Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam là hình mẫu đang được Triều Tiên áp dụng và làm theo

22/08/2016 09:29 AM | Kinh doanh

Một vài người Triều Tiên sẽ được đưa tới Việt Nam thăm quan các không gian làm việc chung tại đây để học hỏi, phát triển một mô hình tương tự tại quê nhà.

Bài viết dưới đây được viết bởi biên tập viên Jason Kassel của tờ Techinasia khi anh này tình cờ biết được doanh nhân có tên Geoffrey See đang nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp tại đất nước được cho là bí ẩn nhất hành tinh Triều Tiên.


Hệ sinh thái doanh nhân tại Việt Nam (VEE) đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Tôi sống và làm việc tại Hà Nội và chỉ tới TP Hồ Chí Minh 3 lần. Tuy nhiên, khi tới đây vào tháng 3 để tham dự Ngày hội dành cho giới khởi nghiệp STSF, tôi gặp Hương Nguyễn - người lên ý tưởng và tổ chức hàng ngàn sự kiện. Hương tốt nghiệp từ đại học Stanford, là lực lượng nòng cốt của VEE.

Hương là đồng sáng lập của Viet Youth Entrpreneurer - Hội doanh nhân trẻ Việt (VYE) từ khi còn là sinh viên năm nhất và cô cũng có mặt trong danh sách "30 Under 30" người trẻ tiêu biểu 2016 của Việt Nam do tạp chí Forbes bình chọn.

Hương được xem một người trẻ phá cách, đặc biệt. Cô cũng vừa mở một không gian làm việc chung mang tên CirCO tại TP Hồ Chí Minh. Hiện tại, trong hệ sinh thái Việt Nam, việc mở những không gian làm việc chung như Hương không phải là thông tin quá mới mẻ nhưng trong câu chuyện này xuất hiện một điểm thú vị.

Cuối tháng 7, tôi nhận được một email từ Hương. Cô ấy muốn giới thiệu với tôi người đồng sáng lập CirCO là Geoffrey See. Trong thư, anh này tự giới thiệu bản thân như sau: “Chào Jason, rất vui được làm quen với anh. Gần đây tôi đã chuyển tới Việt Nam làm việc cùng với cộng đồng khởi nghiệp tại đây và rút ra được một số bài học cho nỗ lực xây dựng hệ sinh thái doanh nhân tại Triều Tiên của mình. Tại Hà Nội, ngày 3 - 4/8, nếu có thời gian, chúng ta liệu có thể gặp nhau được không?”

Thật không thể tin được, Geoffrey nói anh ấy đang xây dựng hệ sinh thái doanh nhân tại Triều Tiên. Dù lịch trình bận rộn không thể gặp trực tiếp, nhưng tôi đã may mắn được Geoffrey trả lời một số câu hỏi.

Jason Kassel: Geoffrey, cảm ơn đã dành thời gian trả lời những câu hỏi của tôi. Đầu tiên hãy cho tôi biết anh đang làm gì ở Việt Nam vậy?

Geoffrey See: Tôi cảm thấy thích thú với việc tạo lập CirCO cùng VYE nói riêng và trong lĩnh vực không gian làm việc chung nói chung. Lý do là bởi tại Triều Tiên - nơi hệ sinh thái còn rất sơ khai, những không gian làm việc vật lý - nơi con người có thể tương tác liên tục để xây dựng niềm tin và tạo dựng mạng lưới là cực kỳ quan trọng đối với việc hình thành startup. Chúng tôi hy vọng có thể đưa một vài người bạn Triều Tiên tới thăm không gian làm việc chung tại Việt Nam và học tập để phát triển một mô hình tương tự ở quê nhà.

Jason Kassel: Làm việc tại Triều Tiên chắc hẳn rất thú vị. Anh đang phát triển loại doanh nghiệp gì?

Geoffrey See: Trong khi hầu hết các startup trên thế giới hiện nay bị thu hút vào các lĩnh vực liên quan đến trực tuyến hay điện thoại, thì tại Choson Exchange, chúng tôi nhận thấy tinh thần doanh nhân là thứ hiện hữu trong bất kỳ ngành công nghiệp nào.

Những người Triều Tiên tham gia các chương trình của chúng tôi lần đầu tiên phát triển mô hình chuỗi cửa hàng tiện lợi, thế hệ những trung tâm mua sắm đầu tiên và nhiều thứ khác. Đây rõ ràng là sáng tạo và đổi mới bởi nó chưa từng tồn tại ở Triều Tiên trước đây.

Điều thú vị là chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều lựa chọn giải trí, bán lẻ mọc lên (quán cafe, nhà hàng...) và nó cho thấy tại đây đang có nhiều người tiêu dùng hơn và họ cũng mạnh tay chi tiêu hơn.

Hình ảnh được cho là hội thảo về startup diễn ra tại Triều Tiên (Nguồn: Financial Times)

Jason Kassel: Ồ, thậm chí nghe thấy từ “người tiêu dùng” liên quan đến Triều Tiên cũng khiến tôi cảm thấy bất ngờ. Nếu nghĩ về mô hình một hệ sinh thái, liệu Triều Tiên có không gian làm việc chung, vườn ươm khởi nghiệp, nhà đầu tư thiên thần…? Đó có phải là một loại hình của hệ sinh thái doanh nhân không?

Geoffrey See: Rất nhiều vấn đề mà chúng tôi đang thực hiện để hỗ trợ doanh nhân tại đây là những điều hết sức cơ bản như: Đâu là khung pháp lý cho startup? Luật đất đai có cho phép mua, bán một mảnh đất phục vụ kinh doanh không? Còn luật kế toán nữa? Chúng tôi giúp họ hình thành nên một vườn ươm khởi nghiệp nhưng dĩ nhiên vẫn còn thiếu sót rất nhiều nhân tố. Tôi tới Sài Gòn và tìm hiểu được cách hệ sinh thái doanh nhân ở đây đang phát triển, đóng góp và rút ra được một vài bài học để áp dụng cho mô hình tại Triều TIên.

Jason Kassel: Ở Triều Tiên có những nhân tố hỗ trợ như luật sư, kế toán không?

Geoffrey See: Một câu hỏi khá hay. Dù là những nhân tố rất quan trọng nhưng đáng tiếc lại chưa tồn tại ở Triều Tiên. Chúng tôi đang giúp nhân viên Bộ tài chính hiểu tầm quan trọng của luật kế toán và những công ty kiểm toán độc lập.

Lĩnh vực luật pháp cũng còn kém phát triển với chỉ 1 công ty luật nước ngoài duy nhất có mặt tại đây. Công ty mới đây đã phải đóng cửa. Khi chúng tôi giúp thành lập thành công một khu vực kinh tế công nghệ rộng 200ha, họ thậm chí không có bản điều lệ công ty và vì vậy chúng tôi phải đào tạo cho họ cách thức xây dựng điều lệ công ty như môt mô hình mẫu cho các startup trong tương lai.

Jason Kassel: Rõ ràng để phát triển, một hệ sinh thái cần có mức độ căn bản của niềm tin. Ở Triều Tiên có điều này không?

Geoffrey See: Đây là thử thách khá khó khăn. Mọi người thường khó tin tưởng người khác - nhất là những người ít làm việc cùng hay có quan hệ họ hàng xa. Tuy nhiên điều này là hoàn toàn bình thường. Tại Việt Nam, vấn đề đó đã thay đổi rất nhanh chóng và tôi đang cảm nhận thấy âm hưởng tương tự tại Triều Tiên.

Tôi còn nhớ người bạn của mình là Victor Hwang đã viết cuốn sách với nhan đề Rainforest về sự phát triển của thung lũng Silicon và nói rằng: "Sự tin tưởng và chuẩn mực xã hội tại thung lũng Silicon đã giúp tăng khả năng hợp tác và mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp".

Đó là lý do tại sao tập trung vào các hoạt động (hội thảo, sự kiện kết nối), các viện, tổ chức (nhóm cựu sinh viên, đối tác kinh doanh) và không gian (môi trường làm việc chung) là yếu tố quan trọng để xây dựng niềm tin.

Jason Kassel: Anh có câu chuyện thú vị nào giúp mọi người hình dung về hệ sinh thái Triều Tiên dễ nhất không?

Geoffrey See: Khi quyết định mở Choson Exchange 6 năm trước, tôi đã nói với một người Triều Tiên về “incubators” - mà trong giới startup hiện nay gọi là vườn ươm khởi nghiệp. Sau vài phút trò chuyện, anh ấy nói: Những đứa trẻ sẽ thì làm được gì cho doanh nghiệp? Lúc đó, anh ấy chỉ biết “incubators” với nghĩa là lồng ấp nuôi dưỡng những đứa trẻ.

Ngày nay, chúng tôi có 1.500 người Triều Tiên tham gia vào chương trình của công ty. Họ được nghe về khởi nghiệp tinh gọn, vườn ươm khởi nghiệp và quỹ đầu tư. Một vài trong số đó thậm chí đã tự thành lập được doanh nghiệp của riêng mình. Chúng tôi cần tìm ra cách để nhiều người hơn nữa làm được như vậy.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM