Hiện tượng thời tiết cực đoan '10 năm có 1' diễn ra ngày càng nhiều, Trung Quốc loay hoay kiểm soát gần 100.000 con đập

20/08/2021 20:09 PM | Kinh doanh

Trung Quốc có khoảng 98.000 con đập, hầu hết đều có quy mô nhỏ và được xây dựng từ trước những năm 1970. Ý tưởng của họ khi xây dựng là trữ nước sau đó xả lũ một cách cẩn thận, từ đó họ có thể ngăn chặn những thảm hoạ như lũ lụt năm 1931 hay năm 1998.

Tình trạng lũ lụt diễn ra hàng năm trên sông Dương Tử là một trong những lý do thúc đẩy Trung Quốc xây dựng đập Tam Hiệp - lớn nhất trong mạng lưới hàng chục nghìn con đập của quốc gia này.

Ý tưởng của họ khi xây dựng là trữ nước sau đó xả lũ một cách cẩn thận, từ đó họ có thể ngăn chặn những thảm hoạ như lũ lụt năm 1931 hay năm 1998 - khiến hàng triệu người thiệt mạng. Một thứ trưởng tài nguyên nước này cho biết ngay sau khi dự án được hoàn thành: "Đập Tam Hiệp là công cụ nỗ lực kiểm soát lũ lụt của chúng tôi."

Trung Quốc có khoảng 98.000 con đập, hầu hết đều có quy mô nhỏ và được xây dựng từ trước những năm 1970. Ngoài việc kiểm soát lũ, các con đập này còn đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất điện năng và đảm bảo an ninh nguồn nước. Song, tình trạng lũ lụt nghiêm trọng trong những năm gần đây do những trận mưa lớn bất thường lại tạo những thách thức lớn trong việc vận hành những con đập này.

Tháng trước, đập Yihetan - con đập lớn ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, đã vỡ và gặp hư hại nghiêm trọng sau trận mưa lớn. Ngoài ra, 2 đập khác ở khu vực Nội Mông cũng vỡ và sập sau khi bị tràn nước, ảnh hưởng đến hơ 16.000 người. Mưa lớn vào năm ngoái cũng làm dấy lên mối lo ngại về sự ổn định của đập Tam Hiệp, sau khi nước dâng cao hơn mức ngăn lũ của nó.

Wen Wang - giáo sư ngành thuỷ văn tại Đại học Hồ Hải, nhận định: "Do biến đổi khí hậu, lượng mưa ngày càng lớn. Đây là yếu tố có thể chưa được xem xét trong quá trình thiết kế đập." Ông cũng nói thêm, đó là vấn đề lớn mà các kỹ sư phải chú ý, nhưng lại rất khó để dự đoán chính xác lượng mưa lớn như thế nào.

Theo báo cáo mới của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), lượng mưa lớn và lũ lụt vốn được coi là sự kiện "10 năm có 1" sẽ xảy ra nhiều và thường xuyên hơn. Ở Đông Á, IPCC dự báo, lượng mưa lớn sẽ tăng cả về tần suất và cường độ.

Ví dụ như thành phố Trịnh Châu đã chứng kiến 1 ngày có lượng mưa tương đương với 1 năm. Mưa lớn vào ngày 20/7 đã gây ra lũ lụt, khiến hơn 300 người thiệt mạng, trong đó có nhiều người bị mắc kẹt ở các bãi đỗ xe hoặc hệ thống tàu điện ngầm.

Johnny Chan - giáo sư khoa học khí quyển tại Đại học Đại học Thành phố Hồng Kông, cho biết lượng mưa như vậy "chưa từng xảy ra ở khu vực này của Trung Quốc". Tuy nhiên, khi Trái đất nóng lên, tốc độ bốc hơi cũng tăng thì điều này có thể không còn bất thường.

Theo báo cáo được uỷ quyền bởi Trung tâm Khí hậu Quốc gia thuộc Cục Khí tượng Trung Quốc, nhiệt độ trung bình trong năm 2020 đã cao hơn những mùa trước đó. Trong khi đó, lượng mưa hàng năm của cả nước vào năm 2020 được xếp hạng cao thứ 4 kể từ năm 1951. Mưa lớn đã gây lũ lụt trên khắp miền nam, miền trung và miền đông Trung Quốc. Do đó, mức nước tại đập Tam Hiệp đã tăng gần 2m so với mức ngăn lũ của nó.

Mohammad Heiderzahad - phó giáo sư ngành kỹ thuật dân dụng Đại học Brunel tại London, nhận định, một trong những con đập bị sập vào năm nay là Xinfa ở Nội Mông "được xây dựng và chuẩn bị tốt cho những trận lũ lụt". Là một kỹ sư xây dựng đập, Heiderzahad cho biết, con đập vẫn nhanh chóng sập dù có 2 đập tràn và một cửa xả khẩn cấp. Theo ông, nguyên nhân có thể là do lượng mưa lớn đã vượt qua mức "lũ lụt tối đa" mà con đập được thiết kế.

Một số khác lưu ý rằng tuổi thọ của con đập có thể là yếu tố quan trọng cần cân nhắc. Theo một bài báo được đăng tải trên Nature Communications năm 2021, những con đập đã hoạt động lâu năm phải đối mặt với những rủi ro từ nhiệt độ, tuyết và lưu lượng, làm tăng nguy cơ vỡ đập.

Năm ngoái, giới chức nước này đã phải kích nổ một con đập có nguy cơ bị tràn. Trong khi đó, sau chuyến thăm vùng Dương Tử và Tần Lĩnh ở tây bắc Trung Quốc năm 2018, chủ tịch Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch quốc gia nhằm xóa bỏ hoặc cải thiện 40.000 đập thủy điện nhỏ.

Tham khảo Quartz

Vu Lam

Cùng chuyên mục
XEM