Hàng vạn người tham gia giao thông đang gây họa lẫn nhau bằng thói quen tưởng chừng vô hại nhưng cực kỳ nguy hiểm này!
Ác mộng với rất nhiều người tham gia giao thông không phải là tắc đường, những người lái xe nguy hiểm mà đôi khi nó tới từ chiếc đèn chiếu xa, đèn pha, vũ khí vô hình gây tổn hại sức khoẻ người khác.
Xa rồi những ngày còi to nhất phố, bô nổ giòn nhất phố, giờ đây một vấn nạn mà hàng nghìn, triệu người tham gia giao thông gặp phải chính là đèn pha. Đúng thế, chỉ với một chiếc đèn có thể làm ảnh hưởng tới lượng lớn người tham gia giao thông.
Người ta bật đèn pha vô tội vạ trong đô thị, ngõ ngách, từ đường lớn tới đường nhỏ, đèn pha xuất hiện ở khắp mọi nơi và nó đang trở thành một nét xấu khi tham gia giao thông của người Việt Nam. Không những gây khó chịu, nguy hiểm cho những người tham gia giao thông, đèn pha còn gây ảnh hưởng lớn tới thị lực của những người vô tình dính phải thứ vũ khí vô hình này.
Trước hết, đèn pha là gì?
Đèn pha hay còn được biết với tên gọi đèn chiếu xa là thiết bị chiếu sáng được sử dụng trên các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy... Khác với loại đèn cốt (đèn chiếu sáng gần) thông thường, đèn pha có hướng chiếu thẳng với chiều dài khoảng 100m trở lên.
Nhìn lên bảng điều khiển xe, nếu biểu tượng trên với màu xanh dương xuất hiện có nghĩa là xe bạn đang bật đèn pha.
Đèn pha ban đầu được phát minh để sử dụng cho những đoạn đường vắng người, tối hoặc trên đường cao tốc với các xe cách nhau xa. Trong đô thị, đặc biệt ở những nơi có mật độ phương tiện giao thông cao, đèn pha bị cấm sử dụng do nó gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác.
Đây là những gì xảy ra khi một người đi ngược chiều bật đèn pha.
Thực trạng đèn pha ở Việt Nam
Nhắc tới đèn pha, những người tham gia giao thông tại các thành phố lớn sẽ là người hiểu rõ nhất tác hại cũng như sự khó chịu mà đèn pha mang lại. Người tham gia giao thông giờ đây sử dụng đèn pha vô tội vạ, từ dùng trong ngõ, chiếu vào mặt người đi bộ hay thậm chí dùng cả khi tắc đường, đèn pha trở thành hung thần xa lộ tiếp theo chỉ sau các phương tiện đi ẩu, vi phạm luật an toàn giao thông.
Nhỏ bé hơn nhiều so với ô tô, nhưng không vì thế mà đèn pha trên xe máy kém uy lực.
Anh L.T. Tài, một người lái xe dịch vụ ở Hà Nội chia sẻ: "Mình lái xe dịch vụ nên chạy xe cả ngày. Sáng thì chẳng có vấn đề gì, thỉnh thoảng lác đác vài người đi xe máy quên không tắt đèn nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều lắm. Vấn đề lớn là lúc chiều, tối, đặc biệt là khi tan tầm, đường thì rất đông nhưng đèn pha có rất nhiều.
Thật ra giới lái xe có cách để né được đèn pha, mình chỉ cần không nhìn thẳng vào hướng đèn thì chẳng có vấn đề gì cả. Thế nhưng đấy là đèn ở phía đối diện, các phương tiện chiều ngược lại. Còn khó chịu nhất thì là những người đi đằng sau, họ cứ rọi đèn pha soi hộ đuôi xe mình.
Ô tô cũng chỉ có 3 cái gương để lái xe nhìn được hướng xung quanh, người ta rọi đèn pha vào như thế chẳng khác gì mù dở. Đường thì đông đúc, chỉ sai một chút thôi là tai nạn rồi mà cứ chiều đèn như thế khác gì hại nhau. Đấy là còn chưa kể nhìn đèn pha nhiều bị loá mắt, nhìn nhiều rất đau đầu, ảnh hưởng tới mắt và sức khoẻ người tham gia giao thông".
Bật đèn pha nhiều khi trở thành thói quen của người đi đường, mặc dù theo điểm b, điểm g Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, nếu người điều khiển xe ôtô vi phạm các quy định về bật đèn chiếu xa nêu trên thì mỗi hành vi vi phạm bị xử phạt từ 600.000 đến 800.000 đồng. Đối với người điều khiển xe máy, nếu sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều thì bị phạt tiền từ 60.000 đến 80.000 đồng theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Thế nhưng, quy định trên dường như chưa đủ sức răn đe với những người thiếu hiểu luật.
Lý do gì để sử dụng đèn pha?
Quên, không biết hay bấm nhầm là những gì người ta hay nói tới mỗi khi bị hỏi tại sao bật đèn chiếu xa. Nhiều người thậm chí còn không biết mình đang vi phạm luật giao thông vì sử dụng đèn sai mục đích. Thế nhưng, có lẽ với đại đa số người tham gia giao thông, họ sử dụng đèn pha vì đơn giản thấy nó sáng hơn, bật thế ra đường sẽ không bị phạt mà chẳng quan tâm tới những người khác thấy thế nào.
Đa phần người tham gia giao thông bật đèn pha vì họ cho rằng sáng thì cứ bật thôi cho đỡ bị phạt, nào ngờ họ đang hại toàn bộ những người xung quanh, gây nguy hiểm cho chính mình.
Anh Tài cho biết thêm: "Giới lái xe hay có hành động nháy đèn để báo cho xe đối diện là họ đang bật đèn pha. Cái này nhiều khi chỉ có những người ý thức mới tắt, còn không nhiều người hung hăng còn kéo kính xuống mắng mình trong khi họ mới là người sai. Xe máy thì khỏi nói rồi, bật pha vô tội vạ, nháy đèn cả ngày họ cũng không tắt mà có lỡ nhắc họ họ còn mắng ngược lại mình".
Đèn pha có hại như thế nào?
Giống với bất kì nguồn sáng nào khác, khi mắt tiếp xúc với một nguồn sáng mạnh tần suất lớn hoặc trong thời gian dài đều gây ra thương tổn. Nhẹ nhàng thì loá mắt, giảm tầm nhìn, nặng thì đâu đầu, chóng mặt, thị lực suy giảm theo thời gian.
Nghiên cứu tại Chesapeake Bay Waterman, với đối tượng là chuột, khi chúng tiếp xúc với ánh sáng mạnh trong khoảng thời gian dài, khả năng thị lực của chuột giảm đáng kể. Khi cường độ ánh sáng được nâng cao như nắng mặt trời, tiếp xúc trong khoảng thời gian ngắn gây ra tình trạng mù loà. Trong thử nghiệm với ánh sáng thông thường, khoảng thời gian dài hơn tuy không gây nên mù loà nhưng thị lực giảm mạnh, khả năng nhìn còn lại của chuột rất kém.
Các nhà khoa học gọi đây là tổn thương photo-oxidative, họ cho rằng khi ánh sáng tiếp xúc với mắt, nó sẽ tạo ra những phân tử có phản ứng rất mạnh, chúng gây hại cho những phân tử xung quanh từ đố làm tổn thương tới mắt.
Một nghiên cứu khác được thực hiện tại Đại học Aston, Birmingham, Anh cho thấy ánh sáng đèn pha của các loại phương tiện giao thông, khi tiếp xúc trực tiếp với mắt sẽ gây ra tình trạng mù tạm thời. Nó kích thích mắt và gây ra tình trạng loá cũng như có một điểm sáng lớn ở giữa tầm nhìn cho dù không nhìn vào đèn pha nữa. Vấn đề này xuất hiện rõ ràng hơn hết khi độ tuổi người thử nghiệm tăng lên, đèn pha về lâu về dài làm giảm khả năng nhìn, khiến độ tương phản hình ảnh vào mắt thấp đi thậm chí gây ra tình trạng nhoè, mỏi mắt.
Ngoài mắt, tiếp xúc với ánh sáng cường độ cao còn khiến con người đau đầu. Điều này rõ ràng nhất với những người tiếp xúc nhiều với máy vi tính. Ở cường độ sáng trung bình 350 cd/m2, con người dùng máy tính trong 1,2 giờ và họ bắt đầu thấy mệt mỏi. Trong khi đó, ánh sáng từ một bên của chiếc đèn pha lên tới 140.000 cd/m2 và nó xuất hiện liên tục gây ra tình trạng mệt mỏi kéo dài ở những người lái xe.
Giải pháp nào cho đèn pha?
Quan trọng nhất để giải quyết vấn đề đèn pha vẫn tới từ ý thức trước khi tiến hành các biện pháp xử phạt. Hãy thường xuyên xem bảng điều khiển trên xe, chú ý biểu tượng đèn pha và hãy chuyển sang đèn chiếu gần để đảm bảo an toàn cho mình cũng như cho người khác.
Người bật đèn pha bị xử phạt tại Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, những người bật đèn pha đều bị xử phạt hành chính, kèm theo đó là hình phạt ngồi trước đèn pha và nhìn thẳng vào đèn trong 1 phút, nhiều người cho rằng đây là cách thức xử phạt kinh dị, thế nhưng đôi khi nó lại là phương thuốc hữu hiệu cho tình trạng vô ý thức của những người tham gia giao thông.