Học giả Việt tại Mỹ, Ba Lan hiến kế: Mở dọc Hà Nội chạy dài đến biển, vừa chống ùn tắc, vừa giúp phát triển du lịch

09/02/2017 11:19 AM | Xã hội

Có thể lấy hai bên bờ sông Hồng mỗi bên bờ khoảng 5-10 km dọc theo sông qua các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình cho tới cửa biển. Phát triển giao thông thủy, công nghiệp đóng du thuyền cho nội địa và xuất khẩu, du lịch thủy.

Hồi đầu năm, sở GTVT Hà Nội công bố cuộc thi tuyển ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo kế hoạch, các ý tưởng tập trung vào các vấn đề liên quan như: Định hướng xây dựng không gian ngầm; Đề án giao thông thông minh; Đề án tăng cường quản lý phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Sở GTVT cũng đưa ra mức thưởng cho ý tưởng giành giải nhất là 200.000 USD; giải nhì 100.000 USD và các hồ sơ đạt các tiêu chí dự thi được hỗ trợ 25.000 USD.

Theo báo Vietnamnet, nhiều ý tưởng, đề xuất tâm huyết được đưa ra đến từ cộng đồng như dán tem phạt. Mới đây nhóm tác giả gồm: TS Nguyễn Đức Thanh, nguyên Tham tán Thương mại Việt Nam tại CH Ba Lan; Th.S Bình Nguyễn, ĐH Tổng hợp Suffolk Boston (Hoa Kỳ) và Anh Nguyễn - sinh viên ĐH Tổng hợp New Hampshire gửi tới Vietnamnet ý tưởng đột phá là Mở dọc Hà Nội chạy dài đến biển.


Xây dựng thành phố dọc 2 bên sông, Hà Nội sẽ trở thành mắt rồng

Xây dựng thành phố dọc 2 bên sông, Hà Nội sẽ trở thành mắt rồng

Cụ thể như sau: Có thể lấy hai bên bờ sông Hồng mỗi bên bờ khoảng 5-10 km dọc theo sông qua các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình cho tới cửa biển.

Quy hoạch như thế để mở dọc HN là tạo ra thêm các đô thị vệ tinh và hành lang vệ tinh. Các tỉnh và TP dọc hành lang sẽ dần dần và tự phát triển các khu đô thị theo quy hoạch đó.

Làm như thế, Hà Nội sẽ có hình dáng như con rồng thời Lý. Không làm mất hẳn một tỉnh có tính truyền thống lâu đời như Hà Tây. Dân không cần lên Hà Nội mà vẫn trở thành người thuộc Thủ đô và khu vực Thủ đô Hà Nội (giãn áp lực di dân lên Thủ đô "ly nông bất ly hương").

Hai bờ đê xây dựng thành đường cao tốc và cứ khoảng 5-10km xây một cầu, tổng khoảng cách từ rìa HN hiện nay về tới cửa sông khoảng hơn 100km cần thêm 5-8 cầu mới nữa vì đã có khá nhiều cầu đã và sẽ xây bắc qua sông Hồng.

Hai con đường cao tốc này đương nhiên nối tiếp HN với các thành phố, thị xã dọc đường nên đây là một đầu tư cần thiết đáp ứng nhiều mục đích.

Hai bên sông vào sâu 5-10km phát triển các khu đô thị mới, các làng nghề, các khu du lịch, nghỉ dưỡng, thể thao giải trí...

Phát triển giao thông thủy, công nghiệp đóng du thuyền cho nội địa và xuất khẩu, du lịch thủy:

Cửa sông xây dựng thành nơi cho tàu thuỷ khá lớn đi qua, nhất là tàu du lịch từ các nước đến phía Bắc, tàu nhỏ có thể chạy thẳng lên Hà Nội; dọc đường có biết nhiều cảnh quan và công trình phong phú để thăm quan, tàu lớn sẽ đỗ ở cảng biển và khách di chuyển bằng tàu nhỏ và các phương tiện khác.

Khi đó giao thông thủy của Thủ đô cũng sẽ là một lựa chọn của người dân và trở thành một phương tiện phổ biến, giảm tắc đường…

Nhóm tác giả còn phân tích và đề xuất những giải pháp hạ tầng gồm: Đường tầng hai trên một số tuyến phố xây dựng bằng sắt thép và nguyên liệu nhẹ, Phân luồng cứng nhưng linh hoạt, Tàu điện một ra, Tàu điện một ray dưới gầm đường tầng trên cao.

Để có kinh phí triển khai các giải pháp chống ùn tắc, nhóm tác giả này còn đề xuất lập Quỹ chống tắc đường. Đây là quỹ của một số thành phố đặc biệt (Hà Nội, TP.HCM), có thể thực hiện thí điểm phí chống ách tắc giao thông (sau đây gọi là phí).

Về cơ chế hoạt động được đề xuất như sau: Ban quản lý Quỹ có đại diện của HĐND, hiệp hội và tổ chức xã hội… Mọi thu và sử dụng được đưa lên mạng cho dân kiểm tra, giám sát, có thuê kiểm toán cho hoạt động của Quỹ.

Đối tượng chịu phí: Ô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, có thể cả xe đạp để hạn chế sử dụng bừa bãi, giảm lượng phương tiện lưu hành trên đường phố.

Đối với xe ngoại tỉnh, các phương tiện sẽ phải cân nhắc nếu muốn đi xe vào thành phố hoặc gửi tại các điểm trong giữ xe cửa ngõ TP, thậm chí rất nhiều người sẽ dùng phương tiện công cộng để đến TP. Biện pháp này sẽ hạn chế đáng kể lượng xe không cần thiết lưu thông trong thành phố.

Giảm các loại phương tiện không thực sự cần thiết lưu thông trong thành phố bằng cách tăng chi phí cho phương tiện, hướng người lưu thông sang các phương tiện công cộng và phương tiện chia sẻ (Uber, Grab…).

Tạo nguồn thu khá lớn để tập trung phát triển một số cơ sở hạ tầng, một số loại phương tiện giao thông, biện pháp giảm ách tắc.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM