Hết bán bánh mì đến rau, gạo, tỏi, vị doanh nhân này cho rằng đừng nghe câu "an cư mới lạc nghiệp" mà phải ngược lại

03/03/2017 10:50 AM | Xã hội

Ông bà ta hay nói "Có an cư mới lạc nghiệp"; tôi thì có suy nghĩ ngược lại "Có lạc nghiệp mới an cư được"!

Là một doanh nhân luôn "trăn trở" với hoài bão xây dựng ngành nông nghiệp sạch và giúp nông dân Việt Nam đổi đời nhờ cây lúa, mớ rau, ông Nguyễn Quốc Phú - Chủ tịch Công ty CP Biofarms Việt Nam đã có những chia sẻ hết sức tâm huyết xung quanh vấn đề này.

Từ bánh mì đến rau, gạo, tỏi

Năm 1996, ông Phú bắt đầu mở cửa hàng bánh mì đầu tiên. Cửa hàng của ông rất khác biệt so với những quán bánh mì khác: Khách đến ăn bánh mì sẽ được nghe nhạc Trịnh, uống trà quế.

"Khi đó thấy mấy người chạy xe ôm, học sinh, người lao động nghèo vội vã ăn ổ bánh mì lót dạ, không cần biết có đảm bảo vệ sinh hay không, tôi nghĩ đến vấn đề an toàn thực phẩm và đặt ra tiêu chí bánh mì sạch", ông Phú chia sẻ.

Đến năm 2015, sau khi thành công với công thức sản xuất bánh mì không dùng bột nở, ông thành lập 8 điểm bán và lên kế hoạch mở chuỗi cửa hàng bánh mì V Bread. Tuy nhiên, khi cửa hàng đầu tiên đi vào hoạt động được hơn nửa năm, một cổ đông đề nghị mua lại V Bread. Sau nhiều lần thương lượng, ông Phú đồng ý nhượng lại công thức sản xuất bánh mì.

"Trong các lĩnh vực kinh doanh, tôi tâm huyết nhất là làm nông nghiệp sạch. Tôi muốn làm ra một sản phẩm nào đó nâng cao giá trị nông nghiệp Việt Nam, làm sao sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có thương hiệu trên toàn cầu, thu nhập của người nông dân phải cao, từ 10 - 20 triệu đồng một tháng chẳng hạn", ông nói.

Cũng chính từ lý do này, ông Phú đã quyết định thành lập Biofarms để sản xuất và cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch "từ con giống, cây giống đến kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, thu hoạch, bảo quản".

Ban đầu, Biofarms phối hợp với các nhà khoa học Mỹ nghiên cứu, sản xuất một số chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp như phân vi sinh, vi lượng và enzyme… Sau đó, công ty tiếp tục hợp tác với các hợp tác xã nông nghiệp trồng rau sạch, gạo sạch xuất khẩu.

Ông Phú cho rằng, sau rau và gạo, tỏi là sản phẩm "trời cho" của Việt Nam bởi đây là một nguyên liệu của ngành thực phẩm, dược liệu có sức tiêu thụ rất lớn trên thế giới. Trong khi đó, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam lại rất thích hợp với loại cây này, đặc biệt là ở Ninh Thuận, Phú Yên, Sơn La, đảo Lý Sơn.

"Từ năm 2017-2022, Biofarms sẽ xây dựng vùng nguyên liệu tỏi quy mô lớn để dần dần định hình thương hiệu tỏi Việt Nam trên bản đồ nông sản thế giới" – Chủ tịch Biofarms khẳng định.

Hết bán bánh mì đến rau, gạo, tỏi, vị doanh nhân này cho rằng đừng nghe câu an cư mới lạc nghiệp mà phải ngược lại - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Phú.

Có lạc nghiệp mới an cư…

Theo quan điểm của ông Phú, mỗi lĩnh vực kinh doanh có một cách tư duy, một cách làm riêng. Nhưng với nông nghiệp, muốn thành công thì phải biết đặt lợi ích của người nông dân lên trên hết, không thể tư duy mình giàu trước rồi nông dân mới giàu theo.

"Ông bà ta hay nói "Có an cư mới lạc nghiệp". Tôi thì có suy nghĩ ngược lại "Có lạc nghiệp mới an cư được". Một nông dân có cái nhà nhưng không có công việc ổn định, sản xuất ra sản phẩm không ai mua thì có khi phải cầm cố, thế chấp luôn cái nhà. Nhưng nếu nông dân đó tạo ra sản phẩm, doanh nghiệp bao tiêu hết sản phẩm đó thì có thu nhập ổn định, có tích lũy để xây nhà tốt hơn. Như vậy, nông dân cần phải có cái nghiệp trước", ông Phú trăn trở.

Vị doanh nhân này cho rằng, muốn xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, muốn thế giới chấp nhận nông sản của Việt Nam, cần phải có tư duy mới và tổ chức sản xuất bền vững. Muốn gạo Việt Nam ra năm châu thì không thể dùng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật tràn lan như hiện nay.

"Làm sao cho người làm nông phải ý thức được trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra, phải biết muốn sản phẩm có đầu ra ổn định thì phải sạch từ A - Z. Cái khó nhất hiện nay chính là thay đổi tập quán, thói quen sản xuất của nông dân", ông Phú nói.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Biofarms cho rằng điều quan trọng là làm sao để từng bước chuyển hóa người nông dân thành doanh nhân.

"Nông dân có đất thì đất đó chính là cổ phần và chủ đất là cổ đông trong doanh nghiệp. Khi là doanh nhân, nông dân sẽ thay đổi cách làm ăn", ông Phú khẳng định.

Minh Kiên

Cùng chuyên mục
XEM