Hãy tận hưởng giá xăng, vì có thể nó sẽ không thấp mãi
Giá dầu Brent tăng khá và vượt mốc 50 USD/ thùng cuối tuần qua có thể sẽ tác động lên giá thành phẩm xăng dầu thế giới. Cùng với rủi ro tăng giá xăng quốc tế, xăng dầu Việt Nam cũng có khả năng phải "đội" thêm thuế do thay đổi cách thuế TTĐB.
Cõng gần 7.000 đồng thuế/lít xăng, vẫn có thể sẽ lại... thêm thuế
Hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước đang sử dụng giá cơ sở để làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Trong công thức tính giá cơ sở, tổng cộng có 4 loại thuế góp mặt trong cơ cấu tính giá mỗi lít xăng, bao gồm thuế bảo vệ môi trường (3.000 đồng), thuế nhập khẩu (tính theo mức thuế bình quân gia quyền hiện là 15,74%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) và thuế giá trị gia tăng (10%). Ước tính, bốn loại thuế này đã góp tới hơn 6.000-7.000 đồng trong cơ cấu tính giá cơ sở mỗi lít xăng, tương đương khoảng hơn 40% giá xăng bán lẻ.
Nặng gánh thuế là vậy, nhưng trong tương lai gần rất có thể mức thuế sẽ phải tăng lên do thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế TTĐB).
Vào cuối tháng 9 vừa qua, Petrolimex đã có văn bản gửi liên bộ Công Thương - Tài chính báo cáo về việc 'tính nhầm' giá cơ sở dẫn tới tính thiếu thuế TTĐB. Nguyên nhân là bởi, theo Nghị định 100 hướng dẫn luật Thuế giá trị gia tăng, luật Thuế TTĐB và luật Quản lý thuế sửa đổi, có hiệu lực ngày 1/7/2016, thuế tiêu thụ đặc biệt được tính theo giá đầu ra (tính trên tổng các loại thuế phí khác). Trong khi cách tính cũ là tính theo giá đầu vào của hàng hóa (chỉ cần tính dựa trên thuế nhập khẩu và giá nhập khẩu)..
Theo phản ánh của Tập đoàn này, ba kỳ điều chỉnh từ sau ngày 1/7 đã bị tính thiếu 185 đồng/lít, trong đó khoản thuế TTĐB thiếu 165 đồng/lít. Các doanh nghiệp có nguy cơ chịu thiệt nếu cơ quan thuế thu theo chính sách mới từ 1/7.
Liên bộ đến nay chưa có câu trả lời chính thức. Nhưng ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết, việc chưa được tính đủ thuế tiêu thụ đặc biệt là đúng như phản ánh của Petrolimex. Còn đề xuất trích bù từ Quỹ bình ổn cho khoản tính thiếu thuế tiêu thụ đặc biệt cho các doanh nghiệp xăng dầu đã bị bác bỏ.
Dầu Brent vượt mốc 50 USD/thùng sau thỏa thuận giữa các nước OPEC
Giá cơ sở làm căn cứ để điều hành giá bán lẻ xăng dầu được tính toán dựa trên mức giá bán lẻ thành phẩm xăng dầu được giao dịch thực tế tại thị trường Singapore. Giá giao dịch bình quân mặt hàng xăng A92 trong kỳ điều chỉnh vừa qua (5/9 đến 19/9) là 55,547 USD/ thùng. Chỉ còn vài ngày nữa sẽ tới kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu tiếp theo (5/10). Tính từ ngày 20/9 đến 29/9, giá thành phẩm xăng A92 bình quân tại Singapore là 55,58 USD/thùng, vượt giá bình quân trong kỳ công bố trước đó.
Đáng chú ý là trong ngày 29/9, giá thành phẩm xăng A92 đã tăng vọt từ 55,5 USD/thùng lên 57,4 USD/thùng. Đây cũng là thời điểm thị trường dầu thô thế giới có biến động lớn. Lần đầu tiên trong 8 năm, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh cho biết OPEC đã đi tới thống nhất về một thỏa thuận sơ bộ về việc cắt giảm sản lượng dầu vào rạng sáng ngày 29/9 (theo giờ Việt Nam).
Giá dầu thô đồng loạt tăng mạnh trong hôm đó. Dù giảm khá do áp lực chốt lời trong phiên giao dịch sau đó, nhưng giá dầu Brent vẫn vượt mốc 50 USD/ thùng vào cuối tuần vừa qua.
Theo Bloomberg, thỏa thuận được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế của các quốc gia giàu dầu mỏ như Nga và Ả Rập Saudi. Trong khi đó, ở vị trí ngược lại, người tiêu dùng sẽ phải chấp nhận mức giá cao hơn tại các trạm xăng.
Tuy nhiên, Goldman Sachs, hãng tài chính hàng đầu thế giới, lại đánh giá thỏa thuận đóng băng sản lượng của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) có thể hỗ trợ giá dầu trong ngắn hạn nhưng sẽ không làm thay đổi triển vọng nhiều . Trong năm 2017, ngân hàng đầu tư này cho rằng giá dầu sẽ tăng lên mức 53 USD/thùng.
Tờ The Detroit News từng dẫn lời ông Obama cho rằng người tiêu dùng Mỹ nên sử dụng khoản tiết kiệm từ giá dầu giảm một cách khôn ngoan. Sự suy giảm giá xăng đã có tác động hiệu quả như một sự cắt giảm thuế cho người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cảnh báo người Mỹ rằng sự suy giảm giá xăng này sẽ không kéo dài mãi. Tận hưởng giá xăng thấp nhưng cần phải cẩn thận vì có thể mức giá sẽ không tồn tại được lâu.
Tại Việt Nam, giá cơ sở (căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu) bao gồm các yếu tố và được xác định bằng (=) {Giá CIF cộng (+) Thuế nhập khẩu cộng (+) Thuế tiêu thụ đặc biệt} nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) Thuế giá trị gia tăng cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ Bình ổn giá cộng (+) Lợi nhuận định mức cộng (+) Thuế bảo vệ môi trường cộng (+) Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác.
Khuyến mãi giảm 300 đồng/lít xăng của Petrolimex
Lợi nhuận định mức cho hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay là 300 đồng/lít xăng. Đây cũng là mức giảm giá mà Petrolimex đã công bố trong chương trình khuyến mại mới đây. Theo đó, sẽ có 5 ngày trong tuần (thứ 7) giá xăng bán lẻ sẽ giảm 300 đồng mỗi lít. Khuyến mãi, đặc biệt là hình thức khuyến mại giảm trực tiếp vào giá, là điều hiếm gặp đối với mặt hàng xăng dầu. Một số ý kiến cho rằng việc giảm giá chỉ thực hiện trong 5 ngày, lại là thời điểm cuối tuần khiến chương trình khuyến mại mang tính tượng trưng, nhằm xây dựng hình ảnh cho Tập đoàn.
Thị trường xăng dầu Việt Nam được kỳ vọng sẽ mở cửa hoàn toàn theo lộ trình tới năm 2018 – 2019. Số lượng đầu mối xăng dầu hiện đã tăng lên 28 doanh nghiệp. Tháng 5/2016 vừa qua, Idemitsu Kosan (Nhật Bản) và đối tác Kuwait Petroleum International (Kuwait), cũng là hai nhà đầu tư góp vốn vào dự án Lọc dầu Dung Quất, đã thành lập liên doanh Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8. Liên doanh trên đã nhận được Chứng nhận Đăng ký đầu tư, dự kiến tham gia hoạt động bán lẻ và bán buôn sản phẩm dầu khí và tiến tới là doanh nghiệp ngoại đầu tiên bước chân vào của thị trường này.