Mỏ vàng chưa khai phá của startup Việt: Gọi món ăn, mua sắm qua điện thoại trên tàu hỏa

14/02/2017 08:27 AM | Xã hội

Ấn Độ có 23 triệu lượt khách đi tàu hỏa mỗi ngày. Thế nhưng, dịch vụ cung cấp thức ăn lại gần như bị bỏ ngỏ cho đến khi các ứng dụng gọi món qua điện thoại nở rộ thời gian gần đây.

Tàu hỏa Ấn Độ là một trong những mạng lưới đường sắt lớn nhất thế giới. Mỗi ngày, tại đây có 23 triệu người đi lại trên hệ thống giao thông dài 65.000 km này.

Nhu cầu ăn uống ở đây là rất cao thế nhưng chỉ có 6% chuyến tàu đường dài có cung cấp thức ăn cho khách hàng. Đó là chưa kể nhiều khách hàng không thích những món ăn trên thực đơn của tàu.

Thế nhưng, dịch vụ cung cấp thức ăn lại gần như bỏ ngỏ cho đến khi các ứng dụng gọi món qua điện thoại nở rộ thời gian gần đây. Các thương hiệu toàn cầu và quán ăn địa phương tại Ấn Độ bắt đầu nhảy vào thị trường này.

Một trong những người chớp lấy cơ hội này là doanh nhân Pushpinder Singh – anh đã xây dựng hệ thống phân phối thức ăn trên tàu. Theo đó, nhà hàng sẽ cung cấp các bữa ăn được đặt trực tuyến thông qua một công ty dịch vụ giao nhận thức ăn. Qua ứng dụng điện thoại, khách hàng có thể gọi đồ ăn ưa thích đến phục vụ tận chỗ ngồi của mình.

“Tôi từng trải qua cảnh ở các nhà ga, khi có một vụ tai nạn xảy ra và đoàn tàu phải dừng lại. Hàng giờ liền trôi qua, không hề có một dịch vụ nào, hành khách thì hết thức ăn và nước uống. Vì vậy, tôi muốn tham gia vào lĩnh vực này”, Pushpinder Singh cho hay.

Mỏ vàng chưa khai phá của startup Việt: Gọi món ăn, mua sắm qua điện thoại trên tàu hỏa - Ảnh 1.

Tuy nhiên, startup này cũng không tránh khỏi những sự cố không mong muốn như khi khách bị lỡ chuyến tàu nhưng không hủy đặt hàng, công ty phục vụ đồ ăn phải tìm khách theo thông tin số ghế nhưng không có…

Do chất lượng Internet kém nên khách hàng cũng có thể đặt bữa ăn bằng tin nhắn hoặc gọi điện trực tiếp.

Lãnh đạo đường sắt Ấn Độ cho biết sẽ cho xây dựng các khu nấu ăn tại những nhà ga lớn để giúp các công ty chuẩn bị và phục vụ bữa ăn trực tiếp cho khách. Đây là điều mà hành khách và giới kinh doanh rất mong đợi.

Tại Việt Nam, ngành đường sắt cũng thu hút khoảng gần 1 triệu lượt khách mỗi ngày. Tuy nhiên, khách hàng vẫn chỉ được phục vụ theo cách truyền thống hàng chục năm nay: Chờ nhân viên đường sắt đẩy hàng, gõ cửa từng toa mời chào.

Thực tế, ứng dụng gọi đồ ăn, mua sắm trực tuyến qua điện thoại cũng được đề cập ở Việt Nam từ năm 2015.

Theo đó, vào cuối tháng 9/2015, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và Công ty CP Viễn thông Hà Nội (Hanoitelecom) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển các dịch vụ tiện ích trực tuyến trên thiết bị cầm tay, mạng xã hội và website với tên sản phẩm dịch vụ là Railway Box.

Trên khái niệm, ứng dụng này có 7 tính năng như đặt đồ ăn; mua sắm, cung cấp ứng dụng như nghe nhạc, games; dịch vụ đặt tour du lịch, khách sạn, taxi đưa; đặt vé và thanh toán qua điện thoại di động; cung cấp thông tin và quảng bá về văn hóa, du lịch, ẩm thực, danh lam thắng cảnh; các chính sách và thông tin phục vụ hành khách của VNR; thông tin hành trình đoàn tàu cung cấp dịch vụ thông báo thời gian hành trình thực tế đi và đến của đoàn tàu cho hành khách và người thân.

Tuy nhiên, dù hứa hẹn sẽ triển khai vào đầu năm 2016 nhưng đến bây giờ, dự án này vẫn nằm trên giấy. Mặc dù lượt khách đi tàu hỏa ngày càng giảm song với thị trường hơn 11,2 triệu lượt khách (năm 2015) thì đây vẫn là tiềm năng để các startup Việt Nam khai thác.

Hồng Linh

Cùng chuyên mục
XEM