Thị trường văn phòng phẩm - sự yếu thế của hàng nội

07/11/2013 16:09 PM |

Các mặt hàng văn phòng phẩm trong nước đang chịu sự cạnh tranh và yếu thế hơn hẳn so với sản phẩm nhập ngoại.

Theo ước tính, mỗi năm nước ta phải chi đến 4.000 tỉ đồng cho việc mua sắm đồ dùng, trang thiết bị văn phòng phẩm (VPP). Người tiêu dùng từ học sinh, sinh viên cho đến các công ty, tập đoàn lớn đều cần một lượng VPP khổng lồ. Do vậy, không có lý do gì để các doanh nghiệp sản xuất đồ dùng trong nước bỏ qua ngành hàng này. Thế nhưng, thực tế khối lượng mặt hàng VPP trong nước đang được bày bán chưa tương xứng với nhu cầu của người tiêu dùng.

Những thương hiệu trong nước như Thiên Long, Hồng Hà, Bến Nghé… đều đã tạo dựng được tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường. Các mặt hàng VPP của những thương hiệu này đều có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá thành phải chăng. Tuy nhiên, sản phẩm cho ra mắt chưa có sự đa dạng, vẫn tập trung chủ yếu vào các loại bút, giấy vở, dụng cụ học tập. Các mặt hàng như dập ghim, bao da, đồ dùng văn phòng… chưa nhiều, hiện vẫn để các mặt hàng ngoại nhập chiếm áp đảo.

Những mặt hàng VPP nhập khẩu chủ yếu đến từ Trung Quốc với rất nhiều mẫu mã và chủng loại, chất lượng tốt mà giá thành ngang bằng hoặc rẻ hơn hàng nội. Ví dụ như trong mặt hàng bút bi, trong khi hàng trong nước chỉ có vài kiểu dáng, màu sắc đơn giản thì hàng Trung Quốc có đến cả trăm loại, có những loại với rất nhiều hình thù ngộ nghĩnh, màu sắc tươi tắn, thu hút sự chú ý của người mua. Hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa phát hiện các sản phẩm VPP Trung Quốc có độc hại hay không nên người tiêu dùng vẫn yên tâm sử dụng.

Chị Hà Phương - nhân viên hành chính một công ty tại Mễ Trì, Hà Nội cho biết: “Công ty tôi thường đặt mua VPP với số lượng lớn. Các công ty cung cấp có đưa báo giá, thường thì hàng Trung Quốc có giá thành rẻ hơn mà đa dạng, chất lượng đồng đều. Tất nhiên, vì lợi ích kinh tế nên công ty lựa chọn hàng Trung Quốc”.

Với số lượng ít, nên các mặt hàng VPP trong nước hoàn toàn bị lép vế trước các mặt hàng ngoại nhập. Hiện VPP thuộc phân khúc hàng cao cấp chưa có doanh nghiệp trong nước nào đủ điều kiện đáp ứng. Điều này đã mở ra con đường thuận lợi cho các doanh nghiệp đến từ châu Mỹ, châu Âu thâm nhập ngày một sâu rộng.

Các nhãn hàng như Parker, Montblanc, Rogal, Picasso… đều đã mở văn phòng đại diện và nhiều chi nhánh cửa hàng khắp cả nước. Sản phẩm của các thương hiệu này gồm bút, sổ bao da, bao da đựng tài liệu… thường có giá từ vài trăm cho đến vài triệu đồng nhưng vẫn thu hút người tiêu dùng, nhất là giới thương nhân.

Sản xuất các mặt hàng VPP là ngành hàng có nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển nhưng ngay cả các cơ quan chức năng vẫn chưa chú trọng, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nội thêm sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp trong nước vẫn phải loay hoay tìm hướng đi cho riêng mình, nhưng nhiều sản phẩm lại chỉ được bày bán tại các chợ hay cửa hàng nhỏ lẻ.

Hiện các doanh nghiệp VPP trong nước vẫn đang tích cực đầu tư mở rộng thị trường, dây chuyền sản xuất, thay đổi hướng kinh doanh tiếp thị nhưng vẫn chưa “chiếm lại sân nhà” được với hàng ngoại nhập. Giá sản phẩm vẫn còn cao, chưa có sự sáng tạo về kiểu dáng và mẫu mã, sự bành trướng của Trung Quốc là những nguyên nhân hàng đầu cho những yếu thế này của doanh nghiệp nội.

Theo Hương Dịu

khanhnt

Cùng chuyên mục
XEM