Hệ sinh thái startup Việt qua lăng kính báo nước ngoài: Làn sóng Việt Kiều trở về, sự lên ngôi của giới trung lưu và cổ vũ từ Chính phủ

24/03/2017 12:17 PM | Kinh doanh

Dù đang phát triển nhanh nhưng thị trường Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều rào cản gây khó khăn cho các startup.

Với dân số 90 triệu người, Việt Nam đang là thị trường lớn thứ 3 tại Đông Nam Á chỉ sau Indonesia và Philippines. Giống như những hàng xóm của mình, Việt Nam có rất nhiều người trẻ tuổi, gần 40% trong số họ mới chỉ ít hơn 25 tuổi.

Lượng dân số trẻ đang ngày một tăng này chính là thế hệ những người tiêu dùng tiếp theo và chính họ sẽ mang lại cơ hội lớn cho các doanh nhân để tiếp cận thị trường mới nổi này. Việt Nam cũng được biết đến là quốc gia có kết nối tốt với 50% dân số tiếp cận Internet và hơn 1/3 sử dụng điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, tại đây vẫn tồn tại nhiều khác biệt về văn hóa - chính điều này gây ảnh hưởng tới cách các startup hoạt động.

Vậy làm thế nào để một startup có thể hoạt động tại Việt Nam? Và hệ sinh thái startup của Việt Nam hiện như thế nào? Tờ Techinasia đã có tham khảo ý kiến của chuyên gia Lê Thanh Sơn và một cựu cây viết của tờ này là Đỗ Anh Minh để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này.

Môi trường startup tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Theo nhà sáng lập kiêm CEO của công ty Peko Peko có trụ sở tại Hà Nội là Alvin Koh thì với kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam nhiều năm, ông nhận thấy môi trường tại Hà Nội dễ dàng hơn cho việc học tập, nghiên cứu; còn TP Hồ Chí Minh có nhiều người sẵn sàng khởi nghiệp hơn. Các doanh nhân ở TP Hồ Chí Minh có tư duy cởi mở, nguồn năng lượng dồi dào và sẵn sàng đón nhận thay đổi, thách thức.

Nhóm Việt Kiều và du học sinh nước ngoài

Có một nhóm không nhỏ Việt Kiều - những người Việt Nam hiện đang sinh sống ở nước ngoài hiện đang quay trở lại để tìm cơ hội mới ở quê hương.

Một báo cáo cho thấy rằng, riêng ở Mỹ hiện có gần 1,5 triệu Việt Kiều sinh sống, chưa kể ở các quốc gia khác. Sự quay trở lại của những người này đang tạo thêm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam bởi họ đã đóng góp lượng kiều hối khoảng 12,3 tỷ USD trong năm 2015.

Họ không chỉ mang tiền về mà còn những kỹ năng về quản lý và các mối liên hệ. Một ví dụ điển hình là Sonny Vũ – một Việt Kiều Mỹ đã thành lập nên MisFit Wearables – công ty được mua lại bởi Fossil Group với giá 260 triệu USD. Một người khác là Bình Trần – đồng sáng lập công ty Klout có trụ sở tại Thung lũng Silicon – người hiện đang điều hành quỹ 500 Startups tại Việt Nam.

Ngoài ra, Đỗ Anh Minh - một cây viết cũ của tờ Techinasia cho rằng: “Cũng đừng quên những người Việt Nam theo học ở nước ngoài - họ cũng đang đóng góp cho hệ sinh thái khởi nghiệp ở quê nhà”.

Theo đó, “những công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài có lợi thế đáng kể so với người nước ngoài ở thị trường quê nhà bởi hiểu biết về văn hóa và cách sống. Nhìn chung, những người nước ngoài có thể dần hiểu được tư duy phương Đông nhưng quá trình này khá khó khăn nhất là khi muốn xây dựng đội ngũ người Việt hoặc tấn công thị trường Việt Nam. Từ Đông sang Tây và quay về Đông là cách dễ dàng hơn”.

Những tiềm năng to lớn ở thị trường Việt Nam

Phong cách tiêu dùng của tầng lớp trung lưu

Giống như những thị trường Đông Nam Á khác, tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng chính ở Việt Nam thu hút sự chú ý của nhiều doanh nhân. Thương mại điện tử là lĩnh vực đáng phát triển mạnh, đạt mốc 4,1 tỷ USD vào năm 2015 – với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 37%.

Một trong những người tham gia vào làn sóng thương mại điện tử đang phát triển này là Cao Nguyễn – Nhà sáng lập và CEO của UseData có trụ sở ở TP Hồ Chí Minh – một nền tảng marketing tự động. Theo anh, “95% cửa hàng thương mại điện tử hiện là các doanh nghiệp vừa và nhỏ – sử dụng quảng cáo để tạo doanh thu. Điều này không hiệu quả”. Để chấm dứt việc này, công ty của anh đã mang tới những thông điệp được cá nhân hóa để xây dựng mối quan hệ với khách hàng nhằm tăng doanh số.

Alvin đồng tình với quan điểm phát triển, xây dựng các mối quan hệ. “Thị trường Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các mối quan hệ. Xây dựng một mối quan hệ gần gũi với khách hàng là điều đặc biệt quan trọng nếu muốn thành công”.

Một lối sống khỏe mạnh cũng đang là mối bận tâm của giới trung lưu. Điều này đã thúc đẩy anh Khôi Nguyễn thành lập nên WeFit – một ứng dụng cung cấp thông tin về hàng trăm phòng gym và lớp thể hình trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Việt Nam có tỉ lệ biết chữ lên tới 94,5% trong tầng lớp trung lưu,một thành tích ấn tượng đối với một quốc gia đang phát triển. Khánh Tống – CEO của Checkit có trụ sở tại Hà Nội đã dựa trên điểm này để tạo ra một ứng dụng nhằm tóm tắt những ý chính trong các cuốn sách được bán chạy nhất trên thế giới.

Nguồn nhân lực dồi dào

“Một trong những lợi thế lớn nhất của các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam là có một lượng lớn nhân tài với chi phí thuê thấp. Một kỹ sư phần mềm có thể có mức lương khởi điểm 500 USD và trên 1.000 USD nếu có 3 năm kinh nghiệm. Đây là một mức thu nhập tương đối cao”.

Anh cũng có niềm tin đối với các startup cũng như những công ty công nghệ nước ngoài đang xây dựng đội ngũ công nghệ của họ ở Sài Gòn. Ngoài ra, các đơn vị như Grokking Vietnam thường tổ chức những sự kiện để mang những tập hợp những bộ óc tốt nhất trong cộng đồng kỹ sư để chia sẻ kinh nghiệm nhằm xây dựng hệ sinh thái phần mềm.

Doanh nhân Việt Nam

Anh Khôi nhận thấy rằng các doanh nhân Việt làm việc rất chăm chỉ, dành trung bình 14 – 16 giờ mỗi ngày để làm việc. “Họ cũng tham gia các cuộc họp, đặc biệt là những buổi gặp gỡ không chính thức. Hầu hết các nhà sáng lập đều có nền tảng về công nghệ và rất mạnh trong lĩnh vực phát triển phần mềm”.

Nhìn chung Alvin nói rằng, người trẻ Việt không ngại làm việc chăm chỉ, thất bại và lại cố gắng thêm lần nữa. Đặc tính này là điển hình của doanh nhân Việt.

Những ưu đãi của Chính phủ

“Thời điểm này ai cũng đang nói về startup và rất nhiều người đã bắt đầu khởi nghiệp vào năm trước. Chính phủ cũng cho thấy sự hỗ trợ bằng việc thay đổi luật, tổ chức một vài sự kiện và mở các trung tâm ươm mầm”.

Những hỗ trợ nhiều hơn là khi chính phủ Việt Nam chấp thuận cho chương trình hợp tác đổi mới – “một chương trình quốc gia để ủng hộ cho hệ sinh thái startup Việt Nam tới năm 2025”.

Tại TP Hồ Chí Minh, một Thung lũng Sài Gòn Silicon đang được xây dựng trên diện tích 52 hecta, với giá trị 38,5 triệu USD dựa trên nguyên mẫu mô hình tại Mỹ. Trung tâm này nhắm tới việc “thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao và hỗ trợ cho các ngành công nghiệp, nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng giao dịch”.

Một khu trung tâm mới dành cho startup công nghệ cũng đang dần hình thành ở Đà Nẵng.

Thử thách các doanh nhân phải đối mặt

Mặc dù hỗ trợ nhiều là vậy nhưng các doanh nhân trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Thiếu vốn

“Rất khó để thuyết phục các nhà đầu tư Việt Nam chấp nhận rủi ro trong giai đoạn đầu và các nhà đầu tư nước ngoài hay quỹ đầu tư thường mất rất nhiều thời gian cho quá trình này. Chúng tôi thường phải tự xoay sở trong giai đoạn đầu và đây luôn là thời điểm khó khăn nhất bởi sản phẩm còn mới và chưa hoàn thiện trong khi mọi người vẫn còn rất nhiều điều nghi ngờ”, anh Khôi chia sẻ.

Rào cản về ngôn ngữ và nhu cầu hợp tác quốc tế

Anh Sơn nhận thấy những rào cản về ngôn ngữ rõ rệt giữa doanh nhân địa phương và người nước ngoài. “Hơn nữa, các startup có sản phẩm đã sẵn sàng nhưng lại chỉ tập trung vào thị trường Việt Nam vì quen thuộc ngôn ngữ. Trong khi đó, rất cần phải hướng ra nước ngoài để có thêm hiểu biết cũng như trải nghiệm".

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM