Học hỏi bí quyết tài chính giúp cặp vợ chồng chi trả khoản nợ 1 tỷ chỉ trong 17 tháng
Những kế hoạch tài chính hợp lý và những lần cắt giảm chi phí phù hợp đã khiến vợ chồng Ashley Patrick cùng 3 con vượt qua thời kỳ khó khăn.
Vào năm 2013, Ashley Patrick (Mỹ) cùng chồng đã vay một khoản trị giá 25.000 USD để sửa nhà. Chẳng may thay, chưa đầy một năm sau, chồng của Ashley bị sa thải một cách đột ngột, giống như cái cách mà nhiều anh chị em công sở mất việc trong mùa dịch, nên họ không còn đủ khả năng trả nợ.
Tệ hơn, khi đợt quyết toán thuế đến, họ còn bị phạt thêm 6.000 USD. Đứng trước tình huống ngặt nghèo này, hai vợ chồng đã có một quyết định không mấy khôn ngoan đó chính là sử dụng nguồn tiền trong thẻ tín dụng để trả nợ. Tuy nhiên, 7 năm sau, khi Ashley đã trả được hết nợ và hiện là một bậc thầy về tài chính, cô đã có những chia sẻ hết sức lý thú và bổ ích về hành trình trả nợ của gia đình.
Tận dụng triệt để ưu đãi từ ngân hàng
Cách duy nhất để hai vợ chồng Ashley có thể thanh toán được khoản tiền thuế đó chính là thông qua hình thức trả góp. Họ đã xem xét đến phương án mở thẻ tín dụng có lãi suất hàng năm 0%, nhưng may thay, họ nhận được thông báo khuyến mãi từ phía ngân hàng thông qua email.
Chương trình khuyến mãi 18 tháng không lãi kèm theo đó là hình thức thanh toán linh động. Mặc dù lãi suất là 0%, tuy nhiên, đi kèm với đó là khoản phí thường niên 2% đến 5%.
Lên ngân sách cho trả nợ
Tháng tiếp theo, Ashley nhận được yêu cầu thanh toán 60 USD (thanh toán dư nợ tối thiểu) trên thẻ tín dụng. Sự bất ngờ này khiến việc trả nợ của hai vợ chồng càng khó khăn gấp bội. Tuy nhiên, trong cái rủi có cái may, tình huống không lường trước được đã buộc vợ chồng cô nghiêm túc lên kế hoạch và vạch ra lộ trình chi tiết cho việc trả hết nợ.
Đầu tiên, họ sẽ cố gắng trả hết khoản vay nợ tín dụng trị giá 6.000 USD. Sau đó, họ chuyển sang khoản vay mua ô tô trị giá 14.000 USD và cuối cùng sẽ đến khoản vay 25.000 USD còn lại.
Tìm bằng được những lỗ hổng trong chi tiêu
Để có thể trả hết được nợ, vợ chồng Ashley buộc phải tìm ra những lỗ hổng trong chi tiêu hàng ngày của cả gia đình. Đầu tiên, họ rà soát lại toàn bộ chi phí rồi nhanh chóng nhận ra được rằng, mình đã chi 1.200 USD mỗi tháng cho việc ăn uống và mua sắm những thứ đồ lặt vặt khác.
Nhận thấy sự không ổn (có thể nói là quá tay) trong khoản chi này, hai vợ chồng nhanh chóng cắt giảm nó xuống một nửa, chỉ còn 600 USD chi tiêu cho ăn uống hàng tháng, phần còn dư sẽ dùng để trả nợ. Bên cạnh tiết kiệm được thêm 600 USD, việc cắt giảm hiệu quả này còn khiến hai vợ chồng có thể động lực để tiết kiệm thêm những khoản tiền khác.
Ngoài ăn uống, các khoản phí lặt vặt không thực sự thiết yếu đều được vợ chồng Ashley cân nhắc và cắt giảm triệt để.
Để theo dõi chi phí, Ashley đã cẩn thận liệt kê mọi khoản chi tiêu ra giấy và xem nó mỗi ngày. Sau đó, cô nhập tất cả số liệu mà mình có vào bản tính để có thể xác định được gia đình mình có thể trả hết nợ trước hạn bao lâu nếu trả nhiều hơn mỗi tháng hoặc họ có thể cắt giảm thêm chi tiêu ở những khía cạnh nào nữa. Điều này khiến cô nhìn được bức tranh toàn cảnh và có thêm động lực cho việc trả nợ.
Tiết kiệm - Tiết kiệm - Tiết kiệm
Nền kinh tế đang chứng kiến những sự thay đổi chóng mặt, đặc biệt là ở thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như thế điểm hiện tại. Chúng ta chẳng biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai sau khi thức giấc, rất có thể là một quyết định cho thôi việc bất ngờ.
Là người đã đối mặt với không ít những tình huống không lường trước được, Ashley khuyên mỗi người chúng ta nên xây dựng cho mình một tài khoản tiết kiệm, ít nhất là 1.000 USD để dành cho những trường hợp khẩn cấp.
Sau 17 tháng dài ròng rã, vợ chồng Ashley đã trả xong 45.000 USD tiền nợ. Để có được kết quả này, cả hai vợ chồng đã cùng nhau áp dụng những phương pháp và kế hoạch hợp lý cũng như cắt giảm chi tiêu triệt để. Thành công đến với cả hai nhờ vào những nỗ lực kiên trì, không ngừng nghỉ.
Tổng kết những bí quyết tài chính giúp gia đình Ashley Patrick giải quyết khoản nợ 1 tỷ trong 17 tháng
- Tận dụng lãi suất và các ưu đãi từ ngân hàng
- Bình tĩnh kế hoạch giải quyết các khoản nợ theo thứ tự ưu tiên
- Lập bảng thống kê tài chính, cắt giảm triệt để các khoản chi "không có cũng chẳng sao"
- Ưu tiên trả nợ nhưng vẫn phải có khoản tiền tiết kiệm dự phòng cho các tình huống khẩn cấp, ít nhất là 1000 USD (khoảng 23 triệu đồng).
Tham khảo CNBC