“Hồ sơ Panama“: Thủ tướng Anh - nạn nhân cao cấp tiếp theo

10/04/2016 14:34 PM | Xã hội

Vụ “Hồ sơ Panama” tiếp tục có thêm một nạn nhân khác, đó là Thủ tướng Anh David Cameron với cáo buộc liên quan đến quỹ đầu tư gia đình ở nước ngoài.

Trong bối cảnh biểu tình yêu cầu Thủ tướng từ chức, ông Cameron thừa nhận mình nên xử lý vụ các quỹ ở nước ngoài tốt hơn.

Phát biểu trước các phóng viên, ông Cameron cho biết sẽ công bố chi tiết tờ khai thuế cá nhân của mình như một nỗ lực làm dịu các cuộc biểu tình yêu cầu ông minh bạch tài chính hoặc từ chức: “Tôi biết mình nên xử lý tốt hơn. Xin đừng đổ lỗi cho số chính phủ Anh hay các cố vấn, hãy đổ lỗi cho tôi. Đây là bài học đáng nhớ cho tôi.Tôi sẽ không để mây mù che phủ điều này”.

Ông Cameron cho biết, ông đã mua cổ phiếu của một quỹ, cổ phiếu đó cũng như bao loại khác được ông trả thuế đầy đủ và đã bán toàn bổ cổ phiếu đó trước khi thành Thủ tướng. Ông cũng cho biết sẽ công bố tờ khai thuế cá nhân, không chỉ của năm nay mà còn của nhiều năm trước

Thủ tướng Anh đã bị cáo buộc lừa dối công chúng khi khẳng định ông và gia đình không liên quan tới các quỹ nước ngoài. Trước đó, hôm 5/4, ông Cameron tuyên bố rằng mình không sở hữu bất kì cổ phần nào ở công ty Blairmore Holdings của bố mình.

Tuy nhiên, ít ngày sau ông đã thừa nhận mình có bán số cổ phiếu trị giá 940 triệu bảng Anh tại Công ty Blairmore Holdings một thời gian ngắn sau khi nhậm chức Thủ tướng. Thủ tướng Anh khẳng định, Công ty Blairmore Holdings lập ra không vì mục đích trốn thuế. Tất cả số tiền ông có đều là minh bạch.

Vài ngày trước, thông tin rò rỉ từ vụ “Hồ sơ Panama” cho thấy ông Ian Cameron, bố của Thủ tướng Cameron, có tên trong danh sách với tư cách Chủ tịch hội đồng quản trị của Blairmore Holdings có trụ sở ở Bahamas. Quỹ đầu tư này bị cáo buộc đã tìm cách "tránh thuế" trong nhiều năm.

Ngay sau khi vụ “Hồ sơ Panama” tiết lộ gia đình Thủ tướng Anh có dính líu tới các hoạt động ngầm ở nước ngoài, hàng trăm người biểu tình đã yêu cầu ông Cameron từ chức. Theo những người vận động biểu tình, cuộc tuần hành chỉ kết thúc chừng nào ông Cameron từ chức.

Một số người tham gia biểu tình cho rằng: “Điều quan trọng là mọi người xuống đường để thể hiện họ rất quan tâm và muốn có sự thay đổi. Dù ông ấy có từ chức hay không thì đây cũng là điều tuyệt vời. Ông ấy có thể không từ chức nhưng sẽ phải tạo ra sự thay đổi và điều này là khởi đầu cho tất cả”.

Một khảo sát của YouGov cũng cho biết, mức tín nhiệm của ông Cameron đã xuống mức thấp nhất kể từ 7/2013. Trong số những người được khảo sát, 34% cho rằng ông Cameron là một Thủ tướng tốt trong khi 58% cho rằng ông đã lãnh đạo rất tồi. Ngoài ra, chỉ có 18% người Anh cho rằng ông Cameron đã trả lời thành thực, trong khi đến 56% không tin vào những lời ông nói.

Như vậy, Thủ tướng Anh là một nạn nhân cấp cao tiếp theo trong vụ “Hồ sơ Panama”. Sau quyết định từ chức của Thủ tướng Iceland, ông Gunnlaugsson, hiện lãnh đạo nhiều nước khác cũng đang bị thách thức sau khi thông tin từ “Hồ sơ Panama” được công bố.

Các đối thủ của Tổng thống Ukraine đang kêu gọi tiến hành điều tra các tài khoản nước ngoài của Tổng thống Poroshenko. Lãnh đạo Đảng cực hữu Ukaraine thậm chí còn đòi Quốc hội buộc ông Poroshenko từ chức.

Tại Argentina, một công tố viên đã yêu cầu tiến hành điều tra mối liên hệ giữa Tổng thống Mauricio Macrin và một công ty hải ngoại được nêu trong “Hồ sơ Panama”. Đảng đối lập tại Argentina cũng dự định sử dụng cuộc điều tra này làm đòn bẩy trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội năm 2017./.

Theo Anh Tuấn

Cùng chuyên mục
XEM