vọng với những lời chúc mừng năm mới.
Tết của tôi là vậy, của người Hà Nội chúng tôi là thế. Gia đình làm kinh doanh, buôn bán nên tôi cũng có nhiều cái Tết đặc biệt lắm! Có cả những vị khách bất ngờ gõ cửa.
Năm nọ, khi cả nhà đang chuẩn bị quây quần đón giao thừa, có một vị khách nước ngoài gõ cửa nhà, đi vào và nói: “Có gì ăn không?”. Lần đầu tiên ông ăn Tết ở Hà Nội nên không biết là các cửa hàng sẽ đóng. Đây là vị khách đặc biệt, bất ngờ xông đất nhà tôi năm ấy. Gia đình tôi thường sẽ nhờ một người đến xông đất nhưng đúng vào thời khắc giao thừa thì ông gõ cửa bước vào. Nhà tôi cũng mời ông ăn cơm luôn. Ông ăn bánh chưng rán, vui vẻ cảm thán: “Ôi đây là món ngon nhất mà tôi từng ăn”.
Chính vì mối duyên lành đặc biệt ấy, sau này, nhà tôi có một tập tục là cứ mùng 2 Tết hàng năm, gia đình sẽ mời vị khách nước ngoài sống ở Hà Nội đến dùng bữa trưa và tối, chia sẻ, giao lưu với nhau. Rất nhiều vị khách hàng của Tân Mỹ đã trở thành bạn bè của gia đình. Nhân ngày này, gia đình tôi cũng có cơ hội để giới thiệu về văn hóa của người Việt Nam, truyền thống Tết của mình.
Cứ ngày mùng 2 Tết, nhà tôi như mở hội. Các vị đại sứ không đi du lịch, ở lại Hà Nội, khi nhận được lời mời từ gia đình tôi, họ vui lắm! Bởi có lẽ các vị vô cùng trân quý những dịp thưởng thức mâm cơm Tết Hà Nội, những món ăn truyền thống rất đỗi Việt Nam, gặp gỡ nhiều bạn bè. Có vị khách còn nhắc: “Năm nay, mùng 2 Tết nhớ mời tôi nhé!”. Những vị khách quý người nước ngoài đến tham dự mâm cơm Tết thân mật ngày mùng 2 Tết rất thích món canh măng mẹ nấu. Các vị thích nhất món bánh chưng rán và canh măng. Họ còn ví bánh chưng rán như “pizza” của Việt Nam vậy.
Người Hà Nội hiếu khách, thể hiện sự cởi mở, thanh lịch, trọng nghĩa, trọng tình. Cung cách Hà Nội như len lỏi trong tâm trí tôi từ thuở tấm bé đến lúc lớn lên. Nhất là trong cách bà và mẹ cầu kỳ, chỉn chu trong việc thiết đãi khách khứa, bạn bè ngày Tết.
Gia đình tôi rất mến khách, đúng với văn hóa của người Hà Nội, cứ có khách đến chơi nhà là bà lại mời thưởng thức các món ăn. Bà và mẹ tôi là người rất kỹ tính trong việc chuẩn bị các món ăn truyền thống. Với bà và mẹ, đồ ăn ngày Tết cần đầy đủ, phải chuẩn bị nhiều hơn với nhu cầu của gia đình.
Đến những ngày giáp Tết, gia đình sẽ bắt đầu chuẩn bị đồ ăn, dự trữ với số lượng lương thực lớn cho ngày Tết. Trong tủ bao giờ cũng phải có nem, cá kho, canh măng, bánh chưng… Trước Tết, trong tủ lạnh của gia đình có khoảng hàng chục đến trăm cái nem được cuốn sẵn. Tất cả đều được chuẩn bị tươm tất, chỉn chu, để khi có khách đến thì sẽ luôn sẵn sàng mời khách những món ăn truyền thống.
Bà và mẹ tôi rất khéo léo, có gu thẩm mỹ cao, đặc biệt là với các món ăn cổ truyền thì càng khó tính. Ngày xưa, khi bà ngoại tôi còn sống, gia đình tôi năm nào cũng tự gói bánh chưng. Nhất là nem, nem bà và mẹ làm không thấy ở đâu ngon bằng. Bà với mẹ làm rất kỹ, chuẩn bị phần nhân chỉn chu. Có lẽ do bà với mẹ làm bằng tình thương, tôi ăn từ nhỏ nên không thấy ở đâu ngon bằng. Gia đình tôi cũng chuẩn bị rượu sampanh, vang đỏ, vang trắng… cho ngày Tết. Dù bà và mẹ hay cả tôi đều không hiểu biết nhiều về rượu, nhưng luôn chuẩn bị cẩn thận và chu đáo, những gì tốt nhất để mời khách.
Thời gia đình tôi còn khó khăn, chỉ ở trong cửa hàng vỏn vẹn 20m2. Ban ngày làm cửa hàng, buổi tối sẽ dọn hàng hóa để mọi người ngủ. Lúc ấy, gia đình còn khó khăn lắm nhưng ngày trung thu, ngày tết, bà cũng thuê xe xích lô, trở về quê mua mứt tết, bánh trung thu để biếu họ hàng. Bà rất cẩn thận, luôn muốn những điều tốt nhất cho mọi người.
Nhìn cách bà và mẹ chuẩn bị kỹ càng trong ngày Tết, tôi cũng không dám lơ là. Tết với tôi rất đặc biệt nên tôi thường tự tay chuẩn bị mọi thứ trước đấy 2 tháng. Tết đến, gia đình sẽ trang trí nhà thêm nhiều màu đỏ hơn, mua đào quất, cắm hoa, violet, thược dược, hoa huệ.. Tôi và mẹ sẽ đi chợ hoa để chọn từng bông hoa về cắm. Toàn bộ đồ dùng trong nhà như mẫu khăn, khay, gối tựa lưng… đều là các BST Tết, có hình ảnh hoa mai, đào, sắc xuân.
Bên cạnh việc chuẩn bị các món ăn cổ truyền, mâm cơm ngày Tết của gia đình tôi cũng có nhiều quy tắc đặc biệt, đậm chất người phố cổ Hà Nội. Lễ nghi trong mâm cơm được thể hiện ngay từ việc ai sẽ là người ngồi cạnh nồi cơm để xới cơm. Bao giờ người trẻ tuổi, nhỏ tuổi nhất cũng nhận nhiệm vụ xới cơm để mời ông bà, bố mẹ, ước lượng bao nhiêu cơm để xới. Nếu không đủ cơm, người xới sẽ tự giác ăn ít đi. Khi xới cơm không được xới 1 muôi và không quá 3 muôi. Bát cơm cũng đầy đặn nhưng cũng không được đầy quá. Khi đánh cơm cũng không được đánh quá nhiều, xới cơm lên cho tơi.
Người xếp mâm cơm khi chuẩn bị bát canh, bát nước chấm phải kèm thìa riêng để mọi người lấy nước chấm ra từng bát. Sau khi chan canh, muôi phải được úp xuống, không ngửa. Đũa gắp thức ăn cũng cần được chuẩn bị riêng, nếu không có đũa riêng thì lúc gặp đồ ăn, phải ngược đũa của mình, không để gắp trực tiếp. Trong mâm cơm, khi nhai không được nhai tóp tép và phát ra tiếng động. Bao giờ cũng mời cơm lần lượt, xới cơm cũng lần lượt. Tất cả lần lượt từng người mời. Con cháu mời ông bà, bố mẹ trước, rồi ông bà bố mẹ cũng mời lại con cháu.
Điều này tạo nên hình ảnh đẹp và cũng thành thói quen của tôi. Gia đình dạy tôi rất kỹ về những quy tắc trong mâm cơm như vậy. Đến thời của tôi, quy tắc cũng bớt khắt khe hơn.
Từng việc tôi làm trong ngày Tết với gia đình, với Tân Mỹ đều thấm nhuần những lời dạy của bà, của mẹ. Từ lời ăn tiếng nói, cách chúc Tết, bà với mẹ cũng dạy tôi từ bé rằng phải nói chỉn chu, dùng từ lễ phép, có “vâng”, “dạ”, “ạ”. Khi nghe tôi kể về bữa cơm gia đình, nhiều người sẽ cảm thấy ôi khó quá, khắt khe làm sao. Khi còn tấm bé, tôi cũng thấy vậy, nhưng sau này, tôi rất biết ơn sự khắt khe của bà và mẹ.
Như một nếp nhà phố cổ được truyền dạy nhiều đời, con gái phố cổ được giáo dục nghiêm khắc về công - dung - ngôn - hạnh, cầm kỳ thi họa như một lẽ tất nhiên. Bà ngoại và mẹ tôi, đều là những người con gái phố cổ như thế!
Bà ngoại tôi là người cực kỳ nghiêm khắc, dạy dỗ các con rất cẩn thận. Bà ngoại có 7 người con, trong đó có 6 người con trai, mẹ tôi là con gái duy nhất. Riêng đối với mẹ, bà dạy rất kỹ, từ cách ăn, nói, đi lại, nữ công gia chánh, cầm kỳ thi họa như các cụ ngày xưa đã nói. Bà cũng rất khéo léo, biết thêu thùa, may vá, cầm, kỳ, thi, họa bà đều có đủ.
Điều đó còn truyền từ bà, từ mẹ rồi sang tôi. Sau này, mẹ cũng nghiêm khắc, dạy dỗ tôi rất kỹ, có những thứ đã ăn sâu vào tiềm thức. Có những việc rất nhỏ, ý nhị như cầm bát, đũa, ăn uống như thế nào, khi nhai phải ngậm miệng lại… Bà dạy mẹ. Mẹ lại dạy cho tôi. Hiện tại, tôi cũng đang dạy con gái như vậy.
Bà và mẹ cũng là những người vô cùng kỷ luật. Mọi thứ đều phải tuân theo quy tắc, đã làm là không ngại khó, ngại khổ. Gia đình tôi cũng rất quy tắc, kỷ luật. Có những ngày Tết, vài quy chuẩn có thể được nới lỏng như giờ giấc đi ngủ, cách ăn uống… nhưng vẫn phải nằm trong khuôn khổ.
Nét tinh hoa, truyền thống của gia đình cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ trong công việc, cuộc sống của tôi. Nhìn lại, điều tôi tự hào nhất về ngày Tết của gia đình mình, là sự gắn kết cao, tất cả mọi người luôn hướng về nhà, tổ ấm, gia đình và dành trọn thời gian ở cạnh nhau. Ngoài ra còn tính hiếu khách, cả nhà ai cũng mong chờ đến ngày mùng 2 Tết.
Tết đến cận kề, bao giờ gia đình tôi cũng mong cầu sức khỏe, bình an, công việc kinh doanh tốt. Bởi khi công việc kinh doanh tốt, thu nhập, việc làm của những nhân viên của Tân Mỹ, người thợ thêu có công ăn việc làm ổn định, nguồn thu tốt và tất cả đều có một cái Tết ấm no.
Tôi cũng mong rằng, năm mới, Tân Mỹ bán hàng, kinh doanh được tốt hơn để góp phần tạo ra một cuộc sống tốt hơn cho các nghệ nhân. Hơn 50 năm, thương hiệu của gia đình tồn tại và phát triển, 80% vẫn là khách nước ngoài. Tất cả những vị khách nước ngoài đều trầm trồ, ngưỡng mộ, thích các sản phẩm thủ công, truyền thống của Việt Nam mình. Tôi cũng mong muốn người Việt Nam cũng sẽ biết đến và ủng hộ thương hiệu của Việt Nam vì những sản phẩm của mình cũng rất tốt, cũng không kém cạnh các thương hiệu trên thế giới.
Đời sống Pháp luật