Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy: Làm KOL không sướng đâu! Không nói gì có khi còn giá trị hơn là nói ra

13/04/2017 09:42 AM | Kinh doanh

Hoa hậu Việt Nam năm 1994 cho biết hơn 5 năm trở lại đây, chị không ra rạp xem phim, không đọc báo, kể cả báo điện tử lẫn báo giấy. Mặc dù là một Facebooker, biết nhiều thông tin, cũng muốn nói nhưng đến bây giờ chị theo chủ trương: nói ít, thậm chí không nói thì còn giá trị hơn là nói ra.

Trong buổi hội thảo Content Joy số 03 chủ đề "Thời của nội dung tương tác", được tổ chức ngày 12/4/2017, hoa hậu Việt Nam 1994 Nguyễn Thu Thủy đã có những chia sẻ rất chân thành về bí quyết sống an nhiên giữa các cơn “bão mạng”.

- Là người nổi tiếng, hoa hậu, nhà báo, dẫn chương trình, chị phải thường xuyên tương tác với công chúng trên truyền thông đại chúng và mạng xã hội, điểm khác biệt giữa hai quá trình tương tác này là gì?

- Hoa hậu Thu Thủy: Xin chia sẻ với mọi người, một mình tôi đang “đóng” ba vai khác nhau.

Vai thứ nhất là một người nổi tiếng, một KOL (Key Opinion Leader-người định hướng dư luận). Vai thứ hai là nhà báo, người đọc tin cho một kênh truyền hình quốc gia. Và vai thứ ba là một người mẹ, một người phụ nữ với hỉ, nổ, ái thông thường.

Trong ba con người này có rất nhiều mâu thuẫn, mâu thuẫn ở việc mình thể hiện mình ra sao và phát ngôn như thế nào. Nhưng theo tôi dù tương tác với truyền thông đại chúng, trên mạng xã hội, tương tác với bạn bè, với gia đình, con cái… điều quan trọng nhất là mình phải chân thực. Cái chân thực đó làm cho mình đúng là mình, mình là một cá thể nhất quán. Không phải ở đây mình là thế này, ở kia mình là thế kia, về nhà mình nói với con lại là một câu chuyện khác.

Sự chân thực là kim chỉ nam giúp tôi thể hiện bản thân mình. Có nhiều điều tôi rất muốn nói trên truyền thông, trên Facebook chẳng hạn, nhưng tôi không nói được, hoặc tôi quyết định không nói vì nó vi phạm vào hệ giá trị, hệ tiêu chuẩn mà tôi đang theo đuổi.

- Công chúng quan niệm người nổi tiếng rất sướng, chỉ cần là KOL, sở hữu like, share “khủng” là từ đấy có thể thu được rất nhiều lợi ích về danh tiếng, về kinh tế. Chị nhìn nhận về vấn đề này thế nào?

- Làm KOL không sướng đâu vì có nhiều tiêu cực, nhiều vấn đề phải đối mặt. Cái vấn đề khủng hoảng nhất là làm sao để cân bằng các vai, đừng để phải đeo quá nhiều gương mặt rồi cuối cùng chẳng biết mình là ai.

Cái quan trọng nhất với mỗi KOL là vừa cân bằng lợi ích, vừa không đánh mất bản thân mình. Mỗi KOL nên xác định hệ giá trị của mình là gì và nên trung thành với điều đó. Đây là giá trị cốt lõi (core value). Một cá nhân cũng giống như một tổ chức, một doanh nghiệp thôi, nếu không có “core value” và không biết bản thân mình là ai thì sẽ không tồn tại được.

- Từ thời điểm chị đăng quang đến giờ, sự khác biệt lớn nhất chị nhận thấy ở công chúng là gì?

- Sự khác biệt lớn nhất có lẽ là cách công chúng tiếp cận với bản thân mình. Năm 1994, tôi đăng quang hoa hậu khi 18 tuổi, lên báo suốt nhưng rất bực mình khi đi ra chợ, có một bà bán báo dứt khoát phủ nhận tôi không phải người trong báo, vì tôi khác quá. Hồi ấy tôi còn làm một việc rất buồn cười là gọi điện đến 1080, hỏi là xem người ta có biết hoa hậu năm 1994 là ai không. Chị trực tổng đài trả lời “đợi tý” và khoảng 5 phút sau chị ấy tìm thấy tên tuổi của tôi.

Bây giờ sau 23 năm, tôi vào đến ngân hàng, không ăn mặc đẹp hay trang điểm mà chỉ cần đưa chứng minh thư ra, bạn nhân viên ngân hàng đã thỏ thẻ: Chị tập yoga có đau không?

Sự khác biệt lớn nhất nằm ở cách công chúng nhận diện một cá nhân nào đó.

- So với ngày trước, thói quen đọc báo, đọc tin của chị có gì khác biệt không?

- Thú thật tôi đúng là một đối đối tượng “cá vàng”. Tất cả mọi thứ trôi qua trong đầu tôi rất nhanh và tôi thấy mệt mỏi khi Facebook liên tục trưng ra các hình ảnh khủng bố, yêu đương ở đây, ở kia.

Tôi thấy mình già quá rồi không thể "nạp" nổi nữa. Vì vậy, hơn 5 năm trở lại đây, tôi không ra rạp xem phim, không đọc báo, kể cả báo điện tử lẫn báo giấy. Ngày xưa khi lái xe tôi hay nghe VOV giao thông nhưng giờ tôi không nghe nữa. Tôi thấy mình tụt hậu vì tôi không phải là người biết có cuộc khủng bố này kia đang xảy ra, hay giá xăng dầu hôm nay tăng, giảm bao nhiêu. Nhưng tôi thấy điều này cũng không ảnh hưởng đến cuộc đời mình.

Tôi đứng ngoài tất cả thông tin, tất cả những thứ “trendy” (thời cuộc). Mặc dù là một Facebooker, có nhiều thứ tôi cũng biết, cũng muốn nói nhưng đến bây giờ tôi theo chủ trương: nói ít, thậm chí không nói thì còn giá trị hơn là nói ra.

- Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, chị có lời khuyên gì cho các bạn trẻ không?

- Tôi đã đi qua đỉnh dốc, ở bên kia con dốc rồi, nên tôi nghĩ nếu các bạn còn trẻ thì các bạn cứ thoải mái, cứ thử hết cỡ đi, nhưng đến một lúc nào đó, các bạn cũng nên ngừng lại để nhìn xem mình thích cái gì. Ngày xưa mình thử 30, 40 thứ nhưng khi thời gian không còn nhiều, mình chỉ nên chọn ra 3, 4 thứ mình thật sự thích.

Rồi sẽ đến lúc thay vì đi khắp thế giới, mình chỉ ngồi uống một tách trà, nhìn vào chính bản thân mình thôi, đã thấy mình chính là cả thế giới rồi, không cần phải đi đâu cả.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM