Hết 'thuốc chữa' cho kinh tế Nhật?

10/05/2016 08:00 AM | Xã hội

Hiện tại là lúc chính phủ Nhật cần đưa ra các biện pháp cải cách mạnh tay nền kinh tế chứ không chỉ dừng lại ở việc bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế bởi các biện pháp đó đến nay đều không phát huy hiệu quả.

Từ khi lên nhậm chức, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đưa ra chương trình 3 mũi tên để hồi sinh nền kinh tế.

Thứ nhất ông cho in tiền ồ ạt, và may mắn cho ông là thị trường đã phản ứng tích cực, đồng yên giảm giá 40% còn các công ty Nhật hoan hỉ vì lãi lớn. Tuy nhiên, chỉ các ông chủ là vui mừng còn nhân viên dường như chẳng được lợi gì.

Thứ hai, ông tăng mạnh chi tiêu chính phủ cho các dự án đầu tư công bao gồm xây thêm cầu, hầm và các con đường chống động đất, thế nhưng hiệu quả của chính sách thứ hai này lên nền kinh tế rất hạn chế. Đầu tư chính phủ tăng không giúp đầu tư tư nhân tăng.

Cuối cùng, ông lên kế hoạch thực hiện một số cải cách về cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên kế hoạch là vậy chứ trên thực tế nó sẽ chưa được thực hiện cho đến khi kinh tế Nhật đến “bờ vực thẳm”. Sẽ gần như bất khả thi nếu muốn thay đổi cách tuyển dụng, trả lương, cách đồng nghiệp đối xử với nhau trong doanh nghiệp. Chính vì thế, khi các ông chủ doanh nghiệp nghèo đi thì nhân viên sẽ khổ hơn, bị giảm lương hay sa thải nhưng khi các ông chủ giàu nhân viên cũng không được lợi gì hơn.

Cuối năm 2014, kinh tế Nhật lại rơi vào suy thoái, và nay kịch bản tương tự đang lặp lại.

Những buổi tối ngày cuối tuần tại thủ đô Tokyo vẫn tấp nập như bình thường, người đi lại mua sắm đông nườm nượp, chẳng ai nghĩ kinh tế Nhật đang khó khăn. Tại nhiều góc phố xung quanh khu vực Shibuya nổi tiếng, có nhiều hàng dài đến cả 50,70 người đang chờ để mua hàng. Do khách quá đông, giá hàng hóa đã được điều chỉnh tăng nhưng cũng chẳng ai bận lòng, họ vẫn mua đông như trẩy hội.

Giảm phát đã trở lại trong khi kinh tế không tăng trưởng. Thập kỷ mất mát có lẽ sắp ám ảnh nước Nhật. Nước Nhật đã quá may mắn khi trở nên giàu có trước khi rơi vào những thập kỷ dài kinh tế trì trệ. Trong 8 năm gần đây, kinh tế Nhật đã suy thoái 4 lần, tỷ lệ đói nghèo hiện ở mức 16%, cao nhất trong lịch sử.

Tuy nhiên đối với phần đông người dân Tokyo, cuộc sống của họ chẳng thay đổi mấy. Dù trên thực tế số lượng các việc làm bán thời gian giảm nhưng hiếm có ai không có việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức đáng mơ ước đối với nhiều quốc gia là 3,2%.

Những khu vực trung tâm đông nườm nượp người như Shibuya khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi: Chính phủ Nhật nên điều chỉnh chính sách kinh tế như thế nào?

Dù nhiều chuyên gia không ngừng kêu gọi chính phủ Nhật tăng gấp đôi quy mô chương trình nới lỏng tiền tệ và tăng cường chi tiêu để giúp lạm phát tăng. Tuy nhiên nhiều người khác đặt câu hỏi các chính sách kiểu như vậy đã đưa ra từ rất nhiều năm và hiệu quả chẳng thấy rõ ràng, vậy tiếp tục với nó để làm gì.

Suốt từ thập niên 1990, chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật đã liên tục bơm tiền để giúp kinh tế phát triển. Từ năm 2013, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tăng mạnh quy mô của các chương trình bơm tiền, ông chấp nhận ngân sách thâm hụt, trì hoãn tăng thuế và khuyến khích Ngân hàng Trung ương in tiền trên quy mô lớn.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, trọng tâm của Nhật nên là đảm bảo cho lượng tài sản mà nước này đã tích lũy được không hao hụt. Trong bối cảnh dân số ngày một già và giảm thì ngay cả khi tổng GDP không tăng, mỗi người Nhật đang trở nên giàu có hơn.

Và trên phương diện đó, giảm phát thực tế lại tốt cho người Nhật: Giá cả giảm giúp giữ giá trị của những khoản tiết kiệm, giúp cho cuộc sống của những người già và nhiều đối tượng khác sống dựa vào nguồn thu nhập cố định đỡ khó khăn hơn. Trên thực tế, GDP bình quân đầu người của Nhật hiện cao hơn 17% so với năm 1992, nhờ vào giảm phát.

Những nỗ lực làm tăng lạm phát của chính phủ Nhật cho đến nay có thể nói là đã thất bại. Chính sách lãi suất 0% với mục tiêu kích thích đầu tư và tiêu dùng đã cướp đi của người Nhật một cơ hội kiếm được chút thu nhập từ tiền tiết kiệm. Cùng lúc đó, khi đã chi tiêu quá nhiều để kích thích kinh tế tăng trưởng, các nhà hoạch định chính sách Nhật đã tạo ra một gánh nặng nợ nần cực lớn lên người dân Nhật.

Nếu như vào năm 1992, tỷ lệ nợ/GDP tại Nhật mới chỉ ở trên mức 70% thì nay nó đã là 248%. Những người lao động sẽ phải “còng lưng” ra đóng thuế còn chế độ phúc lợi của thế hệ tương lai chắc chắn bị ảnh hưởng xấu bởi chính phủ phải chi quá nhiều tiền để trả nợ.

Tất cả những luận điểm trên không phải muốn nói rằng chính phủ Nhật không nên theo đuổi mục tiêu kích thích GDP tăng trưởng. GDP cần phải tăng trưởng để tạo việc làm cho người trẻ Nhật, rất nhiều trong số họ đang mệt mỏi với những công việc thất thường, mức lương thấp, họ rất cực nhọc mới có thể tăng được thu nhập.

Tuy nhiên các biện pháp bơm tiền dù dưới hình thức nào đi nữa lại không phải giải pháp phù hợp. Thay cho việc chi tiêu tiền ồ ạt, chính phủ cần đưa ra các biện pháp cải tổ mạnh tay nền kinh tế bao gồm: nới lỏng kiểm soát đối với một số lĩnh vực, mở cửa những lĩnh vực đang được bảo hộ quá mức, điều chỉnh các quy định trên thị trường lao động và đưa kinh tế Nhật hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực.

Bằng các biện pháp trên, doanh nghiệp sẽ được hoạt động trong môi trường kinh doanh tốt hơn, năng suất lao động tăng và thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài.

Thế nhưng thật đáng tiếc, cho đến nay đã có rất ít chương trình cải cách theo hướng trên được đưa ra. Giới giàu Nhật với mối quan hệ thân hữu với giai cấp lãnh đạo vẫn đang hưởng lợi từ chính sách cũ nên họ sẽ khó chấp thuận những biện pháp cải cách mạnh tay. Và theo cách đó, tự người Nhật đang hại chính mình.

Đã 25 năm trôi qua từ khi Nhật rơi vào khoảng thời gian dài kinh tế tăng trưởng trì trệ. Thảm họa thực sự của kinh tế Nhật chính là chính phủ đã không thể thực hiện được dù chỉ 1 trong 2 mục tiêu bao gồm: kích thích kinh tế tăng trưởng và giúp giá cả tăng.

Khi mà nợ công ngày một tăng và lợi suất tiết kiệm bằng không, chắc chắn người Nhật trong tương lai sẽ nghèo hơn hiện tại, những ngày tốt đẹp trong đời sống của họ đang dần qua.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM