Hiệu phó Đại học Hoa sen: Nhà tuyển dụng rất ngại mướn người học siêu giỏi, vì người siêu giỏi hay sợ thất bại lắm!
Hiệu phó Đại học Hoa Sen, GS-TS Trương Nguyện Thành thẳng thắn chia sẻ sau câu chuyện nữ thủ khoa phải về chăn lợn: Nhiều em nghĩ rằng tôi học giỏi, bằng thủ khoa hoặc bằng giỏi, tôi ra đời người ta sẽ mướn tôi. Đó là một nhận định sai lầm!
Thủ khoa về quê chăn lợn vì chưa tìm được việc - là chủ đề nóng trong cộng đồng trẻ suốt thời gian qua. Tiêu đề bài viết ngắn gọn nhưng đủ thông tin gây tranh cãi đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu độc giả.
Khi có đủ thời gian nhìn nhận sự việc ở nhiều góc độ, tìm hiểu cặn kẽ gốc rễ của vấn đề, chúng ta mới "À" lên một tiếng! À thì, chăn lợn cũng là một nghề chân chính mà, có gì đáng lên án đâu. Cách mà bạn trẻ thủ khoa kia xoay sở trước hoài bão và thực tế khiến chúng ta phải suy nghĩ. Trăn trở "làm nghề gì cũng được, miễn là tương xứng với trình độ học vấn hay về quê chăn lợn chờ thời" có thể là đại diện cho suy nghĩ của nhiều bạn trẻ khi lựa chọn công việc.
GS-TS Trương Nguyện Thành, Hiệu phó của trường Đại học Hoa Sen, nổi tiếng với câu chuyện vượt khó. Ông từ cậu bé làm ruộng trở thành giáo sư nổi tiếng ở Mỹ. Gần đây, ông được biết đến khi diện quần đùi áo may ô đứng lớp để giúp học trò cởi bỏ những định kiến đang trói buộc tư duy... Giáo sư đã có những chia sẻ sâu sắc về vấn đề "Thủ khoa về quê chăn lợn".
GS-TS Trương Nguyện Thành, Hiệu phó của trường Đại học Hoa Sen, trong buổi nói chuyện.
Trên đời không ai thành công hoài
Chào giáo sư,
Khi đọc câu chuyện thủ khoa phải về quê chăn lợn, đợi đến kỳ thi công chức để thi tuyển nhưng chưa được, giáo sư có suy nghĩ gì?
Tiếc! Tiếc rẻ vì giới trẻ bây giờ thông minh, chịu khó học nhưng lại thiếu đi sức phấn đấu, thiếu cái nhìn sự việc đúng đắn, thiếu đánh giá tương lai chuẩn xác. Bài viết về cô bé Hà lại khiến tôi nhớ đến câu chuyện sinh viên ra trường muốn có thu nhập 2.000 USD/tháng cách đây chưa lâu. Tôi thấy các em sinh viên đang ảo tưởng về một tương lai không có thực.
Một phần lỗi nằm ở truyền thông khi cứ thổi phồng lên thành quả của người thành công, mà biết bao cái thất bại ở sau lưng thì lại không nói đến. Ngàn người mới có một người thành công, thành công đôi khi cũng nhờ may mắn, các bạn trẻ đừng nghĩ ai cũng sẽ được như vậy mà hão huyền chính mình.
Chúng ta hay thổi phồng lên thành quả của người thành công, mà biết bao cái thất bại ở sau lưng thì lại không nói đến.
Giáo sư nghĩ một phần lỗi nằm ở cách thổi phồng thành tích, vậy thì liệu việc vinh danh thủ khoa có cần thiết?
Ở Mỹ, thủ khoa được nhà trường trao cho vinh dự lên nói chuyện trước toàn trường vỏn vẹn 5 phút, ngoài ra không còn ai biết người đó từng là thủ khoa ngoài bản thân họ.
Vinh danh long trọng đem đến áp lực rất lớn cho người trẻ. Rất nhiều người giỏi tôi đã gặp, khi họ thất bại, họ chịu không nổi. Áp lực đặt lên vai họ rằng mình đã là như vậy, cho nên mọi người nghĩ mình phải được như vậy trong tương lai. Đôi khi, áp lực quá lớn khiến họ tìm đến cái chết.
Vậy nên, tôi không muốn chuyện vinh danh bị làm quá lên như hiện nay. Ở những xã hội khác, cộng đồng khuyến khích bạn trẻ làm tốt hơn hằng ngày. Khi em làm điều gì tốt, cha mẹ vỗ vai nói: "Good job" thế là xong! Còn nếu em thất bại, họ sẽ nói: "Hey! Next time to be better" (Lần sau phải tốt hơn nhé!). Họ tập trung vào khuyến khích lúc người trẻ ngã, chứ không để ý quá nhiều đến chuyện thành công.
Trên đời không ai thành công hoài! Nếu không thất bại chỗ này, họ cũng sẽ bại chỗ khác.
Còn ở ta, cộng đồng - xã hội - gia đình tâng bốc khi người trẻ thành công, tạo nên suy nghĩ rằng tôi phải được như vậy thì cha mẹ thương, mọi người chú ý, mới nhận được sự tôn trọng của xã hội. Nếu người lớn biết cách động viên con cái sau những thất bại, điều đó sẽ khiến người trẻ có thêm một khả năng mới, tạm gọi là "kháng bại".
Trên đời không ai thành công hoài! Nếu không thất bại chỗ này, họ cũng sẽ thất bại ở chỗ khác. Những người rất giỏi thường gặp thất bại ở đường gia đình, vì bản thân họ không có khả năng phát triển quan hệ giữa con người với con người. Người siêu giỏi cũng không có nhiều cơ hội để phát triển mình hơn nữa do ảnh hưởng tâm lý, áp lực.
Người siêu giỏi khó xin việc vì ngại xông pha, sợ thất bại
Nếu giáo sư trong vai nhà tuyển dụng, ông có muốn thuê thủ khoa này về trường mình giảng dạy không?
Nếu như Hà không chịu đi làm thêm vài tháng nữa thì những kiến thức không sử dụng đến sẽ đi vào quên lãng. Ở đâu cũng vậy, nhà tuyển dụng sẽ để ý đến quãng thời gian mà bạn không đi làm. Bạn nên biết rằng, những gì mà bạn làm và bạn không làm đều thể hiện được con người của bạn.
Đừng nghĩ rằng chỉ khi nào tôi làm, tôi mới thể hiện hết con người của mình! Ngay cả khi bạn không làm gì, nhà tuyển dụng cũng đánh giá trên khía cạnh đó. Tôi ví dụ thế này, nếu như một bạn trẻ đi xin việc nhưng kinh nghiệm làm việc trong hồ sơ bị trống một năm, chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ hỏi: Anh làm gì với cái năm đó?
Anh ta trả lời: Tôi mệt, tôi ở nhà, ăn rồi không làm gì.
Nhà tuyển dụng sẽ kết luận: thứ nhất, anh không có tính tự lập, thứ hai, không có tinh thần trách nhiệm (cha mẹ nuôi anh lớn cỡ này, anh học xong về nhà còn bòn cha mẹ nữa).
Đây chính là suy nghĩ của nhà tuyển dụng.
Trong thời buổi báo chí đang rần rần nói về Cách mạng Công nghệ 4.0 với những thay đổi chóng mặt trong thị trường lao động, bạn ra trường mà cứ tàng tàng không kiếm việc thì sớm muộn cũng bị rơi ra khỏi guồng quay của xã hội.
Nhiều em nghĩ rằng tôi học giỏi, bằng thủ khoa hoặc bằng giỏi, tôi ra đời người ta sẽ mướn tôi. Đó là một nhận định sai lầm!
Đa số người tuyển dụng tuyển nhân viên không chỉ vì điểm số mà thậm chí là gạt bỏ tiêu chí đó. Họ sẽ ngồi nói chuyện và tiếp xúc với ứng viên để xem trình độ về ứng xử, độ già dặn, kỹ năng mềm của người đó ra sao. Tại vì sao? Nếu tôi mướn anh hoăc tôi mướn cô, anh và cô phải học thêm hằng ngày vì kiến thức mà các sinh viên mới ra trường có chỉ là A B C D thôi.
Người tuyển dụng luôn nghĩ chuyện đường dài, không nghĩ đến vấn đề của hiện tại.
Nếu bạn trẻ không suy nghĩ công việc đòi hỏi mình phải học nữa và học hoài thì tôi thà mướn một em dở hơn thủ khoa nhiều lần nhưng em ấy ham học thay vì mướn một người trẻ mà nghĩ là mình biết hết. Với một nhân viên mới ham học, ham tìm hiểu thì chỉ trong vòng 3 năm, bạn ấy có thể vượt xa trình độ thủ khoa không chịu học. Người tuyển dụng luôn nghĩ chuyện đường dài, không nghĩ đến vấn đề của hiện tại.
Vậy có nghĩa là người giỏi và siêu giỏi mà không chịu học hỏi, không chấp nhận quên đi danh hiệu mình có được ở trường thì sẽ có nguy cơ thất nghiệp cao hơn những bạn bình thường?
Chính xác là như vậy! Thường thì nhà tuyển dụng rất ngại mướn những bạn siêu giỏi. Cái đứa học siêu giỏi như thủ khoa nó chỉ có biết bài vở à. Trong khi, những bài toán thực tế ở đời lại không có đáp số. Bạn sẽ không biết rằng cách giải quyết của bạn là đúng hoặc là sai!
Nhà tuyển dụng sẽ luôn xem xét cách bạn giải quyết vấn đề. Những đứa giỏi sẽ hay có suy nghĩ nếu thử cái này nhỡ nó hư thì sao, nhỡ thất bại thì sao? Những đứa giỏi là những đứa rất sợ thất bại vì với chúng nó, thất bại là một thứ gì đó lớn lao lắm. Nó chịu không được cảm giác đó.
Cuộc đời là một ẩn số, có giỏi đến đâu bạn cũng chưa chắc đã giải được.
Đừng bao giờ chọn một công việc vì vật chất hay lương bổng
Thưa giáo sư, ông có từng chứng kiến một câu chuyện nào trong thực tế mà người giỏi lại không "được việc" bằng người bình thường?
Cách đây hơn 10 năm, tôi có nhận 5 đứa học trò Thái Lan du học theo diện có học bổng của chính phủ. Tôi xếp 5 đứa này theo thứ hạng từ giỏi đến dở. Trong đầu tôi lúc ấy cứ nghĩ đứa giỏi nhất sau này sẽ thành công nhất, vì nó biết hết mọi thứ. Đứa dở nhất nó chỉ được mỗi một điểm cộng là thân thiện, hòa đồng và rất dễ kết bạn, quan hệ con người giỏi.
Tôi nghĩ thầm, nếu con bé này có bằng tiến sĩ thì chắc cũng về đi dạy bình thường thôi. 15 năm sau, hiện tại, nó ngược lại. Đứa mà tôi đánh giá dở nhất bây giờ trở thành Phó giáo sư nổi tiếng nhất Thái Lan. Còn đứa giỏi nhất, 2 năm sau khi thi tiến sĩ, nó mệt mỏi và không muốn làm gì nữa. Hiện tại, nó chỉ đi dạy ở một trường đại học làng nhàng bên Thái.
Câu chuyện này cho thấy điều gì? Thông minh, học giỏi không phải là yếu tố thành công trên đường dài. Giáo dục nên khuyến khích chuyện học và phát triển một người trẻ theo hướng toàn diện.
Một con người góc độ nào cũng bầu tròn đủ đầy thì tốt hơn nhiều.
Toàn diện ở đây là gì? Em có kiến thức chuyên môn (mặc dù không siêu nhưng đủ), em có khả năng ứng xử, giao tiếp, giải quyết vấn đề, tâm lý ổn định, cái nhìn xã hội đúng đắn, cách phân tích vấn đề chững chạc. Tức là em trở thành một con người toàn diện chứ không góc cạnh, chỗ vượt lên thiệt cao, chỗ kia teo nhách. Một con người góc độ nào cũng bầu tròn đủ đầy thì tốt hơn nhiều.
Một số bạn trẻ cho rằng ra trường khó xin việc, thôi thì đi chạy xe ôm công nghệ kiếm sống qua ngày, đỡ hơn thủ khoa về quê nuôi lợn, giáo sư nghĩ sao về quan điểm sống ấy?
Công việc phải tương xứng với trình độ học vấn. Tôi không ủng hộ chuyện sinh viên tốt nghiệp rồi ra đường chạy xe ôm. Nó không đúng trình độ.
Đừng bao giờ chọn một công việc vì vật chất, vì lương bổng hay vì danh dự của công việc. Mà hãy chọn công việc vì cơ hội mà nó có thể đem lại. Vì cơ hội nó không đến một lúc nhiều lần. Cơ hội nó mở ra từng cửa một.
Bây giờ tôi ra trường, tôi không có công việc làm, phải trả tiền nhà, ăn ở lại không thể ngửa tay xin bố mẹ. Tài sản duy nhất tôi có chỉ có chiếc xe honda. OK, tôi chịu chạy Grab, nhưng chạy Grab chỉ để trang trải tiền nhà, chỉ để mua ổ bánh mì thịt ăn mà sống. Thời gian còn lại, tôi sẽ dùng để đi tìm cơ hội cho tương lai mình. Tôi chạy Grab để sống và tìm tương lai chứ không phải trông cậy đồng tiền của Grab để mà sống và cam chịu số phận. Hai cái nó hoàn toàn khác nhau.
Ngồi nhà mà chờ sung rụng, sung chẳng bao giờ rụng ngay miệng mình cả!
Trong trường hợp của Hà, ra trường nhưng không có việc làm. Tôi cũng không thể suốt ngày vác đơn đi xin chỗ này chỗ kia mãi được. Vậy thì bây giờ tôi làm gì? Tại sao không dành thời gian đó đi làm thiện nguyện hoặc làm ở nơi nào mà mình biết họ cần kiến thức của mình?
Thiện nguyện sẽ mang lại cho bạn rất nhiều mối quan hệ mới, từ quan hệ đó sẽ mở ra nhiều cơ hội khác, cơ hội lại dẫn đến cơ hội. Ngồi nhà mà chờ sung rụng, sung chẳng bao giờ rụng ngay miệng mình cả!
Kiến thức mà sinh viên được học ngày hôm nay, 5 năm nữa chưa chắc xã hội cần. Tại sao? Con robot nó làm được thì mình phải làm cái khác chứ, mình phải làm cái gì mà con robot nó làm không được. Bạn trẻ buộc phải có khả năng thay đổi nhanh chóng để đi trước, đón đầu nếu không muốn bị loại bỏ.
Theo giáo sư, ngoài nhận định sai lầm về chuyện chạy xe ôm công nghệ kiếm sống thì ông thấy hiện nay bạn trẻ Việt còn mắc những sai lầm nào khác trong suy nghĩ?
Các bạn trẻ muốn sau khi ra trường muốn làm được lương 2.000 USD - 3.000 USD tháng nên ngồi xuống và suy nghĩ lại. Chỉ khi nào bạn chứng minh được tôi có thể đem lại nguồn thu cho công ty 5.000 USD/tháng, thì lúc ấy bạn hãy đòi "ông chủ" trả lương 2.000 USD/tháng cho mình.
"Ông chủ" của bạn phải trả tiền thuê mướn, bảo hiểm, đủ thứ tiền cho cái vị trí của bạn ngồi, và ông ta còn phải có lời nữa chứ.
Một vấn đề nữa, tôi thấy các bạn trẻ có nhận định là đi làm cho nhà nước thì an toàn, lương thấp nhưng không mất việc, nhàn. Tằng tằng đến cơ quan coi báo hết ngày về cũng không ai nói gì. Cái nhận định ấy lại càng sai lầm nữa.
Nơi nào khó khăn nhất, nơi đó có nhiều cơ hội nhất. Càng khó khăn, càng có ít người có khả năng giải quyết xông pha. Mà mình dám làm thì mình có nhiều cơ hội để thể hiện. Trong khi đó giới trẻ lại sợ khó khăn, sợ những công việc khó.
Công việc dễ, lương cao, nhàn, an toàn... những cái đó là dành có những ông già như tôi làm. Mà già như tôi đây còn chọn từ Mỹ về Việt Nam với đầy rẫy thử thách. Thử hỏi, các bạn trẻ hơn tôi đang làm gì?
Nhân buổi trao đổi này, điều gì từ đáy lòng giáo sư muốn nhắn nhủ đến các sinh viên đang đứng trước ngưỡng cửa vào đời?
Các sinh viên hãy đặt mình vào vị trí ngược lại, khi muốn một điều gì đó. Thí dụ, hãy đặt mình vào vị trí ông chủ và hỏi: Tại sao ổng muốn mướn mình? Mình có cái gì để ổng chọn?
Lời nhắn nhủ của GS-TS Trương Nguyện Thành dành cho bạn trẻ.
Thực tế không như những hoài bão, ảo tưởng mà các em sinh viên hiện nay đang nghĩ về lương bổng, công việc, cơ hội, tuyển dụng... Các em phải nhìn từ thực tế đó và đánh giá lại con người mình, mình đã chuẩn bị chưa? Nếu không, xã hội sẽ loại bỏ mình.