Hành trình 'chỉ muốn quên đi' của 1 nhà phát triển Trung Quốc: Doanh nghiệp đầy tiềm năng thành 'chúa nợ', gia đình nhà sáng lập mất gần 90% tài sản

03/12/2021 08:45 AM | Kinh doanh

Trong chưa đầy 2 năm, nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Kaisa Group đã đi từ một công ty mới nổi đầy tiềm năng ở Hong Kong thành một doanh nghiệp đầy nợ, doanh số sụt giảm mạnh.

Khi giới chức nước này nỗ lực kiểm soát khối nợ quá lớn của các nhà phát triển, Kaisa đã "đảo ngược" nỗ lực bành trướng tại Hong Kong khi thực hiện một loạt thương vụ bán tài sản trong tháng qua.

Đây là một biến động lớn đối với nhà sáng lập Kwok Ying Shing và gia đình ông. Đầu năm nay, họ đã gây chú ý với giới truyền thông khi mua lại các khu đất, căn hộ sang trọng và thậm chí cả một tờ báo địa phương. Giờ đây, Kaisa - nhà phát triển Trung Quốc đầu tiên vỡ nợ trái phiếu nước ngoài vào năm 2015, đang nỗ lực ngăn chặn những gì từng xảy ra ngay trong tuần tới nếu các trái chủ không đồng ý yêu cầu gia hạn.

Kaisa đã mua 4 khu đất dân cư ở Hong Kong kể từ tháng 1/2020, đánh dấu việc chính thức gia nhập thị trường địa ốc đắt đỏ nhất thế giới. Tuy nhiên, chỉ có 1 trong số các dự án đó chuẩn bị bán căn hộ. 3 lô đất còn lại vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển. Kaisa đang bỏ dở hoạt động xây dựng tại đó trước khi hoàn thiện để có thể thu lời.

 Hành trình chỉ muốn quên đi của 1 nhà phát triển Trung Quốc: Doanh nghiệp đầy tiềm năng thành chúa nợ, gia đình nhà sáng lập mất gần 90% tài sản  - Ảnh 1.

Kwok Ying Shing.

Nhu cầu bán bớt tài sản có thể trở nên cấp bách hơn đối với Kaisa, nếu các chủ nợ không chấp nhận việc hoán đổi các trái phiếu có giá trị 400 triệu USD đến hạn vào ngày 7/12 sang các trái phiếu mới đến hạn vào 18 tháng nữa. Nếu lời đề nghị này - hết hạn lúc 4 giờ chiều thứ Năm (giờ London), bị phản đối, Kaisa cho biết họ có thể sẽ không thể trả nợ trái phiếu và phải xem xét tái cơ cấu nợ.

Theo Raymond Cheng - trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc và Hong Kong tại CGS-CIMB Securities, việc bán bớt tài sản chỉ có thể hỗ trợ một phần nhưng không thể giúp họ giải quyết vấn đề về thanh khoản. Số tiền thu được từ việc thanh lý tài sản ở Hong Kong vẫn không là gì so với 2,8 tỷ USD trái phiếu sẽ đến hạn vào năm tới.

Kwok đồng sáng lập Kaisa với 2 anh trai vào năm 1999. Công ty bắt đầu bán dự án khu dân cư đầu tiên vào năm sau đó và trở nên nổi tiếng nhờ dự án tái phát triển các khu bất động sản gặp khó khăn ở Thâm Quyến. Một trong những dự án làm nên tên tuổi họ là biến khu đất bỏ hoang thành khu dân cư - thương mại tích hợp là Shenzhen Kaisa Center vào năm 2006.

Hiện tại, gia đình này sở hữu gần 40% cổ phần trong nhà phát triển. Cùng với đó là cổ phần trong các công ty con Kaisa Health Group Holdings Ltd., Kaisa Prosperity Holdings Ltd. và Kaisa Capital Investment Holdings Ltd. - những đơn vị tập trung vào lĩnh vực chăm sóc nha khoa, dịch vụ quản lý bất động sản và xây dựng.

Những rắc rối mà Kaisa gặp phải đã khiến khối tài sản của gia đình Kwok sụt giảm mạnh. Khi cổ phiếu của các công ty con đồng loạt rớt giá trong năm nay, tài sản của gia đình này đã mất 85% giá trị xuống còn khoảng 200 triệu USD, từ 1,3 tỷ USD vào tháng 1, theo Bloomberg Billionaires Index. Cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong của nhà phát triển rớt 73% trong năm nay.

 Hành trình chỉ muốn quên đi của 1 nhà phát triển Trung Quốc: Doanh nghiệp đầy tiềm năng thành chúa nợ, gia đình nhà sáng lập mất gần 90% tài sản  - Ảnh 2.

Các dự án bán tài sản của Kaisa ở Hong Kong.

Tuy nhiên, gia đình này vẫn nắm giữ một số tài sản có giá trị. Theo dữ liệu của Bloomberg, Kwok và 2 con gái đều sở hữu những căn hộ sang trọng ở khu Bel-Air của Hong Kong có trị giá hơn 29 triệu USD. 2 con gái của ông mới mua 2 căn nhà này vào tháng 3. Một trong số họ - Kwok Hiu Ting, cũng mua 28% cổ phần của hãng truyền thông Sing Tao News của Hong Kong vào đầu năm nay.

Ngoài ra, Kwok và 2 anh trai cũng sở hữu Fulbright Financial Group - công ty môi giới ở Hong Kong. Ngoài tài sản ở Hong Kong, Kaisa đang có kế hoạch bán 18 dự án tại thành phố Thâm Quyến với tổng giá trị 12,8 tỷ USD.

Hiện vẫn chưa rõ liệu gia đình Kwok có bán tài sản cá nhân để giải quyết cuộc khủng hoảng của công ty hay không. Một số nhà sáng lập trong ngành đã thực hiện động thái này, ví dụ như chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn đã huy động tiền mặt bằng cách bán bớt cổ phần trong công ty.

Đối với Kaisa, thách thức trước mắt sẽ là thuyết phục các chủ nợ đồng ý với đề nghị hoán đổi nợ. Trong khi đó, một số nguồn tin cho biết họ không chấp nhận. Kaisa là bên đi vay trái phiếu USD nhiều thứ 3 Trung Quốc trong số các công ty bất động sản, với khoảng 11,6 tỷ USD chưa thanh toán. Điều này có nghĩa là một vụ vỡ nợ có thể tạo hiệu ứng domino khi nhà đầu tư toàn cầu "quay lưng" với những trái phiếu này.

Theo Vu Lam

Cùng chuyên mục
XEM