Hành trình từ cô công nhân nhà máy đến bà trùm bất động sản của nữ tỷ phú tự thân hàng đầu Trung Quốc

13/08/2017 19:05 PM | Kinh doanh

Cuộc đời bà trùm bất động sản Trung Quốc Zhang Xin có thể được coi là 1 điển hình cho câu chuyện “từ kẻ vô sản trở thành tỷ phú” của không ít tỷ phú thế giới.

Khi còn bé, lớn lên ở Bắc Kinh trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, một trong những tham vọng của người phụ nữ từng là công nhân nhà máy đơn giản chỉ là một người nông dân – công việc rất được coi trọng vào thời kỳ đó. Giờ đây, tổng tài sản của bà và người chồng Pan Shiyi đã lên tới 3,3 tỷ USD. Zhang Zin thường xuyên lọt vào top các nữ doanh nhân hàng đầu thế giới. Công ty bất động sản SOHO của bà được coi là đã mang lại sắc màu sống động cho cảnh quan Bắc Kinh. Nhưng cuộc đời của người phụ nữ ấy đã có xuất phát điểm từ 1 bức tranh một màu u ám.

Người “tô màu” cho Bắc Kinh thêm sống động

Khi bà còn bé tức thời Cách mạng Văn hóa, ở Bắc Kinh không có nhà hàng hay cửa hiệu, mọi người đều được trả lương như nhau không phân biệt trình độ. Bà và mẹ được gửi về vùng nông thôn để làm việc, trong khi anh trai và bố bà ở lại Bắc Kinh.

Đối lập với bức tranh một màu ấy là 1 thành phố mà ngày nay người ta không thể nhận ra. Ở Bắc Kinh là thế giới của những tòa nhà chọc trời, của những ánh đèn rực rỡ và sáng choang. Và màu sắc ấy được đem đến một hần bởi SOHO China, tập đoàn mà bà và ông Pan (hiện là Chủ tịch tập đoàn) đã cùng nhau gây dựng. Được mệnh danh là “người phụ nữ xây dựng Bắc Kinh”, Zhang đã cùng với những kiến trúc sư nổi tiếng nhất thế giới xây dựng những tòa nhà chọc trời ở Bắc Kinh.

Galaxy SOHO với những đường uốn lượn màu trắng và Wangjing SOHO với những tòa tháp văn phòng có hình dạng kỳ lạ (đều do kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Zha Hadid thiết kế) là 2 công trình nổi bật trong số nhiều dự án ở Bắc Kinh và Thượng Hải có tổng diện tích 16,8 triệu m2 mà bà đã xây dựng.

Bên cạnh đó là Great Wall, một chuỗi các biệt thự nằm ở 1 thung lũng gần với khu vực Vạn Lý Trường Thành và cách Bắc Kinh khoảng 70km về phía Bắc. Công trình được thiết kế bởi 12 kiến trúc sư đến từ khắp châu Á và đã đạt được giải thưởng cho công trình kiến trúc ấn tượng.

Năm 15 tuổi, Zhang Xin cùng gia đình chuyển tới sống ở Hồng Kông, thành phố ồn ào náo nhiệt và rực sáng suốt cả ngày. Để kiểm tiền, bà làm công nhân trong nhà máy và đã gắn bó với công việc này trong 5 năm. Dù cuộc sống khá khó khăn, bà cảm thấy tự do ở Hồng Kông. “Ở đó tôi có thể mua bất cứ thứ gì muốn mua, ăn bất cứ thứ gì muốn ăn, mặc bất cứ thứ gì muốn mặc”, bà nói.

Vì khi đó Hồng Kông vẫn là thuộc địa của Anh, Zhang có cơ hội sang Anh học tập. Ban đầu bà đã bị sốc và sợ hãi vì cô đơn và không biết tiếng. Sau này, bà làm thêm trong 1 cửa hàng bán đồ ăn nhẹ do 1 cặp đôi người gốc Hoa làm chủ. Bà thường xem Margaret Thatcher tranh luận trong cuộc đua tranh cử Thủ tướng trên tivi và đã lấy cựu Thủ tướng Anh làm hình mẫu cho bản thân.

Sau khi lấy bằng cử nhân kinh tế tại ĐH Sussex và thạc sĩ phát triển kinh tế từ Cambridge (tất cả đều nhờ học bổng), bà vào làm việc tại Goldman Sachs London, sau đó chuyển sang Hồng Kông và New York. Tuy nhiên sau khi giúp đỡ một vài công ty Trung Quốc lên sàn, bà cảm thấy sắp có điều gì đó bùng nổ ở quê hương và đó chính là cơ hội làm giàu. Và chất xúc tác cuối cùng khiến bà quyết định về Trung Quốc là mối tình với người chồng Pan Shiyl – giám đốc 1 công ty bất động sản chưa từng rời khỏi Trung Quốc.

Hai người đã nhanh chóng kết hôn không lâu sau khi quen nhau và cùng nhau kinh doanh. Ban đầu mọi chuyện rất khó khăn vì thiếu thốn đủ thứ. “Làm sao để có đất? Làm sao để có vốn? Làm sao để thuyết phục được mọi người về khả năng của mình?” Đó là những câu hỏi mà bà phải giải quyết. Dù đã có thời điểm khủng hoảng, họ đã kề vai sát cánh để xây dựng nên SOHO ngày nay.

Tương lai của SOHO

Thất bại lớn đầu tiên mà Zhang gặp phải xảy đến vào năm 2003, khi bà cố gắng phát hành cổ phiếu SOHO ra công chúng. Zhang quay trở lại Goldman Sachs để tìm kiếm sự trợ giúp và sếp cũ của bà cũng tỏ ra hứng thú. Tuy nhiên, ở thời điểm đó các nhà đầu tư phố Wall không thể hình dung 1 công ty bất động sản Trung Quốc với mô hình kinh doanh hoàn toàn xa lạ sẽ có giá trị bao nhiêu.

4 năm sau mọi thứ mới sẵn sàng. SOHO huy động được 1,9 tỷ USD khi IPO năm 2007, giúp Zhang và Pan trở thành tỷ phú với tổng tài sản khoảng 4 tỷ USD, 12 năm sau khi họ thành lập SOHO.

Năm 2012, SOHO thông báo một bước chuyển lớn trong mô hình kinh doanh, từ “bán và xây” sang “xây và giữ”, cho thuê bất động sản thay vì bán chúng trong bối cảnh nhu cầu thuê văn phòng ở Bắc Kinh và Thượng Hải tăng cao. SOHO cũng muốn có 1 dòng tiền ổn định hơn. Năm 2016, tổng thu nhập từ tiền cho thuê bất động sản là 225 triệu USD. Năm m2015, Zhang cho ra mắt SOHO 3Q, công ty chuyên cho thuê không gian làm việc chung (coworking space). Đến tháng 12/2016, 17 trung tâm của SOHO 3Q có tỷ suất thuê trung bình đạt 85%.

Tuy nhiên vài năm trở lại đây lợi nhuận trước thuế của SOHO đã sụt giảm khá mạnh, từ mức 1,85 tỷ USD của năm 2013 xuống chỉ còn 298 triệu USD trong năm 2016 bởi thu nhập từ cho thuê không thể bằng với doanh thu bán bất động sản.

Ngoài Trung Quốc, gia đình bà Zhang còn đầu tư vào bất động sản ở New York.Năm 2011 họ bỏ 600 triệu USD mua cổ phần ở Park Avenue Plaza. Năm 2013 SOHO gia nhập 1 nhóm nhà đầu tư rót 1 tỷ USD vào tòa nhà General Motors. Châu Âu cũng là 1 điểm đến hấp dẫn. Zhang nói với CNBC rằng dù Anh rời EU, London, Paris và Berlin vẫn có sức hấp dẫn ngang nhau.

Chính phủ Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát dòng tiền được chuyển ra nước ngoài. Trong bối cảnh đó, ước mơ châu Âu của bà có thể khó trở thành hiện thực bởi đầu tư vào bất động sản không phải là trọng tâm trong chiến lược ra nước ngoài của Trung Quốc

Sau 20 năm hoạt động trong ngành bất động sản, Zhang vẫn chú trọng đến từng chi tiết ở các công trình, thậm chí có thể khiến các kiến trúc sư cảm thấy khó chịu khi làm việc cùng vì bà quá khó tính. Khi được hỏi về lời khuyên cho người trẻ hay bất cứ ai muốn phát triển sự nghiệp, bà cho rằng “bạn nên làm những thứ mình muốn làm, đừng lo lắng về kỳ vọng của người khác”.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM