Những thăng trầm của ngành hàng không Việt Nam 2014
2014 là một năm đen tối với hàng không thế giới với hàng loạt sự cố, thảm họa. Với Việt Nam, ngành hàng không năm 2014 cũng trải qua nhiều thăng trầm.
Các hãng bay
IPO Vietnam Airlines: Quy mô 1.100 tỷ đồng, không có cổ đông là tổ chức nước ngoài
Ngày 14/11, Vietnam Airlines bán đấu giá hơn 49 triệu cổ phần, tương đương 3,5% vốn điều lệ. Với giá khởi điểm 22.300 đồng/cp, quy mô của đợt đấu giá này xấp xỉ 1.100 tỷ đồng.
Bên cạnh phần bán đấu giá công khai, Vietnam Airlines sẽ bán 20% cổ phần cho đối tác chiến lược và bán 1,5% cổ phần cho người lao động. Tổng số tiền dự kiến thu về của Vietnam Airlines sẽ vào khoảng hơn 6.000 tỷ đồng.
“Tôi đã nghĩ IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng – PV) Việt Nam Airlines là một trò đùa” – một đại diện nước ngoài lên tiếng tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VBF) diễn ra hồi đầu tháng 12 khi nhắc đến số lượng cổ phiếu bán đấu giá tương đương 3,5% vốn điều lệ.
Do nguồn cung quá nhỏ. Việc chỉ được tham gia với tỉ lệ quá thấp khiến nhà đầu tư sẽ khó có tiếng nói trong doanh nghiệp khiến các doanh nghiệp nước ngoài không mặn mà với đợt IPO này.
Sau IPO, hai ngân hàng thương mại đã mua gần 99% số lượng chào bán, trở thành cổ đông của Vietnam Airlines là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Nhà nước vẫn nắm giữ 75% cổ phần Vietnam Airlines, với vị thế một trong những doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất, Vietnam Airlines còn phải đáp ứng mục tiêu chính trị bên cạnh kinh tế.
VietJet Air nhận những máy bay đầu tiên đặt mua từ Airbus
Ngày 25/9/2013, từ Pháp, Vietjet Air phát đi thông cáo ký thỏa thuận nguyên tắc đặt hàng 100 máy bay (mua 92 chiếc và thuê 8 chiếc) với nhà sản xuất Airbus, tổng giá trị lên tới 9,1 tỷ USD.
Trước đó, đội bay của VietJet Air hiện gồm 8 chiếc A320-200, tất cả đều là máy bay đi thuê.
Cuối tháng 11/2014, hãng này vừa chính thức nhận 2 chiếc máy bay đầu tiên từ Airbus. Trong năm 2015 hãng sẽ nhận tiếp 10 chiếc, và năm 2016 thêm 10 chiếc nữa…
Vietnam Airlines cũng có kế hoạch thay toàn bộ đội bay thân rộng trong vòng hơn 3 năm từ 2015-2019. Theo đó, hãng hàng không này đã đặt hàng 14 máy bay A350 của hãng Airbus với giá 340 triệu USD mỗi chiếc. Đây được coi là một trong những dòng máy bay hiện đại nhất thế giới hiện nay.
[Xem thêm] 9,1 tỷ USD cho 100 máy bay của Vietjet 'cất cánh' từ đâu?
Cảng hàng không
Siêu dự án cảng hàng không Long Thành 18 tỷ USD
Sân bay quốc tế Long Thành là một dự án xây dựng một sân bay tại huyện Long Thành , tỉnh Đồng Nai ở miền Nam Việt Nam, cách TPHCM khoảng 40 km về hướng Đông Bắc. Với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm khi hoàn tất các giai đoạn, đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai. Dự án này nếu được thông qua và hoàn tất các giai đoạn, công suất sẽ lên tới 100 triệu hành khách/năm, sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, dự án này vẫn đang đặt ra nhiều nghi ngại với số vốn đầu tư khổng lồ - hơn 18 tỷ USD - sẽ tác động lên nợ công, chưa nói đến việc sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa phát huy hết công suất khi một phần sân bay này đang được cho thuê sân golf.
“Tôi khẳng định trong lúc khó khăn tìm ra được dự án có hiệu quả thì chúng tôi nghĩ rằng cần phải làm” – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu nhấn mạnh tại buổi tọa đàm “Dự án Long Thành: Cơ hội và thách thức” diễn ra ngày 17/10. Ông Tiêu cũng cho biết Nhật Bản có quan tâm và sẽ dành 2 tỷ USD cho dự án này. Tuy nhiên, sau đó, đại diện của Đại sứ quán Nhật Bản đã phủ nhận thông tin này.
Nhà ga hiện đại nhất Việt Nam đi vào hoạt động
Năm 2014 đánh dấu mốc nhà ga T2 Nội Bài đi vào hoạt động sau gần 3 năm xây dựng.
Nhà ga T2 có tổng mức đầu tư gần 900 triệu USD, tương đương gần 18 nghìn tỷ đồng, có diện tích gần 140.000 m2, gồm 4 tầng, công suất đáp ứng 10 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2015-2020) và 15 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2020-2030).
Ảnh: Zing.
Tại đây, 48 quầy làm thủ tục cố định sẽ được triển khai tại hai đảo G - H và có thể mở rộng thêm 12 quầy tại đảo E-F khi cần, nâng số quầy làm thủ tục lên gấp đôi so với khả năng cung ứng ở nhà ga T1 hiện nay.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhà ga T2 sẽ giải quyết được tình trạng quá tải nghiêm trọng thời gian qua tại nhà ga T1, đảm bảo lưu lượng vận chuyển hiện tại cũng như trong tương lai, khắc phục những hạn chế trong quản lý và khai thác.
[Xem thêm] Bên trong cảng hàng không hiện đại nhất Việt Nam
‘Danh sách đen’ về chỗ nghỉ tại sân bay
Việc nhà ga T2 đi vào hoạt động được hy vọng là sẽ cải thiện chất lượng dịch vụ tại sân bay Nội Bài – sân bay bị xếp hạng vào Top 10 sân bay có chất lượng tệ nhất châu Á do trang Sleepinginairports công bố. Trong danh sách này, sân bay Nội Bài xếp thứ 5 và sân bay Tân Sơn Nhất xếp thứ 8.
Lý do mà Sleepinginairports đưa ra khi xếp sân bay quốc tế Nội Bài ở vị trí thứ 5 trong danh sách là do sân bay này nóng, lộn xộn và không sạch sẽ. Trong khi đó, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thì cơ sở vật chất ở mức trung bình, mức độ sạch sẽ tùy thời điểm nhưng cũng như Nội Bài, điều hòa có vấn đề. Ngoài ra, Wifi khá tệ, chưa kể đến khó khăn trong việc tìm một chiếc ghế ngồi trong thời gian chờ bay.
Sleepinginairports còn đưa ra cảnh báo hành khách nên lường trước: Chỗ ngồi cho người chờ máy bay và chỗ ngủ cho những hành khách phải quá cảnh là vấn đề khá lớn.
Các sự cố hàng không
Mất điện không lưu – sự cố chưa từng có trong ngành hàng không thế giới
Chưa năm nào các nhân viên hàng không, từ nhân viên kíp trực đến cơ trưởng, cơ phó... lại bị đình chỉ để điều tra liên quan tới các sự cố hàng không nhiều như năm nay.
Sự cố mất điện không lưu diễn ra hồi 11h05 ngày 20/11 được coi là sự cố hy hữu chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không thế giới khi một trung tâm kiểm soát mất năng lực điều hành trong 35 phút. Sự cố xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC Hồ Chí Minh).
Kết quả: 54 tàu bay trong khu vực trách nhiệm của AACC Hồ Chí Minh trên tổng số 92 tàu bay bị ảnh hưởng trong thời gian sự cố. “Đây là sự cố nghiêm trọng và lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam... Trong vòng 35 phút đó, sân bay Tân Sơn Nhất không còn khả năng tiếp cận bay, ảnh hưởng đến tất cả các chuyến bay hoạt động trong Vùng Thông báo bay Hồ Chí Minh và các Vùng thông báo bay lân cận, cần phải tiến hành điều tra”, Cục trưởng Lại Xuân Thanh tuyên bố.
Sự cố xảy ra được xác định do Kíp trưởng kíp trực điện nguồn thuộc Đội bảo đảm môi trường kỹ thuật, Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật, Công ty Quản lý bay miền Nam, đã không nắm được kỹ thuật, thao tác sai khiến cả 3 hệ thống lưu điện (UPS) đều bị sập. Nhân viên kỹ thuật khi xảy ra sự cố, thay vì đóng lại điện, lại tiến hành sửa UPS. Sau khi nhân viên tiến hành đóng điện lưới thì Kíp trưởng lại tác động can thiệp sai vào UPS khiến UPS nhảy ngược lại và hệ thống lại tiếp tục mất điện.
Ngày 11-12/12, Kíp trưởng Lê Trí Tình đã bị bắt và khởi tố để điều tra về hành vi “vi phạm về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông”..
Các sự cố kỹ thuật hy hữu khác
Ngày 16/12, sự cố máy bay Vietnam Airlines xuất phát từ TPHCM đến Vinh phải hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Nội Bài đã khiến hành khách một phen kinh hoàng khi có thông tin chuyến bay bị uy hiếp an toàn bay do tổ bay ấn... nhầm nút. Dù Vietnam Airlines đã khẳng định sự cố trên là do trục trặc kỹ thuật, nhưng 26/135 hành khách đã không lên chuyến bay về Vinh mà xin ở lại sân bay Nội Bài.
Đây không phải là sự cố hiếm hoi của ngành hàng không Việt Nam trong năm nay. Cuối tháng 10, chuyến bay HVN 1376 (máy bay Airbus A321) của Vietnam Airlines khởi hành từ TP.HCM đi Huế suýt va chạm với máy bay quân sự trên vùng trời Tân Sơn Nhất do lỗi phối hợp của kiểm soát viên hiệp đồng.
Cũng trong tháng 10, một chiếc máy bay khác của Vietnam Airlines sau khi hạ cánh đã được phát hiện một bên trục càng trước bị gãy và 1 chiếc lốp bị rơi ra ngoài.
Trước đó, hồi tháng 6, gần 200 khách của VietJet Air xuất phát từ sân bay Nội Bài - Hà Nội đi sân bay Liên Khương - Đà Lạt lại được chở đến sân bay Cam Ranh - Nha Trang!?
Chiến dịch tìm kiếm MH370
Đây là vụ tai nạn hàng không nhiều tổn thất và bí ẩn nhất trong năm 2014.
Chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines là một chuyến bay thường lệ của Malaysia Airlines từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh , khởi hành từ Kuala Lumpur vào lúc vào 0 giờ 41 MST ( UTC+8 ) ngày 8/3, dự kiến tới Bắc Kinh vào 6h30 cùng ngày. Máy bay chở 239 hành khách, trong đó có hai trẻ sơ sinh, cùng với 12 thành viên phi hành đoàn. Máy bay đã mất liên lạc 1 phút trước khi vào Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh thuộc không phận Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các phân tích từ dữ liệu vệ tinh, phi cơ được cho là kết thúc hành trình ở vùng biển phía nam Ấn Độ Dương.
Các cơ quan hữu quan Malaysia, Philippines, Singapore, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Việt Nam đã tiến hành công tác tìm kiếm và cứu hộ chung để tìm kiếm chiếc máy bay cùng 239 người mất tích nhưng chưa có kết quả. Tổng cộng đã có 26 quốc gia tham gia nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ quốc tế chiếc MH370, với quy mô vượt xa việc tìm kiếm chiếc máy bay 447 của Air France, đâm xuống Ấn Độ Dương vào năm 2009 khiến 228 người thiệt mạng.
Ước tính chi phí tìm kiếm MH370 gấp 10 lần chi phí tìm kiếm máy bay của Air France, tức khoảng 400 triệu USD, theo Nhà hải dương học Zhao Chaofang, thuộc Đại học Hải Dương Trung Quốc phát biểu hồi đầu tháng 4.
Theo tờ WantchinaTimes, Việt Nam, quốc gia đầu tiên tham gia tìm kiếm và cứu hộ chiếc MH370 của MAS, đã chi khoảng 950.000 USD/ngày và khoảng 10.000 USD/giờ cho mỗi chiếc máy bay. Từ ngày 8-15/3, các máy bay của Việt Nam đã rà soát khu vực biển Đông ít nhất 10 tiếng một ngày, với chi phí tổng cộng lên tới 8 triệu USD.
Hồi tháng 10, chiến dịch tìm kiếm MH370 bắt đầu trở lại sau hơn 4 tháng tạm hoãn để thăm dò đáy biển không mang lại kết quả.
>> 2014 - Năm đại hạn của các hãng bảo hiểm hàng không
Bảo Bảo