"Chưa có đào là chưa có Tết" - Bạn có biết vì sao ngày Tết không thể thiếu loài hoa này?

31/01/2024 19:20 PM | Sống

Cứ đến ngày 30 Tết, trong nhà chưa có cành đào khoe sắc là lòng dạ ai nấy đều chưa yên. Dù giàu hay nghèo, người ta vẫn phải cố sắm lấy một cành đào để chưng trong nhà hoặc cắm trên bàn thờ. Thế nhưng, không phải ai cũng biết lý do đặc biệt ẩn sau phong tục chơi hoa này.

Những ngày cuối đông, khi những bông hoa đào nở rộ giữa màu mây bàng bạc lạnh lẽo của trời đất là lúc người ta biết Tết đã đến. Cứ thấy đào là thấy Tết. Loài hoa màu hồng rực rỡ ấy tưởng chừng mỏng manh nhưng lại kiên cường nở bung trong những ngày gió rét. Nếu như miền Nam chuộng hoa mai vàng trong ngày Tết thì ở miền Bắc, nhà nào cũng có một cành đào.

"Chưa có đào là chưa có Tết" - Bạn có biết vì sao ngày Tết không thể thiếu loài hoa này?- Ảnh 1.

Không phải tự nhiên hoa đào trở thành loài hoa biểu tượng cho ngày Tết và báo hiệu mùa xuân về. Giữa muôn loài hoa khoe sắc vào dịp Tết Nguyên đán, hoa đào vẫn giữ một vị trí đặc biệt không thể thay thế. Trên bàn thờ ngày Tết của người Việt, dù có thược dược khoe sắc thắm, dù lay ơn đủ màu rung rinh mà không có sắc hồng của hoa đào thì vẫn chưa đủ vị Tết. Hoa đào trong ngày Tết không chỉ để chưng cho đẹp mà còn mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt: Trừ tà. Nói đến điều này phải nhắc đến một sự tích nhỏ về hoa đào từ thuở xưa.

Hoa đào trong tích xưa

Xưa kia từ thời thượng cổ, ở ngoài khơi xa có ngọn núi tên là Độ Sóc Sơn. Ở chân núi có cây đào cổ thụ. Hai vị thần trú ngụ ở đây chuyên trừng trị loài yêu quái ngoài biển. Sau đó, người ta thường chọn mảnh gỗ đào, hoặc vẽ hình hai vị thần ấy treo hai bên cánh cửa để trị tà ma. Và khi hai vị thần đi vắng, ma quỷ lại càn quấy, người dân bèn hái những cành hoa đào về nhà cắm thì chúng không dám lại dần. Dân chúng thời xưa thường theo tục ấy.

"Chưa có đào là chưa có Tết" - Bạn có biết vì sao ngày Tết không thể thiếu loài hoa này?- Ảnh 2.

Trong cuốn 36 phong tục tập quán người Hà Nội, Vũ Ngọc Khánh cũng nhắc đến câu chuyện về hoa đào. Đến đời Đường (Trung Quốc), vua Thái Tông về già, đêm đêm sinh ra chứng hoảng loạn, mất ngủ. Lúc nào ông cũng thấy ma quái đến đòi mạng. Nhà vua liền gọi hai tướng: Một người là Tần Quỳnh, mặt vàng, một người là Uất Trì Cung mặt đen, chặn giữ cửa cung. Từ đó, ma quỷ không dám đến nữa.

Qua biến đổi thời gian, hai câu chuyện trên có sự hòa nhập với nhau. Hai vị thần ở Độ Sóc Sơn cùng với hai vị tướng nhà Đường cũng lẫn lộn với nhau. Các bức vẽ trên hai mảnh gỗ đào được phép lại thành tranh họa hai ông mặt đen, mặt vàng để treo bên cửa.

Sách Phong tục thông chép là Thần Đồ, Uất Lũy hoặc gọi đơn giản là Nhị vị thần môn. Sau dần, người ta không để ý đến những điển tích sâu xa này nữa, chỉ gọi nôm na là "ông Thiện, ông Ác" đứng gác cửa nhà mà thôi.

Ý nghĩa hoa đào ngày Tết

Cũng là màu hồng nhưng sắc hồng của hoa đào đặc biệt lắm. Dù bích đào, đào thất thốn, đào phai hay đào cổ thì sắc hồng ấy cũng rực rỡ và tươi thắm nhất vào dịp Tết, lúc mà mọi háo hức trong tâm thức mỗi người đều tràn đầy hy vọng và mong mỏi về một năm mới bình an và hạnh phúc.

Theo quan niệm dân gian, người ta tin rằng hoa đào có thể xua đuổi tà ma. Đặt hoa đào trong nhà dịp năm mới có thể đảm bảo bình an. Chưa kể, hoa đào màu hồng nở rộ mang ý nghĩa hoài bão lớn lao và điềm lành. Màu hồng hoa đào không chỉ mang lại sinh khí, thịnh vượng cho năm mới mà còn thể hiện sự may mắn trong tình duyên. Chẳng thế mà, khi nhắc đến những mối duyên lành, người ta thường nói "hoa đào nở rộ".

"Chưa có đào là chưa có Tết" - Bạn có biết vì sao ngày Tết không thể thiếu loài hoa này?- Ảnh 3.

Từ nhành đào khẳng khiu, xù xì lại thắp lên những lộc non, chồi biếc và những đóa hoa rực rỡ lại làm người ta yên tâm đến vậy. Nụ hoa chúm chím, e ấp như đang chờ đợi một mùa xuân mới đầy hy vọng. Khi hoa nở rộ, những cánh hoa mỏng manh, nhẹ nhàng rung rinh trong gió xuân tạo nên một bức tranh vô cùng đẹp mắt. Rằng giữa những khó khăn của năm cũ, người ta lại được sưởi ấm bằng sắc hồng của hoa, tưới vào lòng những hy vọng của chồi non xanh mơn mởn. Và cứ thế, người ngóng trông một năm được che chở, được bảo vệ bằng những gì thiêng liêng và thân thuộc nhất.

Màu đỏ của hoa đào tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc và thịnh vượng. Cành đào còn là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, cho sự sinh sôi nảy nở và niềm hy vọng về một năm mới an khang, hạnh phúc.

Đối với mỗi người con xa quê, cành đào còn là biểu tượng cho quê hương, cho những ngày Tết cổ truyền đầm ấm bên gia đình. Nhìn cành đào nở rộ, lòng người lại bồi hồi, xúc động và nhớ nhung da diết.

"Chưa có đào là chưa có Tết" - Bạn có biết vì sao ngày Tết không thể thiếu loài hoa này?- Ảnh 4.
"Chưa có đào là chưa có Tết" - Bạn có biết vì sao ngày Tết không thể thiếu loài hoa này?- Ảnh 5.

Ảnh: Tiệm gốm Xưa

Nói thế để biết, hoa đào không chỉ trang trí nhà cửa thêm đẹp mà còn tô điểm thêm cho không khí xuân rộn ràng. Tết đến xuân sang, được quây quần bên gia đình, ngắm nhìn cành đào nở rộ, ai nấy đều cảm thấy bình yên và hạnh phúc.

Cành đào rực rỡ như một lời chúc phúc thiêng liêng, vẽ nên bức tranh hy vọng cho năm mới an khang, thịnh vượng. Từng cánh hoa mỏng manh, e ấp như lời cầu nguyện cho một khởi đầu suôn sẻ, tràn đầy niềm vui. Sắc đỏ rực rỡ của hoa đào như ngọn lửa ấm áp, lan tỏa năng lượng tích cực, tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người trên hành trình chinh phục những ước mơ mới.

Mong rằng, trong năm mới, mỗi người sẽ luôn gặp được nhiều may mắn, thành công và hạnh phúc như chính cành đào rực rỡ ngày Tết. Hãy để hương thơm dịu nhẹ của hoa đào lan tỏa khắp không gian, mang đến cho bạn sự bình an, thanh thản và niềm tin vào một tương lai tươi sáng.

Theo Minh Dương

Cùng chuyên mục
XEM