Hoạt động kinh doanh chính lỗ triền miên, nhưng nhờ dựa vào các đại gia Honda, Toyota và Ford, lãnh đạo công ty này vẫn nhận hàng tỷ đồng thù lao mỗi năm

18/02/2017 08:30 AM | Kinh doanh

Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh cốt lõi của VEAM liên tục thua lỗ và lợi nhuận của doanh nghiệp trông cậy cả vào các công ty liên doanh như Honda, Toyota, Ford.

Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) vừa qua đã tổ chức kỳ đại hội cổ đông đầu tiên sau khi cổ phần hoá và bán đấu giá lần đầu ra công chúng.

VEAM là doanh nghiệp hàng đầu ngành công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị nông nghiệp và là đơn vị đang nắm cổ phần lớn tại các hãng xe hàng đầu như 30% tại Honda, 20% tại Toyota và 25% tại Ford. Tổng giá trị đầu tư vào các hãng xe này lên tới hơn 8.500 tỷ đồng.

Các khoản đầu tư này chính là nguồn sống chủ yếu của VEAM, bởi những năm gần đây hoạt động kinh doanh chính của VEAM thường xuyên thua lỗ và lợi nhuận chỉ trông chờ vào Honda, Toyota, Ford... Nhờ có lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng từ các hãng xe này mà VEAM mới có lãi.


VEAM lỗ nếu không có lợi nhuận từ công ty liên kết (nguồn: BCTC VEAM)

VEAM lỗ nếu không có lợi nhuận từ công ty liên kết (nguồn: BCTC VEAM)

Tuy hoạt động kinh doanh cốt lõi khá bết bát, nhưng theo nghị quyết đại hội cổ đông mới được thông qua, thù lao cho 5 người trong Hội đồng quản trị tối đa lên tới 5,036 tỷ đồng. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhận mức lương tối đa 126 triệu đồng/tháng, tương đương 1,5 tỷ đồng/năm. Thù lao cho 4 Uỷ viên Hội đồng quản trị tối đa là 2,5 tỷ đồng.

Về phía Ban kiểm soát, Trưởng ban sẽ nhận tối đa 888 triệu đồng trong năm tới (74 triệu đồng/tháng) và 2 thành viên nhận 878 triệu đồng.

Mức lương trên được xây dựng theo thông tư 28/2016/TT-BLĐTBXH ban hành năm 2016. Cụ thể, mức tiền lương bình quân kế hoạch của người quản lý chuyên trách là người đại diện vốn nhà nước sẽ gắn với lợi nhuận kế hoạch của công ty.

VEAM thuộc vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận kế hoạch trên 700 tỷ đồng, mức tiền lương bình quân kế hoạch của lãnh đạo được tính trên mức lương cơ bản và hệ số điều chỉnh tăng thêm so với mức lương cơ bản gắn với quy mô lợi nhuận theo lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính của công ty là 2,5 lần.

Trong năm 2017, cổ đông VEAM đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ khoảng 3.530 tỷ đồng, lợi nhuận 400 tỷ đồng và cổ tức 16%. Năm tới, VEAM sẽ di dời và đầu tư mới một số nhà máy ra khỏi nội thành Hà Nội với điểm đến là khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh.

Hồi tháng 8/2016, VEAM đã tổ chức phiên IPO và bán được 149,8 triệu cổ phần, thu về 2.142 tỷ đồng.

Năm 2015, VEAM lãi gần 4.400 tỷ đồng và lợi nhuận năm 2016 khoảng 3.600 tỷ đồng. Theo VEAM, phần lớn lợi nhuận năm 2016 không được hạch toán doanh thu tài chính như các năm trước, mà phải hạch toán khoản phải trả (nhà nước). Giá trị khoản phải trả Nhà nước tới 31/1/2017 khoảng 2.000 tỷ đồng.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM