Hành trình đưa gốc tre đến thế giới của nghệ nhân 50 tuổi

13/06/2023 20:50 PM | Sống

Sau 1 lần tìm được những gốc tre già, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ đã mày mò và điêu khắc thành công những hình dáng từ gốc cây ấy.

Hành trình đưa gốc tre đến thế giới của nghệ nhân 50 tuổi

Trong một lần tình cờ vớ được những gốc tre trong cơn đại hồng thủy, chú Huỳnh Phương Đỏ (50 tuổi, Hội An, Quảng Nam) bắt đầu bén duyên với cái nghề điêu khắc tượng phật trên những gốc tre già. Từ đó, hành trình hơn 30 năm quảng bá gốc tre Hội An của chú Đỏ bắt đầu và nhận được nhiều sự ủng hộ của khách du lịch cả trong và ngoài nước

Gốc tre hình phật - "đặc sản" Hội An

Khách đến phố cổ Hội An, dù mua hay không cũng bị ấn tượng bởi gian hàng gốc tre hình tượng Phật đặc biệt. Ấy là gian hàng của chú Huỳnh Phương Đỏ nằm trong khu chợ thủ công mỹ nghệ ở phố cổ Hội An, nổi bật với những bức tượng Phật, tượng Chúa làm bằng gốc tre. Những bức tượng Phật cười như đang mời chào khách đến với gian hàng nhỏ.

Chú Đỏ là nghệ nhân đầu tiên tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ từ gốc tre. Nghề đến với chú chỉ là một sự tình cờ, khi bản thân bị kẹt trong trận đại hồng thủy chỉ với vài gốc tre. Với nghề thợ mộc, chú bắt đầu đục đẽo vào những gốc tre để đỡ buồn, không nghề nó trở thành nghề của mình đến tận bây giờ, tính ra cũng đã được hơn 30 năm.

Chú lựa chọn những ông Phật, Thần trong văn hóa Việt Nam, đặc biệt là Tam Đa: Phúc - Lộc - Thọ, những vị phật mang ý nghĩa giàu sang, may mắn, trường thọ trong văn hóa phương Đông.

Những vị này rất được ưa chuộng đối với người Việt Nam, nên rất dễ tiếp cận với du khách nội địa. Đồng thời, cũng là một nét đặc biệt trong văn hóa Đông phương để giới thiệu cho bạn bè quốc tế. Sau này, chú gọt đẽo thêm nhiều nhân vật khác như Chúa Jesus hay Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Để tạo ra một tác phẩm, chú Đỏ tốn hơn 2 tiếng để đẽo, gọt và trước đó là 11 công đoạn. Cái khó nhất của tạo ra một sản phẩm thủ công mỹ nghệ là lựa chọn dáng hình phù hợp để tạo ra hình tượng nhân vật phù hợp.

Ví dụ với những gốc tre có rễ dài, thì sẽ để dành tạo hình thành ông Lộc với râu dài - đại diện cho việc cầu chúc cho gia chủ sống lâu, trường thọ. Còn đối với những gốc tre ngắn thì tạo hình ông thần tài, ông địa.

Từ cái nét cười, khóe mắt khi cười, sợi râu của những bức tượng đều được chú Đỏ chăm chút kỹ lưỡng. Mỗi bức tượng được làm thủ công sẽ cho ra nét mặt, nét cười khác nhau, chẳng bức nào giống bức nào.

Cái khó của người nghệ nhân là phải thổi hồn vào từng sản phẩm, để mỗi ông Phật có một khuôn mặt cười phúc hậu nhưng lại phải có những nét riêng, để mỗi sản phẩm là mỗi độc bản, không thể tìm được cái thứ hai. "Thế thì đó mới là điều quý giá của những sản phẩm thủ công mỹ nghệ" - chú Đỏ chia sẻ. "Mở nhãn" là quá trình quan trọng và chỉ có chú Đỏ, người tạo ra nghề này mới có thể tạo ra hiệu ứng sống động trong từng bức tượng.

Dù tốn nhiều công sức như thế nhưng chú Đỏ lại luôn "dụ dỗ" khách hàng chụp ảnh thoải mái mà không tính phí. Với cam kết "cứ vào chụp thoải mái, không tính tiền", nhiều khách hàng đang tò mò cũng cảm thấy thoải mái với nụ cười duyên của chú.

Thậm chí, chủ gian càng nhiệt tình đến mức tạo kiểu cho khách chụp hình. Nếu khách có hứng thú, chú còn sẵn sàng lấy một gốc tre xuống để "thị phạm". Sự nhiệt tình của chú có lẽ là thứ tạo nên thương hiệu Đỏ Tre Hội An - thứ mà ai cũng phải đến trải nghiệm khi đến phố cổ.

Mỗi bức tượng có giá từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng trở lên tùy theo kích cỡ. Đắt, rẻ tùy vào cảm nhận của từng người, nhưng đối với một món hàng thủ công mỹ nghệ, một sản phẩm có giá trị lâu bền cùng thời gian, lại là độc bản thì giá cả không phải là thước đo của nó. Những bức tượng Phật sống động làm từ một chất liệu đậm chất Việt Nam là thứ tạo nên một đặc sản của Hội An, nhưng để những vị khách ghé mua, ở lại thì chắc chắn đến từ sự hiếu khách của chú Đỏ.

Hành trình đưa gốc tre Hội An ra thế giới

Trong lúc tiếp tôi, chú Đỏ vẫn luôn dành sự quan sát khách hàng, kể cả những vị khách qua đường. Chú luôn liến thoắng mấy câu "Hello, Hi" với khách nước ngoài và sẵn sàng mời chào họ vào gian hàng để tham quan. Ai cũng bất ngờ với vốn tiếng Anh của chú khi có thể giao tiếp trôi chảy cùng khách.

Chú chia sẻ, buôn bán hơn 30 năm ở đất Hội An đã rèn cho chú khả năng nói nhiều thứ tiếng, như tiếng Anh, tiếng Trung,... để tiện cho việc giao tiếp và giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. Ở cái tuổi đã trung niên, chú Đỏ vẫn miệt mài học ngoại ngữ để có thể đem những gốc tre đặc biệt đến với bạn bè quốc tế.

Có những vị khách đã mua những gốc tre mấy mươi năm, khi quay lại, họ chia sẻ với chú rằng vẫn bất ngờ vì độ bền của nó. Qua bao nhiêu năm tháng, gốc tre già với hình ông Phật vẫn mỉm cười.

Chú Đỏ chia sẻ, ngoài học cách nói tiếng để buôn bán, chú còn cố gắng quảng bá hình ảnh gốc tre Hội An này thông qua các kênh mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube, Instagram. Với sự giúp đỡ của con gái, hình ảnh những gốc tre đặc trưng của Hội An đã được đã vượt ngoài biên giới Việt Nam, trở thành một món quà tặng tinh thần của những vị khách quốc tế khi họ có cơ hội đến thăm Đà Nẵng - Hội An.

Khi được hỏi, chú sẽ làm gì để quảng bá hơn những những gốc tre này, chú Đỏ cho biết mình đang ấp ủ việc dạy nghề cho những thế hệ sau. Hiện tại đã có rất nhiều người có thể tạc được những gốc tre tượng Phật tương tự chú Đỏ, nhưng nói về độ sống động thì vẫn không bằng người cha đẻ của nghề. Chính vì lý do đó mà chú mong muốn được dạy nghề bài bản, để có thể đem những gì có hồn nhất truyền lại cho người kế nhiệm.

Tôi hỏi chú không sợ bị người ta cướp mất nghề sao, chú Đỏ chỉ cười bảo rằng: "Cuộc đời sinh lão bệnh tử, rồi đến một lúc con người sẽ chết đi. Nhưng khi mất đi thì còn những truyền nhân giữ lửa nghề này. Đó là niềm tự hào đối với tôi. Nếu không thể truyền lửa nghề cho hậu thế về sau thì quá đáng tiếc"

Gốc tre Hội An của chú Đỏ Tre vẫn ở đó, hằng ngày tiếp ngàn lượt khách đến tham quan Hội An. Dù có mua quà hay không, khách du lịch vẫn cảm nhận được sự hiếu khách của người Hội An thông qua nụ cười của chú Đỏ và nụ cười của những bức tượng.

Theo Diễm Hạnh

Cùng chuyên mục
XEM