Học làm bác sĩ, kế toán, giáo viên đều có nguy cơ "chưa tốt nghiệp đã thất nghiệp", ông Hoàng Nam Tiến chỉ ra một phẩm chất cốt lõi để không bị AI thay thế
Một học sinh đặt câu hỏi cho ông Hoàng Nam Tiến: "Em nên chọn nghề theo đam mê hay như thế nào? Vì theo thầy nói là AI có thể thay thế?". Câu trả lời của ông Tiến nằm ở "chất con người".
Tại một buổi chia sẻ với các học sinh bậc THPT mới đây, ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT một lần nữa chia sẻ về nguy cơ suy giảm của nhiều ngành nghề hiện nay. Theo đó, 40% các công việc trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng, nếu không muốn nói là mất việc vì AI, robot. Ông Hoàng Nam Tiến cũng chỉ đích danh các ngành nghề như kế toán, giáo viên, bác sĩ,... sẽ chứng kiến trên 50% công việc bị mất đi. Đồng thời, 5 năm tới, 2,7 triệu công nhân làm việc tại các nhà máy da giày, lắp ráp điện tử cũng sẽ mất việc.
"Chắc các bạn nhìn thấy những nữ giao dịch viên ngân hàng ngồi trong phòng điều hòa hằng ngày, học các trường danh giá, xinh đẹp, gia đình có quan hệ rất tốt. Họ sẽ là những người mất việc trong thời gian rất ngắn tới đây bởi vì càng ngày, sẽ không còn ai ra ngân hàng để giao dịch nữa. Với các cam kết chuyển đổi số ngày hôm nay, tất cả việc giao dịch trong ngân hàng dành cho cá nhân và các doanh nghiệp SMEs, đều thực hiện trên điện thoại thông minh. Vậy thì ai ra ngân hàng nữa? Chắc chỉ có ông bà các bạn. Đó là sự thật. Và các bạn có định rằng sẽ bước vào học và làm nghề đấy không?.
Các bạn nghĩ rằng những công việc rất thời thượng như truyền thông đa phương tiện, marketing có mất việc không? Trí tuệ nhân tạo ngày hôm nay đã thay thế rất nhiều công việc trong lĩnh vực ấy. Những người xuất sắc trong lĩnh vực thì sẽ không bao giờ mất việc. Vậy chúng ta có mong muốn ở hoàn cảnh này không khi 4 năm nữa các bạn sẽ bước vào thị trường lao động", ông Tiến chia sẻ với học sinh.
Phỏ Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT chỉ ra sự thật tương đối phũ phàng, có nhiều bạn học rất giỏi ngôn ngữ nhưng nếu chỉ làm phiên dịch thì các bạn chắc chắn sẽ mất việc, bởi ngay tại thời điểm này các hệ thống dịch song song đã được hoàn thiện, được áp dụng ngay tại Diễn đàn kinh tế thế giới vừa diễn ra.
Ông Hoàng Nam Tiến cho rằng, những cô cậu học sinh hiện nay, khi bước vào thị trường lao động trong vài năm tới không chỉ chịu sự cạnh tranh ngay tại Việt Nam mà sẽ phải cạnh tranh với 8 tỷ người trên thế giới. Những công việc tại Việt Nam ngày hôm nay đang bị cạnh tranh trên toàn cầu. Mỗi người công nhân làm da giày tại Việt Nam bị cạnh tranh bởi những người công nhân tại Bangladesh, Pakistan – thị trường lao động có chi phí nhân công rẻ hơn rất nhiều. Chưa kể, mô hình robot do Tesla phát triển là Optimus, sẽ bước vào thị trường lao động vào năm 2027, có khả năng máy tính nhận thức, tự quan sát và tự học từ những người bình thường. Giá thành lao động của con robot này được đánh giá là chỉ 2,5 USD/giờ lao động, thay thế phần lớn các công việc chân tay mà không ngần nghỉ ngơi, làm việc 365 ngày, không đòi lương tháng 13.
"Tôi biết nhiều bạn ở đây cũng như con gái tôi, khi bố mẹ nói chuyện thì đeo tai nghe và phủ tóc xuống. Tôi cũng biết nhiều bạn thích lướt TikTok hơn là nghe những điều tôi nói. Nếu các bạn không cố gắng nghe, hiểu được những điều tôi chia sẻ hôm nay thì có thể khi chưa ra khỏi trường Đại học các bạn đã thất nghiệp vì chúng ta sẽ chọn sai nghề, sai ngành ở những bước đầu tiên. Khi ra trường các bạn mới nhận ra ngành nghề đấy đang dần mất đi trong xã hội", ông Tiến nhấn mạnh.
Những lời cảnh báo của ông Tiến đã thu hút sự quan tâm lớn của học sinh. Một học sinh cho biết vốn thích học Luật kinh tế nhưng sau khi nghe chia sẻ, cảm thấy mất định hướng vào công việc trong tương lai. Một học sinh khác thì thắc mắc: "Em nên chọn nghề theo đam mê hay như thế nào? Vì theo thầy nói là AI có thể thay thế?".
Giải đáp câu hỏi có phần nhạy cảm này, ông Hoàng Nam Tiến nhắc lại câu chuyện từng xảy ra vào thế kỷ XVII. Thời điểm đó, các công nhân nước Anh đã đập phá các máy dệt vì cho rằng máy móc cướp công việc của họ. Tương tự, theo ông Tiến, hiện nay nhiều người có uy tín, vị trí cao nói rằng không nên phát triển AI vì sẽ cướp đi hàng triệu, trăm triệu công việc của con người.
"Tôi trả lời rất thẳng thắn. Đầu tiên là hãy chấp nhận rằng công nghệ có thể thay thế phần lớn công việc chúng ta đang làm. Tại CES 2024, một robot đã có thể pha chế, nấu ăn. Vậy con người chúng ta làm gì?
Công nghệ đang sinh ra nhiều công việc mới. Một robot biết pha rượu nhưng người máy đó không bao giờ có cảm xúc. Công nghệ không bao giờ thay thế được những điều từ trái tim đến trái tim. Robot có thể thay thế bác sĩ nhưng không thay thế được lời tình cảm của bác sĩ, từ trái tim đến trái tim khi nói với bệnh nhân".
Vì thế, ông Tiến khuyên học sinh nên tránh những nghề chỉ có lắp ráp, chỉ xây trát, lặp đi lặp lại mỗi ngày. Trong khi đó, nên hướng đến những ngành cần tính sáng tạo, đổi mới, dành nhiều "chất con người" hơn trong nghề.
Ông Tiến cũng nhắn nhủ mỗi học sinh phải thành thạo tiếng Anh để đảm bảo sự phát triển của mình sau này. Thứ hai, ngoài trí tuệ tốt đẹp, tinh thần sáng suốt thì cần một cơ thể khỏe mạnh. Thứ ba, cần trau dồi những phẩm chất quan trọng nhất trong tương lai gần, đó là khả năng tư duy động lập, năng lực phản biện, khả năng tự học,...