Hệ lụy đau lòng từ thói quen "mượn rượu giải sầu" của người Nga giữa mùa dịch: Sức khỏe tổn hại, bạo lực gia đình tăng cao
Tại nước Nga, quan niệm sai lầm rằng rượu có thể đẩy lùi Covid-19 không chỉ khiến cho lượng tiêu thụ mặt hàng này mà cả tỷ lệ bạo lực gia đình cũng tăng đột biến.
Bác sĩ Azat Asadullin - người phụ trách một phòng khám phía trung nam nước Nga - đang hối hả chuẩn bị cho một lượt bệnh nhân mới tới. Ông đã sắp xếp sẵn các giường bệnh dự phòng, dự trữ thuốc men và đồ khử trùng.
Nỗi ưu phiền mà bác sĩ Asadullin sắp sửa phải đối mặt là chứng nghiện rượu.
Trên khắp thế giới, đại dịch Covid-19 đã dấy lên nỗi sợ về tình trạng lạm dụng rượu đang ngày càng gia tăng, khi con người chỉ biết nhốt mình trong nhà và uống rượu để quên đi lo lắng. Tại Nga, trong hai tuần bán phong tỏa vừa qua, nỗi sợ hãi ấy đã thành hiện thực khi số vụ bạo lực gia đình tỉ lệ thuận với sự gia tăng của lượng rượu được tiêu thụ.
“Các bệnh nhân cảm thấy khổ sở, bực bội và hung hăng”, bác sĩ Asadullin miêu tả những người mà ông đang điều trị trong đại dịch. “Hồi năm mới, họ vẫn còn rất vui vẻ và chừng mực”.
Giảm số lượng người nghiện rượu là một trong những mục tiêu sức khỏe chính của nhà nước dưới thời Tổng thống Vladimir V. Putin. Theo số liệu thống kê chính thức gần đây, người Nga đã uống ít hơn 1/3 số rượu mỗi năm so với năm 2003.
Ở nhà vì giãn cách xã hội, nhiều người Nga tìm về với thói quen uống rượu trước đây.
Tuy nhiên, thói quen “uống rượu giải sầu” này đã ăn sâu vào một số người, đặc biệt là trong những ngày nghỉ lễ. Vào cuối tháng 3, khi ông Putin tuyên bố cho người lao động cả nước nghỉ có lương trong một tuần để hạn chế sự lây lan của Covid-19, thói quen này đã quay trở lại. Các nhà hoạt động phản đối bạo lực gia đình đã ghi nhận sự tăng vọt các vụ bạo lực gia đình, đặc biệt là do đàn ông say rượu gây ra.
Tại Yakutia - nằm ở khu vực Siberia, các nhà chức trách cho biết, tỷ lệ phạm tội do say rượu cũng tăng lên, bao gồm một vụ đâm chết gia đình 4 người.
“Một số người coi tuần lễ phong tỏa là một kỳ nghỉ kéo dài”, Aysen Nikolayev - Thống đốc Yakutia - nói trong một buổi phỏng vấn qua điện thoại. “Không may là điều này đã dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng”.
Để ngăn chặn khủng hoảng, ông Nikolayev đã cấm bán rượu trong một tuần ở thủ phủ Yakutsk - nơi có dân số vào khoảng 300.000 người - và một số quận khác. Một số địa phương khác tại Nga - phần lớn là khu vực nông thôn vốn tồn tại tình trạng lạm dụng chất kích thích - cũng đã hạn chế việc kinh doanh bia rượu.
“Tôi xin lỗi nếu có người không thích điều này”, Rady Khabirov - Thống đốc vùng Bashkortostan - nói trong một bài đăng trên mạng xã hội. Ông đã ban hành luật cấm bán rượu bia từ 6h chiều đến 10h sáng hôm sau.
“Lịch sử sẽ là người phán xét”.
Các nhà hoạt động cho rằng chính quyền cần phải mạnh tay hơn trong việc giới hạn hoạt động mua bán rượu trong suốt thời gian tiến hành giãn cách xã hội vì Covid-19.
Một phần của vấn đề nằm ở quan niệm sai lầm nhưng phổ biến tại Nga và các nước lân cận rằng uống vodka có thể phòng ngừa và điều trị bệnh tật. Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko mới đây còn đùa rằng mọi người không chỉ nên dùng vodka để rửa tay. "Bạn nên uống 40-50 gram loại rượu mạnh này để diệt virus. Chỉ là đừng uống ở chỗ làm việc", ông nói.
Chính phủ Nga đã yêu cầu người dân ở nhà để ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19 cho tới hết tháng 4.
Sultan Khamzayev - người đứng đầu nhóm Cai rượu Nga - cho biết, tổ chức của ông đã mất tới 2 tuần để thuyết phục Bộ Y tế Nga tuyên bố uống rượu có hại trong việc phòng, chống Covid-19.
Thế nhưng, phải đến ngày 6/4 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko mới phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng “việc dùng rượu để chữa bệnh” có thể khiến bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện trong tình trạng “vô phương cứu chữa”.
Đại dịch Covid-19 lây lan chậm hơn tại Nga so với các nước phương Tây, tuy nhiên số lượng ca nhiễm bệnh đã tăng lên gấp đôi chỉ trong 5 ngày. Vào thứ Ba, các nhà chức trách thông báo đất nước này có số ca nhiễm mới trong ngày đạt mức kỷ lục - 2.774 người, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 lên 21.102 người, với 170 ca tử vong.
Tại Moscow - thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19, hệ thống chăm sóc y tế đang có nguy cơ quá tải. Các xe cứu thương chở người nghi nhiễm Covid-19 xếp hàng dài chờ đợi bên ngoài các bệnh viện.
Moscow và nhiều khu vực khác chỉ cho phép người dân rời khỏi nhà khi có vấn đề khẩn cấp hoặc để dắt chó đi dạo trong khoảng 90m trước cửa nhà. Tổng thống Putin đã yêu cầu toàn bộ người dân không thuộc các ngành nghề thiếu yếu ở nhà có lương cho tới hết tháng 4.
Tuy nhiên, những người không làm việc cho chính phủ hay doanh nghiệp nhà nước vẫn phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ suy giảm kinh tế.
Sự buồn chán và lo lắng kéo theo đó đang đe dọa đến cuộc chiến chống nghiện bia rượu mà Nga đã thực hiện bao lâu nay, theo nhiều bác sĩ và quan chức trên cả nước.
“Mọi thứ nhìn từ ngoài thì ổn, nhưng bên trong thì đã sôi sùng sục rồi”, bác sĩ Aleksei Kazantsev - người đứng đầu trung tâm điều trị cai nghiện tại Moscow - nói về tình trạng lạm dụng rượu do Covid-19.
Bác sĩ Asadullin - người đang làm việc cho một phòng khám điều trị cai nghiện tại Bashkortostan - cho biết, ông đang chờ đợi một làn sóng bệnh nhân như trong kỳ nghỉ lễ đón năm mới hồi đầu tháng 1.
Nếu như những lần trước người dân uống rượu để chào đón năm mới, lần này họ uống vì lo lắng. Ngoài ra, tác dụng khử trùng của rượu cũng được cho là một lý do thuận tiện.
Một bệnh nhân nhập viện vào thứ Tư tuần trước nói với bác sĩ Asadullin: “Tôi quyết định thanh lọc cơ thể bằng rượu”.
Ngoài ra, thói quen uống rượu bia cũng này cũng đe dọa làm trầm trọng thêm tình trạng bạo lực gia đình tại Nga. Nhiều nhà hoạt động cho biết, dù bản thân rượu không phải là nguyên nhân dẫn tới bạo lực gia đình, nó có thể là chất xúc tác dẫn gây nên bạo lực gia đình, hoặc được sử dụng như một cái cớ.
Tại Moscow, Mary Davtyan - một luật sư chuyên bảo vệ các nạn nhân bạo lực gia đình - tiết lộ, đã có 3 phụ nữ tới tìm cô trong 2 tuần qua với cùng một câu chuyện giống nhau: Chồng họ mất việc vì đại dịch Covid-19 nên đã uống rượu và trở nên bạo lực.
Marina Pisklakova - người điều hành trung tâm khủng hoảng Anna dành cho các nạn nhân bạo lực gia đình - cho biết, tổ chức của cô nhận được 2.537 cuộc gọi đến đường dây nóng trong tháng 3, tăng 25% so với tháng trước.
Trong đó có một trường hợp ở phía nam nước Nga, người chồng vì không biết làm gì trong thời gian ở nhà tránh dịch nên đã uống rượu đến say rồi đánh đập người vợ đang mang thai, khiến cô này phải nhập viện cấp cứu. Pisklakova dự đoán rằng tình hình sẽ còn tồi tệ thêm khi những tác động kinh tế vì Covid-19 càng trở nên rõ ràng hơn.
“Chúng ta chuẩn bị phải đón một làn sóng nghiện rượu, kèm theo đó là một làn sóng bạo lực gia đình, bởi đại dịch Covid-19 sẽ tạo thêm nhiều gánh nặng lên nền kinh tế và rất nhiều người thì đang mất việc”, cô nói. “Đây mới chỉ là sự khởi đầu”.
(Theo NYT)