Hoạt động này sẽ bùng nổ mạnh mẽ trên thị trường BĐS 3 quý cuối năm
Thị trường BĐS hai năm vừa qua phát triển mạnh mẽ khiến hoạt động M&A các dự án ngày càng trở nên sôi động, đặc biệt hoạt động M&A không chỉ diễn ra đơn lẻ mà đã trở thành chiến lược đầu tư được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Thương vụ lớn nhất trên thị trường 3 tháng đầu năm qua có thể kể đến là Quốc Cường Gia Lai chuyển nhượng dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Sunny. Dù không tiết lộ giá trị chuyển nhượng nhưng Quốc Cường Gia Lai đã nhận tạm ứng 50 triệu USD từ Sunny để thanh toán hơn 1.300 tỷ đồng nợ vay tại BIDV. Được biết, tính đến cuối 2016, tồn kho của dự án Phước Kiển còn hơn 4.200 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, đơn vị nhận chuyển nhượng dự án Phước Kiển từ Quốc Cường Gia Lai nhiều khả năng là một công ty liên quan đến Vạn Thịnh Phát. Sunny Island có vốn điều lệ 250 tỷ đồng được thành lập ngày 16/2/2017. Trụ sở chính của Sunny Island tại Tòa nhà văn phòng Vạn Thịnh Phát số 8 Nguyễn Huệ quận 1, TP HCM - đây cũng là nơi đặt trụ sở chính của khá nhiều công ty liên quan tới tập đoàn Vạn Thịnh Phát của nữ đại gia Trương Mỹ Lan.
Mới đây, Phát Đạt cũng tuyên bố đã tìm được đối tác chuyển nhượng dự án The EverRich 3, phường Tân Phú, TPHCM. Theo đó, Phát Đạt đã tiến hành ký kết thỏa thuận chuyển nhượng một phần dự án The EverRich 3, bao gồm toàn bộ khu căn hộ cao tầng, không bao gồm 15,000m2 khu nhà ở thấp tầng. Tính đến cuối năm 2016, Phát Đạt đã đầu tư 1,584 tỷ đồng vào The EverRich 3, dự kiến trong năm 2017 đổ thêm 642 tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Phát Đạt cho biết nếu bán được The EverRich 3 trong năm 2017, công ty dự kiến thu về 2,500-3,000 tỷ đồng tập trung trả nợ.
Cũng tại ĐHCĐ mới đây của Licogi 16, ông Tăng Quốc Thuộc, Phó tổng giám đốc LCG cho biết, tháng 1/2017 Licogi đã ký hợp đồng đặt cọc về việc chuyển nhượng phần vốn đầu tư 30% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Khu đô thị Phú Hội (chủ đầu tư dự án 84 ha tại Nhơn Trạch) với giá trị chuyển nhượng phần vốn 320 tỷ đồng. Tính đến hết quý I/2017, Công ty đã thu cọc 10% giá trị hợp đồng tương ứng với 32 tỷ đồng.
Trước đó giữa tháng 3, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (An Gia Investment) cùng với Quỹ đầu tư Creed Group đã hoàn tất việc mua lại 7 block thuộc dự án khu dân cư phức hợp Lacasa (quận 7) từ Tập đoàn Vạn Phát Hưng. Ông Lương Sỹ Khoa, Phó chủ tịch HĐQT An Gia Investment cho biết, dự án mới này có quy mô khoảng 6 ha với 2.000 căn hộ bao gồm cả office-tel, có tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng. Trước thương vụ này, An Gia đã mua lại 5 dự án “đắp chiếu” khác và cho biết đang có kế hoạch M&A thêm một số dự án nữa.
Theo quan sát, hiện nay M&A dự án BĐS không chỉ diễn ra đơn lẻ mà đang là chiến lược được nhiều doanh nghiệp địa ốc lựa chọn và khá thành công. Có thể kể đến như Công ty cổ phần đầu tư Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh thời gian qua cũng đã mua lại khoảng 20 dự án ngưng hoạt động, trong số này đã có hơn 10 dự án được xây dựng lại và mở bán ra thị trường như Moonlight Park View, 8X Plus, Tân Hương Tower, Sky Center, Melody Residences, Lavita Garden…Tới thời điểm này, Tập đoàn Novaland cũng đã tiến hành hàng chục thương vụ M&A từ các dự án ngưng triển khai như Icon56, Galaxy 9, The Tresor, Lexington, RiverGate Residence, Sunrise City…
Theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, hoạt động M&A các dự án BĐS nở rộ mạnh mẽ thời gian qua là bởi hầu hết các dự án M&A là những dự án “đắp chiếu” đã có pháp lý hoàn chỉnh, có giấy phép xây dựng để phát triển dự án bài bản, nên M&A là một liệu pháp giúp tăng tính thanh khoản của thị trường, đồng thời tiết kiệm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
“Năm 2017, mua bán sáp nhập doanh nghiệp sẽ mạnh hơn, bởi cơ hội và điều kiện cho các thương vụ M&A rất lớn. Tp.HCM đang có 500 dự án tạm ngưng triển khai. Trong bối cảnh thị trường BĐS năm 2017 sẽ đối diện với nhiều khó khăn, lớn nhất là sự “bóp chặt” về tín dụng sẽ khiến cho hoạt động M&A càng mạnh mẽ hơn khi các nhà đầu tư có xu hướng bắt tay cùng nhau thực hiện dự án để cùng tồn tại", ông Châu cho biết.
Cũng có cái nhìn khá lạc quan về M&A BĐS tại Việt Nam, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty JLL Việt Nam cũng cho rằng bên cạnh các doanh nghiệp nội thì hoạt động M&A BĐS trên thị trường Việt cũng đang chứng kiến làn sóng cá nhà đầu tư từ HongKong, Hàn Quốc, Singapore cũng đang tích cực tìm kiếm để sở hữu dự án BĐS tại Việt Nam. Thông qua JLL, một số quỹ đầu tư nước ngoài đã “đánh tiếng” muốn gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam dưới hình thức mua lại các dự án sẵn có, nhất là các dự án đã sinh lời.
Còn theo đánh giá của của Savills, các hoạt động M&A tại thị trường bất động sản Việt Nam với quy mô từ lớn đến nhỏ chính là một minh chứng cho sự tín nhiệm cao vào đà tăng trưởng và một chu kỳ phát triển mới bền vững. M&A sẽ tiếp tục là xu thế thiết yếu khi thị trường dần trưởng thành hơn và các nhà đầu tư sẽ phải chứng tỏ bản lĩnh, kinh nghiệm, phong độ và cả đẳng cấp của mình để đạt được các cơ hội hợp tác, tham gia vào các thương vụ với có giá trị và tiềm năng lớn. Savills hy vọng sự bùng nổ của nhiều hoạt động M&A tiếp tục diễn ra trong năm 2017.