[Hồ sơ] Thị trường smartphone Việt 2018: Bphone 3 tái xuất ngoạn mục, Vingroup lấn sân, nhưng các đại gia ngoại mới là đội "bao sân" và năm sau càng bành trướng hơn năm trước
Tương tự 2017, Samsung vẫn là đại gia nắm trong tay miếng bánh lớn nhất trong mảng smartphone Việt Nam trong năm 2018. Tuy nhiên, năm nay thị trường ghi nhận nhiều nét chấm phá khi Oppo bất ngờ tăng trưởng ngoạn mục; Bphone 3 ra mắt với chất lượng và mức giá tốt hơn hẳn hai phiên bản trước đây, hay Vingroup “lấn sân” để cho ra đời mẫu smartphone Vsmart vào tháng 12 vừa qua
Sân chơi di động Việt Nam "trong tay" Samsung và Oppo
Dù một số thương hiệu Việt như Mobiistar hay Asanzo đã trở nên phổ biến hơn với người dùng nhưng nhìn chung, thị trường vẫn nằm trong tay các hãng lớn của nước ngoài.
Số liệu cập nhật từ GfK cho thấy tính đến quý 3/2018, Samsung và Oppo là hai doanh nghiệp thống lĩnh thị trường di động Việt với hơn 65% thị phần.
Trong tháng 9, khi thị phần của Samsung có sự sụt giảm nhẹ thì Oppo lại có mức tăng tới 5,4%.
Sở dĩ Oppo làm được điều này là do hãng liên tục tung ra nhiều sản phẩm có mức cạnh tranh mạnh mẽ ở phân khúc tầm trung từ 3-5 triệu đồng và 7-10 triệu đồng.
Một đại diện Oppo từng chia sẻ: "Trong tháng 9 vừa qua, trong khi toàn thị trường đang đi xuống, bên cạnh số ít hãng cũng tăng nhẹ thì OPPO đã thực sự bứt phá. Hiện market share của OPPO là vị trí số 2 nhưng khoảng cách với vị trí số 1 được rút ngắn lại rất nhiều và bỏ rất xa các vị trí còn lại của thị trường".
Trên bình diện toàn thị trường, từ nhiều năm nay, ngành điện thoại gần như đã trở thành sân chơi độc tôn của các đại gia ngoại như Samsung, Apple hay Nokia, sau này có thêm sự góp mặt của các hãng điện thoại Trung Quốc như Oppo, Xiaomi, Vivo... Danh sách top 10 thị phần điện thoại hiện ghi nhận tới 9 cái tên đến từ nước ngoài (ngoại trừ Mobiistar).
Một điểm khá bất ngờ là dù chiếm thị phần lớn nhưng danh sách 10 smartphone dẫn đầu xu hướng tìm kiếm trên Google ở Việt Nam lại không có đại diện nào của Samsung. Trong khi đó Oppo có tới 4 sản phẩm với 2 sản phẩm được tìm nhiều nhất là Oppo F9 và Oppo F7.
Cuộc chiến mới trong phân khúc cận cao cấp
Tại Việt Nam, phân khúc tầm trung (từ 5 - 10 triệu) đang thống lĩnh thị trường di động nước ta. Theo thống kê của GKF, tính trong năm 2017 điện thoại tầm trung chiếm hơn 51% thị phần.
Nhưng khi thu nhập của người dân ngày càng khá lên, nhu cầu và khả năng chi trả nhiều hơn cho một chiếc điện thoại cũng tăng theo. Vấn đề là không phải ai cũng sẵn sàng bỏ ra 33 triệu cho chiếc iPhone XS Max bản thấp nhất hay 23 triệu cho Galaxy Note9. Đấy là khi phân khúc cận cao cấp trong khoảng từ 12-17 triệu được các hãng xem là miền đất mới để tập trung khai phá.
Điểm chung là những sản phẩm thuộc phân khúc này đều được được trang bị đầy đủ mọi thứ từ thiết kế, cấu hình, camera gần tương tự những smartphone cao cấp trên 20 triệu đồng nhưng mức giá lại mềm hơn rất nhiều.
Xiao Mi 8.
Xiaomi, OnePlus hay Oppo đang chứng tỏ là những tay chơi bắt "trend" khá tốt. Nhìn vào trang bị của OnePlus 6/6T, Xiaomi Mi 8/Mi Mix 3, có thấy nhận thấy những thiết bị này chẳng hề thua kém bộ đôi Galaxy S9/Note9 hay Huawei Mate 20.
Oppo có tiếp cận tương tự thông qua chiếc R17 mới khi đây là sản phẩm đầu tiên của hãng có cảm biến vân tay dưới màn hình lẫn cụm 3 camera sau, đồng thời "thửa" thêm công nghệ Super VOOC mới chỉ có trên Find X.
Sức nóng từ thị trường cận cao cấp khiến Samsung cũng không thể đứng ngoài cuộc. Nếu 2016 và 2017, mỗi năm hãng điện thoại có thị phần số 1 thế giới chỉ tung ra 1 dòng sản phẩm thuộc phân khúc này thì đến năm nay Samsung đưa ra tận 3 sản phẩm: Galaxy A8+ (đầu năm), Galaxy A8 Star (giữa năm) và Galaxy A9 (cuối năm).
Trong bối cảnh sự cạnh tranh ở phân khúc tầm trung đang ngày càng gay gắt khiến lợi nhuận các hãng ngày càng bị bảo mỏng, bên cạnh đó người dùng có nhiều động lực để chi tiêu nhiều hơn, cuộc chiến phát triển các dòng điện thoại cận cao cấp sẽ trở nên khốc liệt hơn trong thời gian tới.
Bphone 3 trở lại với chất lượng tốt hơn và mức giá hợp lý hơn
Mặc dù thương hiệu điện thoại ngoại đã áp đảo thị trường trong nhiều năm, tuy nhiên năm qua vẫn là một năm ghi nhận nhiều thông tin đáng chú ý của các thương hiệu điện thoại Việt, trong đó không thể không kể đến Bphone
2018 là năm chứng kiến sự trở lại khá thành công của Bphone, phiên bản điện thoại made-in-Vietnam do Bkav sản xuất. Nếu Bphone 1, Bphone 2 từng hứng không ít "gạch đá" vì sản phẩm vẫn còn nhiều vấn đề trong khi giá bán lại quá cao, thì Bphone 3 dường như đã giải quyết được cả 2 điểm nghẽn trên.
Nhiều chuyên gia đánh giá, với Bphone 3, người Việt cuối cùng đã có một chiếc smartphone made-in-Vietnam đáng để tự hào. Trong khi các mẫu điện thoại tầm trung khác chạy theo xu hướng "tai thỏ" như iPhone X thì Bphone 3 đi theo con đường riêng là vuông vắn. Đặc biệt ở tầm giá 6,99 triệu đồng, sản phẩm vẫn được trang bị những tính năng của phân khúc cao cấp như chống nước trong vòng 30 phút, camera xóa phông, bảo mật tuyệt đối ngay cả khi bị reset...
Ngoài bản tầm trung giá 6,99 triệu đồng, Bkav còn tung ra một bản nữa với tên gọi Bphone 3 Pro, giá 9,99 triệu đồng. Chiến lược đặt giá mới giúp Bkav tăng khả năng "đưa Bphone 3 đến cửa từng nhà", nhưng không đi quá xa định vị phân khúc cao cấp.
Dù không còn phân phối qua hệ thống Thế Giới Di Động như Bphone 2 mà hợp tác với chuỗi 300 cửa hàng liên kết, doanh số Bphone 3 vẫn khá ấn tượng. Theo tiết lộ từ Bkav, tính đến thời điểm đầu tháng 12, đã có 10.000 chiếc điện thoại Bphone 3 được bán ra, gần bằng doanh số Bphone 2 sau 1 năm ra mắt.
Vingroup nhập cuộc, làm smartphone giá chỉ từ 2,5 triệu đồng
Không chỉ có Bphone 3, dấu ấn Việt trên thị trường smartphone năm 2018 còn thể hiện qua sự xuất hiện của tân binh Vsmart. Để tiến vào mảng thị trường trị giá 7 tỷ USD này, tập đoàn Vingroup không ngần ngại đầu tư hệ thống nhà máy hiện đại tại khu tổ hợp sản xuất VinFast ở Hải Phòng với công suất lên tới 5 triệu sản phẩm/năm.
Chỉ trong nửa năm triển khai, nhà máy đã tiến vào quá trình sản xuất hàng loạt từ tháng 11/2018. Một tháng sau đó, các mẫu điện thoại VSmart chính thức trình làng. Cụ thể, 4 mẫu điện thoại thông minh với tên gọi Joy1, Joy1+, Active1 và Active1+ nhắm đến phân khúc đại chúng, với mức giá công bố từ 2,5 - 6,3 triệu đồng. Đây là phân khúc lớn nhất thị trường hiện nay với hơn 70% thị phần tính theo số lượng.
Để thúc đẩy doanh số, Vsmart còn áp dụng chính sách giá "3 không" trong giai đoạn đầu: không tính chi phí khấu hao, không tính chi phí tài chính vào giá sản phẩm và không tính lãi.
Như vậy đồng nghĩa Vsmart sẽ lỗ, nhưng tại sao lỗ mà họ vẫn làm? Nhiều ý kiến cho rằng Vingroup chỉ lấy smartphone làm "bàn đạp" để mở rộng sang lĩnh vực sản xuất thiết bị thông minh và tự động hóa. Hoặc giống cách Xiaomi đã làm, dùng Vsmart để tìm kiếm tương lai thông qua việc phát triển ứng dụng và dịch vụ Internet.
Thị trường smartphone Việt liệu đã bão hòa?
Trong năm 2018, sự xuất hiện của những thương hiệu mới như Vsmart hay Realme bên cạnh hàng chục thương hiệu lớn nhỏ khác tại một quốc gia đã có tới hơn 70% dân số dùng smartphone khiến thị trường được ví như "đại dương đỏ" đục ngầu.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất từ Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường điện thoại tại Việt Nam đã bước vào giai đoạn ổn định nhưng vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng nhờ vào hai yếu tố sau:
+ Tăng doanh số ở thị phần điện thoại thông minh;
+ Nhu cầu thay đổi điện thoại của nhóm khách hàng trung lưu và thượng lưu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Điều này đồng nghĩa với việc những doanh nghiệp tận dụng nhu cầu thay mới điện thoại của người tiêu dùng để tăng trưởng thị phần; hoặc tập trung cung cấp các sản phẩm smartphone giá rẻ cho tầng lớp khách hàng khu vực nông thôn sẽ vẫn có khả năng giành được chỗ đứng trong tương lai.