Hàng trăm triệu người dùng miệt mài gọi giao đồ ăn cả sáng, trưa, tối, các ứng dụng food delivery nhẹ nhàng bỏ túi hoa hồng tới vài chục %, có công ty từ thua lỗ 12 tỷ USD thành có lãi
Chưa kể đến tiền quảng cáo, các nhà hàng còn phải trả mức chiết khấu cao nhất tới 44% cho mỗi đơn hàng thành công. Chính điều đó đã khiến các ứng dụng giao đồ ăn giàu lên nhanh chóng.
Jackie Wu cần khách hàng cho quầy bánh bao mới của mình tại một khu ẩm thực ở Bắc Kinh. Thế là, anh tìm đến ứng dụng giao đồ ăn hàng đầu của Trung Quốc là Meituan Dianping. Anh trả 100 NDT (14 USD) mỗi ngày để quảng cáo loại bánh bao nhân thịt giá 3 USD/đĩa của mình với người dùng cũng như chấp nhận mất 19% tiền hoa hồng cho phía Meituan Dianping cho mỗi đơn hàng thành công.
"Đó là một hoạt động kinh doanh tốt. Tôi đang nhắm đến 2.000 đơn hàng một tháng", theo Wu.
Chỉ 12 tháng sau, thua lỗ của Meituan đã phát triển nhanh hơn cả doanh thu của họ trong nỗ lực thuyết phục các chủ nhà hàng ký kết hợp tác với ứng dụng, chi mạnh tay cho quảng cáo, khuyến mại giảm giá để thu hút người dùng.
Tuy nhiên, việc tạo ra được đơn hàng đều đặn thông qua nền tảng Meituan khiến những chủ nhà hàng như Wu hài hòng. Và thế là, phía Meituan bắt đầu thu phí nhiều hơn cho các quảng cáo, thu mức hoa hồng cao hơn và mảng kinh doanh giao đồ ăn chính của họ hiện đang bắt đầu có lãi. Thành tựu của họ là niềm hy vọng cho những ứng dụng giao đồ ăn đang thua lỗ nặng khác như Uber Eat, DoorDash, Swiggy và Deliveroo.
Việc này cũng đã giúp cổ phiếu của Meituan tăng tới 145%, biến họ trở thành công ty công nghệ niêm yết lớn thứ 3 tại Trung Quốc với vốn hóa thị trường trị giá 75 tỷ USD. Thành công của họ đã giúp công ty này vượt DJ.com và gã khổng lồ tìm kiếm Baidu để đứng ngay sau Alibaba và Tencent.
Meituan niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong từ tháng 9/2018 cũng có những hoạt động kinh doanh khác gồm đặt gói du lịch, dịch vụ mua sắm theo nhóm. Tuy nhiên, chuyên gia David Dai mô tả mảng giao đồ ăn như "con gà đẻ trứng vàng" của Meituan với biên lợi nhuận gộp lên tới 89%. Meituan một lần nữa tăng chiết khấu nhận từ các đơn hàng thành công từ 10,4% đầu năm 2018 lên mức 14,1% vào quý vừa qua.
Doanh thu và lợi nhuận của Meituan đang dần được cải thiện.
Dù tổng thể nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại nhưng Meituan đang nỗ lực đảo ngược tình hình thua lỗ - ở thời lúc đỉnh điểm lên tới 12 tỷ USD trong quý 3 của năm ngoái.
Đầu năm 2010, Meituan được thành lập bởi Wang Xing như một phiên bản Goupon của Trung Quốc. Meituan đầu tiên bước vào lĩnh vực giao đồ ăn và sau đó lấn sân sang rất nhiều mảng kinh doanh khác và hiện có hơn 200 dịch vụ được cung cấp từ "siêu ứng dụng" của họ gồm cả đặt vé tàu đến giao rau củ và thanh toán.
Giao đồ ăn – mảng kinh doanh chiếm hơn 1 nửa doanh thu toàn công ty hiện đang tìm mọi cách để câu kéo thêm người dùng mới. "Tôi đã giành chiến thắng trong một lần quay số trên Meituan và trúng một buổi làm nail miễn phí", một sinh viên 23 tuổi nói. Cô này cũng chia sẻ thêm rằng dùng Meituan để sử dụng mọi dịch vụ từ giao đồ ăn, mua vé vào các khu du lịch và đặt khách sạn.
"Cuối cùng công ty này rất có thể sẽ thống trị ngành công nghiệp dịch vụ nói chung. Nếu cần mua hàng hóa vật lý thì hãy đến Alibaba, còn nếu muốn sử dụng bất kỳ loại dịch vụ nào thì hãy đến Meituan", theo Dai – một chuyên gia phân tích. Nếu dự đoán của ông là đúng, lo ngại sẽ tăng với cổ đông lớn nhất của công ty là Tencent. Lý do là bởi bản thân Tencent cũng đang muốn hướng đến trở thành một "siêu ứng dụng".
Doanh thu đến từ những mảng kinh doanh khác nhau của Meituan.
Triển vọng của Meituan đã cải thiện khi thị trường giao đồ ăn Trung Quốc dần hoàn thiện hơn. Cuối năm ngoái, đối thủ cạnh tranh chính của họ là Ele.me đã chi mạnh tay để mở rộng cơ sở của mình, nguồn vốn chủ yếu tới từ nhà đầu tư "giàu có" của họ là Alibaba. Meituan không có cách nào khác cũng buộc phải tham gia vào cuộc đua "đốt tiền" này.
Một năm sau, Meituan dường như đã vượt qua được thời điểm khó khăn nhất. Họ có 5,9 triệu người bán trên ứng dụng, gần gấp đôi con số tương tự của Ele.me và cổ phiếu của công ty đã tăng gần gấp 2/3 tính tới cuối quý 2, tăng từ mức 59% 1 năm trước đó. 436 triệu người dùng mỗi người thực hiện trung bình 26,5 đơn hàng mỗi năm, tăng 17% so với năm trước đó.
Nhà sáng lập Wang nói rằng họ đặc biệt thu hút ở những thành phố nhỏ hơn tại Trung Quốc và người dùng cũng trung thành hơn. "Khi những công ty khác sử dụng những chiêu trò khuyến mại, trợ giá để thu hút những người dùng nhạy cảm về giá… mọi thứ sẽ không bễn vững. Vì thế khi một chiến dịch trợ giá ngừng lại, các đơn hàng sẽ sụt giảm mạnh".
Ella Ji – một chuyên gia phân tích đồng ý rằng sự trợ giá của Ele.me không có tác dụng và nói rằng mảng kinh doanh giao đồ ăn sẽ sớm bị đối thủ đánh chiếm. "Người dùng đang mở rộng, trước đây các nhân viên văn phòng gọi cơm trưa còn học sinh ở trường thì gọi đồ ăn. Năm nay, mọi người có xu hướng chọn ứng dụng giao đồ ăn cho cả bữa sáng".
Cùng thời điểm, Meituan cũng đang phải thắt chặt chi tiêu hơn cho những mảng kinh doanh mới của họ như chia sẻ xe đạp và gọi xe. Việc mua lại Mobike với giá 2,7 tỷ USD vào năm ngoái rõ ràng là một sai lầm đắt giá và năm nay Meituan đã phải đóng cửa tại một vài nước và bán hoạt động cho một đơn vị khác.
Mức chiết khấu của các ứng dụng giao đồ ăn.
Thanh toán cũng đang được tập trung mạnh và Meituan đã cài đặt một máy bán hàng tại cửa hàng Wu, tiếp nhận dữ liệu từ mọi đơn hàng. Họ cũng đang cố gắng bán nguyên liệu cho các nhà hàng.
Với Wu, phép tính rất đơn giản. Với mức phí hiện tại, việc có mặt trên Meituan là đáng giá để kinh doanh. Nhưng "sẽ không đáng dể tiếp nhận thêm những cơn đau đầu nếu mức hoa hồng được Meituan tăng lên quá cao".