Tiền gửi ở nước ngoài của người Việt bất ngờ tăng vọt lên 7,3 tỷ USD

12/04/2016 15:34 PM | Ngân hàng - Tài chính

Tiền gửi ở nước ngoài của người Việt vốn không đáng kể trong những năm trước bỗng gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỷ USD. Trong khi đó, nhiều ngân hàng trong nước lại phải ra nước ngoài vay ngoại tệ...

Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý 1 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới công bố chiều 12/4 cho thấy: Một nhân tố mới xuất hiện là dòng vốn đầu tư khác mà cấu phần chủ yếu là tiền gửi ở nước ngoài, vốn không đáng kể ở những giai đoạn trước, gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỷ USD (ghi nhận đến quý III/2015).

“7,3 tỷ USD là một con số khổng lồ. Đây là diễn biến bất thường cần phải tiếp tục theo dõi xu hướng, giải thích và dự báo xu hướng chặt chẽ”, TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện VEPR cảnh báo.

Trong khi tiền gửi ở nước ngoài lên tới hàng tỷ USD, nhiều ngân hàng Việt Nam lại phải ra nước ngoài vay ngoại tệ. Mới đây, một ngân hàng Việt Nam đã thông báo ký được hợp đồng vay 200 triệu ngoại tệ do 18 ngân hàng Đài Loan thu xếp.

“Chúng ta vay 200 triệu USD lãi suất là bao nhiêu? Tại sao phải đi vay khi lãi suất huy động ở Việt Nam là 0%, tức lãi vay trong dân là 0. Nhà kinh doanh không bao giờ đi vay mà bỏ chỗ lãi suất rẻ để đi tìm nơi có lãi suất cao, nhưng họ lại phải đi vay tới 200 triệu USD. Đấy là cả một vấn đề”, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy nêu thắc mắc.

Cũng cần lưu ý là trong cùng giai đoạn trên, trạng thái ngoại hối của hệ thống ngân hàng thương mại không có sự biến động quá lớn.

Theo giả thuyết của VEPR, diễn biến bất thường này, một phần, có thể xem như tình trạng “bẫy thanh khoản” với ngoại tệ của hệ thống ngân hàng.

Lãi suất huy động và cho vay USD vốn dĩ đã ở mức thấp, cộng với kỳ vọng tỷ giá USD/VND tăng lên sau sự kiện Trung Quốc phá giá tiền tệ, khiến thị trường không tìm được mức lãi suất cho vay ngoại tệ cân bằng.

Hệ quả là, NHTM không tìm được đầu ra cho dòng vốn tiết kiệm ngoại tệ nên gửi tiền không kỳ hạn/kỳ hạn ngắn ở ngân hàng nước ngoài là giải pháp sinh lợi tối ưu nhất.

Nếu giả thuyết là đúng, dòng tiền gửi ở nước ngoài có thể tiếp tục gia tăng trong các giai đoạn sau do chính sách hạ lãi suất huy động USD về 0%/năm và hạn chế đối tượng vay vốn ngoại tệ.

Việc đưa lãi suất huy động về 0%/năm đã triệt tiêu động lực tiết kiệm ngoại tệ có kỳ hạn, do đó phần lớn các khoản tiền gửi ngoại tệ sẽ để ở trạng thái không kỳ hạn.

Các NHTM sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối thanh khoản ngoại tệ và cung ứng các khoản vay ngoại tệ cho doanh nghiệp, và do đó tiếp tục lựa chọn giải pháp gửi tiền ở nước ngoài.

“Chúng tôi cho rằng chống đô la hóa là một chủ trương đúng của NHNN, tuy nhiên các giải pháp đồng bộ tạo niềm tin vào tiền đồng cần được triển khai. Chỉ khi đó, nền kinh tế mới sử dụng được nguồn vốn ngoại tệ khối lượng lớn đang gửi ở nước ngoài”, TS. Thành khuyến nghị.

Theo ghi nhận của VEPR, bất ổn trong cán cân thanh toán trong số liệu thống kê đến Quý 3/2015 cho thấy, cán cân thanh toán đã có những diễn biến bất thường sau sự kiện Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ trong tháng 8.

Cán cân tổng thể chuyển từ trạng thái cân bằng sang thâm hụt lớn 6,6 tỷ USD trong Quý III/2015, chủ yếu do cán cân tài chính đổi chiều.

Đáng lưu ý, hai cấu phần quan trọng nhất của cán cân tài chính là dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài không có sự biến động đáng kể.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM